Phùng Nhật Linh (Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội)
Nhiều năm nay, câu nói châm biếm nhưng cũng ngậm ngùi trên đã không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Mỗi dịp xuân về, nhà nhà, người người lại phải chứng kiến cảnh đường phố, vỉa hè bị đào xới ngổn ngang.
Chỉnh trang đô thị là điều cần làm, nhưng làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực thì bao năm qua vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Gần Tết Nguyên đán, lưu lượng giao thông tăng lên, việc buôn bán của người dân cũng tới đỉnh điểm. Thế nhưng, tình trạng dưới đường thì cày xới, trên vỉa hè lát mãi không xong đã khiến không ít hộ kinh doanh rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Ở nhiều tuyến phố, người dân được phổ biến rằng, công tác duy tu, sửa chữa lòng đường, vỉa hè sẽ được gói gọn trong tháng 11. Tuy nhiên, trong những ngày đầu của năm mới 2025, không ít địa điểm vẫn tồn tại tình trạng ngổn ngang.
Điều đáng nói ở đây là sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp triển khai công tác chỉnh trang đô thị giữa các đơn vị thi công. Chính vì nguyên nhân này mà đôi khi doanh nghiệp lát vỉa hè phải bỏ dở công trình để chờ nhà thầu, đơn vị làm đường ống nước, đường cáp điện, internet… Kết quả của bất cập nêu trên là những hố ga hở để chỏng chơ hằng tháng trời, tiềm ẩn hiểm nguy cho người đi bộ, nhất là trẻ em; các chồng đá lát, cát sỏi dầm dãi nắng mưa gây bụi bặm, ô nhiễm; đường sá lổn nhổn, chỗ trồi chỗ sụt cộng thêm phế liệu xây dựng xếp bừa bãi...
Đã đến lúc bỏ qua việc nhắc nhở, đôn đốc để đưa ra những chế tài xử lý nghiêm khắc nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan liên quan đến công tác chỉnh trang đô thị. Từ đó, tránh để tình trạng đường phố, vỉa hè bị cày xới rồi “mặc kệ” gây bức xúc trong nhân dân.