Sáng tạo trong trải nghiệm Tết

Thời điểm này, nhiều ý tưởng đã được vạch ra trong suy nghĩ của các nhà tổ chức về các cuộc trải nghiệm Tết cổ truyền dành cho lớp trẻ.
0:00 / 0:00
0:00

Việc chuẩn bị cũng bắt đầu để không lâu nữa, từ giữa tháng Chạp trở đi, cho đến chính Tết Nguyên đán Ất Tỵ và những ngày đầu năm mới, nhiều hoạt động tập gói bánh chưng, cùng nhau luộc bánh, trang trí mâm cỗ Tết, tìm hiểu phong tục như cắm đào, treo tranh, xin chữ, chúc Tết đầu năm, mừng tuổi, tham dự các trò vui trong lễ hội đầu xuân… sẽ diễn ra rộn rã. Một số bảo tàng, di tích, trung tâm văn hóa địa phương, không gian văn hóa cộng đồng hay tư nhân những năm qua đang trở nên các địa chỉ tìm tới để công chúng hòa mình vào các hoạt động vui xuân, cảm thấy mình được gần hơn với truyền thống.

Đã có nhiều mô hình, phương thức hoạt động thú vị, cuốn hút thanh thiếu niên. Trong xu hướng tìm lại truyền thống để đến với hiện đại một cách sâu sắc, nhân văn hơn, cũng như tiếp nối tinh hoa của những gì xưa cũ, quen thuộc để nối dài sức sống của bản sắc, thường xuyên nảy sinh những đòi hỏi mới cho việc sáng tạo, kiến tạo. Điều này là đòi hỏi đầy tính gợi mở và thách thức thú vị đối với các nhà tổ chức cho nhân dân, thanh niên, trẻ em trải nghiệm Tết một cách đa dạng, hào hứng, đạt hiệu quả giáo dục, tích lũy tri thức, vốn sống. Mà các nhà tổ chức sẽ gồm đông đảo từ quản lý văn hóa đến chính quyền, cơ quan địa phương, tổ chức xã hội và cả doanh nghiệp, cũng như cá nhân, nhóm hoạt động văn hóa, nghệ thuật…

Đã có những lễ hội xuân mang tính mô phỏng, và nhiều hoạt động trình diễn các nghi thức lễ Tết hay các công đoạn sửa soạn cho Tết. Nên chăng phát triển nhiều hơn các hoạt động “trải nghiệm thật” khi đưa thanh thiếu niên, học sinh đến tham dự các lễ hội, các nghi thức dịp xuân Tết ở đình, chùa, hay việc duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp của ngày Tết trong làng xã, cộng đồng… Hoặc, các chương trình thâm nhập, quan sát và nhập cuộc với chợ Tết, nghi lễ thờ cúng tổ nghề hay tín ngưỡng bản địa ở không gian đô thị, phố phường… Và cả nhiều hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật truyền thống mang “sắc xuân, hương Tết” ở các không gian danh thắng, di tích, không gian nghệ thuật hiện đại… Tất nhiên, để nhập cuộc, thực sự sống và đồng hành với các chương trình, hoạt động như thế, cần có kế hoạch, phương án và các nội dung tiếp xúc, trải nghiệm cụ thể chứ không chỉ là tự do, ngẫu hứng, cứ đến là được.

Ngoài ra, ngay cả với việc mô phỏng, trình diễn để công chúng, giới trẻ hiểu Tết hơn, cũng cần có nhiều đổi mới, đi sâu. Thí dụ, ngoài “Tết quen thuộc” và phổ biến với cây nêu, bánh chưng xanh, câu đối đỏ…, có thể đến với những “Tết đặc thù, Tết khác lạ” theo những vùng miền, địa phương khác nhau, theo phong tục các dân tộc, hoặc trong sự đồng hiện, so sánh của Tết miền núi, miền biển…

Những cách làm mới, mở rộng, sáng tạo và bổ sung thêm đó, sẽ giúp cho những người đi trải nghiệm, đi du xuân, cho các bạn trẻ có được nhiều cảm nhận sâu sắc hơn trong một không gian; có được nhiều hơn những Tết trong hiện tại chứ không chỉ là hoài niệm, hoài cổ với Tết hoặc chỉ phục cổ một cách đơn thuần. Chính sự phong phú, đa dạng và giàu ý nghĩa của Tết xưa, Tết nay sẽ gợi ý cho chúng ta nhiều cách khiến cho Tết của dân tộc được tôn vinh, yêu quý hơn trong hiện tại.