Đồng thuận tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận

Những ngày cuối năm 2024, khi hay tin Quốc hội thông qua Nghị quyết tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận, người dân vùng dự án đều bày tỏ sự đồng thuận cao. Gần hai thập kỷ qua, bà con đã chuẩn bị tâm thế tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được kỳ vọng là một động lực đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới.
Ninh Thuận đã đầu tư kết cấu hạ tầng để ổn định sản xuất, đời sống nhân dân vùng dự án.
Ninh Thuận đã đầu tư kết cấu hạ tầng để ổn định sản xuất, đời sống nhân dân vùng dự án.

Bảo đảm sinh kế cho người dân

Những ngày này, về thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - hai nơi trước đây được chọn xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 và 2, thấy đời sống người dân đang dần ổn định.

Năm 2016, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, Ninh Thuận đã triển khai phương án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư phù hợp đối với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng nhà máy. Tháng 7/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận ra thông báo thu hồi đất và triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu với kinh phí 423 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương 273 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 150 tỷ đồng). Nhiều thôn xóm được xây dựng hạ tầng, mở đường mới, du lịch phát triển.

Mới đây, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận. Người dân vùng dự án bày tỏ sự đồng thuận cao. Gần hai thập kỷ kể từ ngày mảnh đất quê hương được Trung ương lựa chọn xây dựng dự án ĐHN, người dân tại các thôn Vĩnh Trường, Thái An đã sẵn sàng tâm thế nhường đất lại cho dự án. Nay nghe tin dự án tái khởi động, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Vĩnh Trường cho biết: Bà con trong thôn rất phấn khởi, mong dự án được triển khai sớm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước.

Người dân ủng hộ nhưng cũng có những suy tư. Theo ghi nhận của phóng viên, gần 2 năm qua, thôn Vĩnh Trường có khoảng 20 hộ đã xây dựng, sửa chữa lại nhà ở. Cùng với đó, hạ tầng nông thôn được địa phương đầu tư. Anh Nguyễn Thành Du, người có hàng chục năm là trưởng thôn Vĩnh Trường bộc bạch: “Khởi động lại dự án ĐHN là cần thiết, chỉ mong hạ tầng đã và đang được Nhà nước đầu tư cho người dân vùng dự án không bị lãng phí”.

Là hộ có đất nằm trong vùng lõi của dự án ĐHN Ninh Thuận 2, ông Phạm Văn Phê, 46 tuổi, thôn Thái An chia sẻ: Trước đây, khi có chủ trương dừng dự án, được Trung ương và tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, bà con vui mừng tái sản xuất giúp cuộc sống dần ổn định. Nay dự án tái khởi động, bà con vẫn ủng hộ di dời. Có điều, người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp nên rất mong mỏi có chính sách hợp lý hỗ trợ định canh, định cư.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: Nhằm tạo đồng thuận cao trong nhân dân, đồng thời không để lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách, nguồn lực đất đai tại hai vị trí xây dựng nhà máy và nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên sâu về ĐHN, Ninh Thuận mong muốn Trung ương xác định rõ lộ trình phát triển dự án. Cùng với đó, sớm xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển ĐHN.

Cần cơ chế đặc thù

Giữa tháng 12/2024, tại hội thảo định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035, nhiều chuyên gia cho rằng, Ninh Thuận cần sớm đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù trong bối cảnh tái khởi động dự án ĐHN.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định: Việc tái khởi động xây dựng các nhà máy hạt nhân không làm thay đổi định hướng quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà sẽ tạo thêm sự đột phá của quá trình hình thành trung tâm năng lượng quốc gia. Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương là triển khai quy hoạch bằng các dự án cụ thể để thu hút đầu tư với tâm thế mới, đồng thời, nên kiến nghị Trung ương có nghị quyết ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Trong đó, cần nhất là trao cơ chế phân cấp, phân quyền để Ninh Thuận “tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm”. Có như vậy, Ninh Thuận mới tiếp tục biến tiềm năng, lợi thế thành cơ hội nhanh chóng phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Đánh giá Ninh Thuận đang đứng trước những thời cơ rất lớn, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng: Để phát triển nhanh, bền vững, Ninh Thuận cần có giải pháp đột phá về thể chế, chính sách. Tỉnh nên kiến nghị Trung ương trao quyền một cơ chế để giải quyết các điểm nghẽn của điểm nghẽn, tạo đột phát của đột phá để thu hút đầu tư, vươn mình phát triển.

Trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận vào ngày 5/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến khảo sát địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận và khẳng định, việc tái khởi động dự án ĐHN Ninh Thuận là sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển và vì mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng Bí thư cho rằng, Ninh Thuận chính là “hạt nhân” dự án năng lượng thế kỷ này của Việt Nam. Hiệu quả của dự án không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau. Đảng và Nhà nước sẽ bảo đảm lựa chọn những công nghệ hạt nhân và đối tác tư vấn tốt nhất, đồng thời đào tạo nhân lực quản lý chất lượng cao để việc vận hành luôn an toàn, hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị tỉnh Ninh Thuận tập trung bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn hỗ trợ của các bộ, ngành chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án ĐHN. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt chủ động tập trung làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; khẩn trương đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, bố trí khu tái định canh, định cư, đất sản xuất, nhằm ổn định đời sống của người dân trong vùng dự án.

“Trong bối cảnh tái khởi động dự án ĐHN, Ninh Thuận đặt mục tiêu trở thành địa phương có mức thu nhập thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2030 và trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao vào năm 2045”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết.