Thắm mãi ký ức hào hùng

Từng là dân quân du kích địa phương, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng ác liệt, già làng Ăm Kế, dân tộc Vân Kiều - cựu chiến binh ở thôn Ba Tầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lưu giữ rất nhiều ký ức về chiến tranh, về phong trào dân quân du kích ở địa phương đặc biệt là về đồng đội.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng Ăm Kế (giữa) cùng người có uy tín xã Ba Tầng trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân.
Già làng Ăm Kế (giữa) cùng người có uy tín xã Ba Tầng trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân.

Ba Tầng miền biên viễn

Mùa đông, Ba Tầng mờ ảo trong sương khói và ấm áp bởi tình người. Xe chạy êm ru hơn 100 km từ TP Đông Hà đến Ba Tầng mang đến cho chúng tôi nhiều xúc cảm khác nhau. Miền núi Quảng Trị thay đổi không nhanh nhưng từng bước vững chắc. Ba Tầng là xã phía nam xa nhất của huyện Hướng Hóa, nơi tương đối bằng phẳng, yêu kiều, những con đường quanh co, núi đồi mang dáng dấp của vùng trung du và miền núi phía bắc.

Ba Tầng ngày nay có hơn 89% đồng bào Vân Kiều sinh sống trên tổng số 7 thôn, hoạt động kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Ba Tầng có lợi thế thổ nhưỡng với đất đỏ bazan chiếm hầu hết 7/7 thôn của xã, phù hợp cho trồng các loại cây chủ lực như cà-phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Những năm trở lại đây, đồng bào Vân Kiều đã chuyển đổi một số diện tích trồng rừng sang trồng cây cao-su. Lợi thế đất đai và thu nhập cao từ khai thác cây cao-su là nguyên nhân khiến người nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, hướng đến hiệu quả kinh tế dài lâu, ông Hồ Văn Băng, Chủ tịch UBND xã Ba Tầng cho biết.

Thắm mãi ký ức hào hùng ảnh 1

Toàn cảnh xã Ba Tầng hôm nay.

Ký ức của già làng - cựu chiến binh

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ nằm giữa bản làng Vân Kiều, già làng Ăm Kế kể với chúng tôi những ký ức về thời niên thiếu: Tôi tham gia dân quân du kích địa phương năm 1967, lúc này 16 tuổi, đội du kích ở địa phương đã hàng trăm người. Đó là các ông, cha, chú của tôi. Lớp này ngã xuống thì lớp khác tiếp nối. Nam, nữ gì cũng có hết, đội du kích địa phương làm đường, gùi lương thực, đánh giặc… việc chi cũng làm, mọi người đồng lòng, đồng sức để đuổi giặc ngoại xâm. Từ thời ông cha bản làng yên ổn. Có giặc Pháp, sau đó giặc Mỹ, bản làng đầy tiếng súng, tiếng máy bay, người chết, con chim trên rừng cũng mất con, mất tổ, đau thương lắm.

Chuyện theo Ăm Kế trở về như những thước phim, chúng gián đoạn bằng giọng trầm, nghẹn đắng nhưng cũng dấy lên niềm tự hào: Giặc Mỹ đủ mọi thủ đoạn, từ phun chất độc hóa học phá rừng tới bắt 5.000 đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, Hướng Hóa khiến lòng căm phẫn của bà con lên cao. Phong trào tiêu diệt giặc Mỹ trên địa bàn Ba Tầng, A Dơi, A Xing, A Túc… lên cao ngút trời. Đồng bào cầm súng, cầm giáo, làm bẫy… diệt giặc. Giặc tới phá nhà, phá cửa, cướp của cải, giết trẻ con…, không đánh không được. Giặc Mỹ ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học tàn phá bản làng, phá lúa, giết trâu bò, giết dê khiến đồng bào chịu đói, chịu khổ nhưng đồng bào vẫn cố gắng hồi phục bản làng, trồng củ mì, trồng lúa, trồng ngô… đóng góp cho kháng chiến để dốc toàn cục cho chiến dịch giải phóng Khe Sanh.

Ăm Kế chia sẻ thêm, từ chiến dịch Khe Sanh bắt đầu vào tháng 1 tới khi chiến dịch toàn thắng vào tháng 7/1968, đồng bào Vân Kiều ở xã Ba Tầng cũng như đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hóa không tiếc của cải, máu xương cống hiến cho cách mạng. Dân quân du kích và người dân địa phương dốc toàn lực cho kháng chiến. Hàng trăm, hàng nghìn người san lấp hố bom, làm đường, gùi hàng, tải đạn, tiếp lương, cứu chữa thương binh, dồn toàn lực phục vụ chiến dịch giải phóng Khe Sanh.

Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền nam hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của Mỹ - ngụy, làm bàn đạp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, lực lượng du kích được đánh giá là đã phát triển đặc biệt sâu rộng, mạnh mẽ, cực kỳ phong phú, đa dạng về hình thức đánh địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trong đó, dân quân du kích của các xã Ba Tầng, A Túc, A Xin… với hàng nghìn người tham gia, góp sức vào chiến dịch. Lực lượng du kích đã góp phần giải phóng các vùng sau lưng địch tạo ra thế chiến lược có lợi cho ta, tạo thời cơ, bàn đạp cho bộ đội chủ lực tác chiến tập trung tiêu diệt lớn quân địch, đẩy địch vào thế bị động lúng túng giữa phân tán với tập trung, giữa cơ động và chiếm đóng.

Ông Hồ Văn Rương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ba Tầng chia sẻ: Gần 60 năm trôi qua, nhưng những chiến công, trận đánh vang dội của lực lượng dân quân du kích địa phương trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 mãi là bản anh hùng ca về sự hy sinh, lòng dũng cảm vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hoài niệm trong ngày no ấm

Chiến tranh, hòa bình, an yên… Ăm Kế từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng trong trái tim của ông luôn hướng về đồng đội của mình, những người đã ngã xuống cho mảnh đất Ba Tầng - Hướng Hóa thân yêu. Ngồi mân mê những tấm huân, huy chương thời kháng chiến, Ăm Kế bùi ngùi: Những lúc nhớ về đồng chí, đồng đội của mình bố thường mang những danh hiệu này ra. Và lòng nghĩ, lòng thương về những đồng đội đã ngã xuống. Hòa bình bao nhiêu năm là chừng đó tình thương, nhiều như lá rừng.

Thẳm sâu trong đêm tối, trong ánh đèn le lói thắp lên niềm tin và lòng yêu thương diệu vợi, Ăm Kế nghĩ rất nhiều. Hình ảnh của những đoàn người vác súng đạn, gùi lương thực, vừa thực hiện nhiệm vụ hậu phương vừa đánh giặc. Ăm Kế kể, năm 1967, Mỹ - ngụy đổ bộ lên miền núi Hướng Hóa, Mỹ thì ít, ngụy thì nhiều. Đến Mậu Thân 1968, Mỹ về Hướng Hóa nhiều hung, Ba Tầng cũng không ngoại lệ. Nòng súng quân thù lê đến đâu là cái chết đầy rẫy đến đó. Trong những khoảnh khắc định mệnh, đồng đội Ăm Kế đã ngã xuống. Ông lặng đi trong dòng chảy ký ức, trên đôi mắt của cựu binh già nhòe nhoẹt những giọt nước mắt: Bạn bố, Hồ Văn Lang - du kích thôn Vầng, đồng đội của bố dũng cảm lắm, Lang hy sinh trong trận đánh Làng Vây năm 1968; Hồ Ra Lang thôn Ba Lòng, cũng bạn bố, hy sinh năm 1968…

Những dòng tên đồng chí ngã xuống cứ thế dài ra, bằng với thời gian và những mất mát, đau thương mà cuộc chiến đem lại. Chiến tranh là phép thử cho lòng người, Ăm Kế nhận ra đồng bào mình biết lẽ phải, ghét chiến tranh, căm phẫn quân thù. Giờ đây trong hòa bình, những tấm huân, huy chương thời kháng chiến trong hầu hết những ngôi nhà sàn của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô là minh chứng thuyết phục cho điều đó. Ăm Kế bảo, người Vân Kiều, Pa Cô lấy chữ tín làm trọng, trước cũng như sau, một lòng mới cùng nhau làm cách mạng, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thì mới có sức mạnh đoàn kết để giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương đất nước.

Ông Hồ Văn Rương cho biết thêm: Hiện nay Hội Cựu chiến binh xã Ba Tầng có 81 hội viên, lớp trẻ đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong thôn bản. Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, phát huy phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ, một mặt cựu chiến binh chăm lo đời sống cho gia đình có công, mặt khác góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, từng đảm đương các chức vụ khác nhau tại địa phương: Năm 1973 là cán bộ thông tin xã, 1982 là Bí thư xã Đoàn rồi sau đó làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch UBND xã 2 nhiệm kỳ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh…, Ăm Kế bảo rằng, hạnh phúc lớn nhất của ông là ngày đất nước giải phóng, còn lúc tủi lòng nhất là khi đồng đội của ông không nhìn thấy hòa bình. Ông sống tốt cũng bởi những người nằm xuống.