Can đảm lựa chọn khác biệt

Những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã tự tin viết nên câu chuyện khởi nghiệp ở độ tuổi ngũ tuần. Từ những gia đình nghèo, cận nghèo, giờ đây các chị đã bước vào danh sách các nông dân tỷ phú.
0:00 / 0:00
0:00
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của chị em HTX Tân Phú.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của chị em HTX Tân Phú.

Từ trái sầu riêng trong nỗi “buồn chung”

Sinh ra và lớn lên ở ấp Hàm Luông - vùng trồng sầu riêng nổi tiếng tại Bến Tre nhưng suốt thời gian dài, nhiều nhà vườn nơi đây phải sống trong cảnh nghèo khó. Không am hiểu kỹ thuật canh tác, trước đây bà con chỉ biết giao cây cho trời đất. Năm nào mưa thuận gió hòa, sầu riêng trúng mùa lại rớt giá, thương lái đến tuyển lựa trái lớn nhưng chỉ mua từ 2-3 nghìn đồng/kg. Rồi khi nước mặn xâm nhập sâu, không ít cây chết đứng. Sầu riêng nhưng lại mang nỗi “buồn chung”, thời kỳ đó, nhắc đến Hàm Luông là nhắc đến nỗi ám ảnh đói nghèo.

Mọi việc dần thay đổi khi năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú đề nghị chị em ấp Hàm Luông thành lập một trong các nhóm sở thích như ca hát, khiêu vũ để phát triển phong trào. Nhiều chị em trong ấp khi đó lắc đầu tư chối bởi nghĩ mình phụ nữ quê mùa chỉ muốn làm vườn và đau đáu tìm cách thoát nghèo. Ý nguyện lập nhóm “thích trồng cây, mê làm giàu” của chị em ấp Hàm Luông được UBND xã tư vấn chuyển thành tổ hợp tác trồng sầu riêng.Ngày 8/3/2017, tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Hàm Luông chính thức thành lập với 12 nữ thành viên do cô Cao Thị Chiên, một cựu giáo chức vừa về hưu trong ấp làm tổ trưởng.

“Đây là tổ hợp tác trồng sầu riêng nữ đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Phụ nữ ở đây có thể tự làm tất cả các khâu trong quy trình chăm sóc sầu riêng như xịt thuốc, bón phân, thụ phấn, tạo tán, tỉa bông, dưỡng trái…”, cô Chiên tự hào khoe. Nhắc lại chuyện trước kia, cô Chiên kể: Thời gian đầu, vận động các chị em vào tổ hợp tác khó khăn lắm. Nhưng nếu cứ tiếp tục mỗi người làm theo một cách thì sản lượng, chất lượng không đồng đều, dễ bị tư thương ép giá. Chỉ có hợp tác cùng nhau làm theo một quy trình kỹ thuật chuẩn, cho ra sản phẩm chất lượng đồng đều mới có vị thế làm chủ. Hiện tổ hợp tác đã phát triển lên 55 thành viên, trong đó nhiều chị em đã bước vào câu lạc bộ tỷ phú của tỉnh.

Nhắc đến tỷ phú thành công nhất của tổ hợp tác sầu riêng Hàm Luông, cô Chiên vui vẻ dẫn chúng tôi tới vườn nhà của cô Nguyễn Thị Thinh (sinh năm 1969). Từ một phụ nữ rụt rè, không có gì ngoài tinh thần ham học hỏi cùng khát khao thoát nghèo, cô Thinh đã mạnh dạn chuyển đổi sang hướng canh tác hữu cơ và xây dựng thành công thương hiệu “sầu riêng cô Thinh” nức tiếng cả nước.

Thoát khỏi vùng an toàn

Càng làm, cô Thinh càng nhận ra, chỉ cần cù lao động, nắm vững kỹ thuật vẫn chưa đủ mà phải có phương thức chủ động kinh doanh mới thoát khỏi cảnh bị thương lái ép giá. Để làm được điều này, cô chẳng ngại khó khăn, tham gia các khóa học phụ nữ tự tin làm kinh tế, chủ động kết nối với các doanh nghiệp khác để học hỏi công nghệ mới… Can đảm lựa chọn khác biệt để thoát ra khỏi vùng an toàn, cô Thinh đã mạnh dạn cùng nhiều nhà vườn thành lập HTX Nông nghiệp Tân Phú. Từ 51 thành viên, đến nay HTX đã tăng lên hơn 300 thành viên, với 800 ha diện tích sản xuất. HTX còn hình thành 12 tổ dịch vụ đồng thời xây dựng được 6 mã vùng trồng sầu riêng, áp dụng sản xuất VietGAP, hữu cơ trên diện tích 200 ha.

Kể về tư duy nghĩ khác, cô Thinh chia sẻ: Để bán được sầu riêng giá cao, các thành viên trong HTX đã xử lý trái vụ từ tháng 9 đến tháng 2. Thời điểm này giá bán sầu riêng dao động 90 đến 130 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi so giai đoạn chính vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững. Sầu riêng của xã Tân Phú hiện đã được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Khi nghe ở tỉnh Đồng Tháp nông dân tổ chức hội quán gắn với du lịch cộng đồng rất hiệu quả, cô Thinh cùng chị em trong HTX liền đi tham quan học hỏi. Sau chuyến đi này, cô và chính quyền xã Tân Phú xúc tiến ra mắt hội quán vào ngày 30/6/2022, là hội quán đầu tiên của tỉnh Bến Tre.

Ở HTX nông nghiệp Tân Phú, nhiều chị em thương mến gọi cô Thinh, cô Chiên… là những người tạo cảm hứng giúp họ vượt khó để làm nên. Chị Đinh Thị Dung, một thành viên của HTX kể: Trước đây, gia đình tôi nghèo đến cùng quẫn. Chồng bỏ đi, hai con gặp nạn… được các chị em hỗ trợ vượt qua khó khăn, lại hướng dẫn quy trình trồng sầu riêng chuẩn, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Hết khổ rồi mình chủ động làm đơn xin thoát nghèo, cùng chị em giúp đỡ lại các hoàn cảnh khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết: Tấm gương khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần của cô Thinh, cô Chiên và nhiều chị em khác đã đưa Hàm Luông trở thành ngọn cờ đầu của huyện trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tinh thần vượt khó của các chị đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều chị em khác mạnh dạn phát triển kinh tế.

Mới đây, xã Tân Phú tiếp tục thành lập thêm HTX Dịch vụ tổng hợp Bình An với 46/60 thành viên là nữ đế tiếp tục nhân lên tinh thần vươn lên làm chủ kinh tế, làm chủ cuộc đời cho chị em.