Nhiều phụ huynh ủng hộ mạnh mẽ quy định này, coi đó là một bước tiến lớn nhằm giảm áp lực tài chính và bảo đảm công bằng trong học tập.
Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ của nhu cầu học thêm - chương trình học nặng nề và nhiều bất cập - vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong bữa cơm trưa công sở, chị Phượng có hai con học bậc tiểu học và THCS bày tỏ, việc giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa tại nhà đã tạo ra sự thiếu công bằng, gây áp lực tài chính cho phụ huynh và lo ngại về việc con em mình có thể bị đối xử thiếu công bằng nếu không tham gia học thêm. “Quy định mới giúp học sinh có cơ hội học tập bình đẳng hơn và phụ huynh bớt lo lắng về việc con bị phân biệt”, chị Phượng nói.
Góp lời bàn luận thêm, chị Hoài - người chiều chiều phải vội vàng rời công sở về để đưa con học lớp 5 đi học thêm - cho rằng, cấm dạy thêm chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu học thêm vẫn tồn tại: Chương trình học quá nặng nề và chưa hợp lý. Theo chị, với khối lượng kiến thức lớn và yêu cầu cao từ chương trình hiện hành, học sinh khó có thể theo kịp nếu không tham gia học thêm. Nếu chương trình học được giảm tải, học sinh sẽ có thời gian vừa học, vừa chơi mà không cần đến các lớp học thêm…
Thực tế cho thấy, học sinh đang phải học một chương trình khá nặng. Quan sát hành trang đến trường của các em với ba-lô nhiều loại sách giáo khoa, nhiều môn học, rồi các chương trình học tiếng Anh liên kết… thì thấy, kiến thức đang bị “nhồi nhét”, trong khi tuổi của các em chưa thể “tải” nổi. Các em cũng thiếu thời gian để học những kỹ năng sống… Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đã nhấn mạnh, cải cách chương trình học là điều quan trọng. Một chương trình học phù hợp với năng lực THANH học sinh, giảm bớt sự ôm đồm kiến thức và đặt trọng tâm vào các kỹ năng cốt lõi sẽ giúp giảm nhu cầu học thêm. Khi đó, nếu cần thì việc học thêm, dạy thêm sẽ thật sự trở thành nhu cầu tự nguyện của học sinh và phụ huynh, thay vì một giải pháp “cứu cánh” để theo kịp chương trình học.
Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã đưa ra tín hiệu tích cực, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Để giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm, cần một cuộc cải cách toàn diện hơn từ nội dung chương trình đến phương pháp giảng dạy. Bài toán đặt ra không chỉ là cấm giáo viên dạy thêm, mà là xây dựng một hệ thống giáo dục mà trong đó học thêm không còn là gánh nặng, mà trở thành lựa chọn tự nguyện.