Định vị làng nghề
Làng lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) có tuổi đời đã hơn 600 năm. Theo người dân địa phương kể lại, nghề lụa truyền thống Mã Châu đã từng hưng thịnh trong hàng trăm năm qua, nhưng từ những năm 90 của thế kỷ trước, các hộ gia đình, hợp tác xã tơ lụa dần giải thể, việc trồng dâu nuôi tằm cũng vì thế mà mai một, lụi tàn dần. Đứng trước những khó khăn, trăn trở ấy, năm 2014, chị Trần Thị Yến người con của Mã Châu đã về quê cùng cha phục hưng ngành lụa truyền thống. Chị Yến chia sẻ: “Ban đầu tôi không có ý định về làng làm lụa cùng cha. Vì quá trình làm lúc đó quá khó khăn và không đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng tôi hiểu những nỗ lực, mong muốn duy trì nghề của cha nên đã quyết tâm tìm lại chỗ đứng cho lụa Mã Châu”.
Song hành với việc thay đổi sản phẩm, chị Yến cũng bắt tay khôi phục thương hiệu tơ lụa Mã Châu theo nhiều cách. Chị mang sản phẩm đến nhiều nơi, trực tiếp giới thiệu cho du khách để họ cảm nhận và phân biệt sản phẩm lụa tơ tằm với các sản phẩm lụa khác trên thị trường. Từ chỗ đứng trên bờ vực giải thể, làng lụa Mã Châu đã sống dậy bởi tư duy mới mẻ của chị Yến.
Còn làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe (ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) đã tồn tại hơn 100 năm tuổi. Với mong muốn đưa sản phẩm nước mắm Cửa Khe đi xa hơn và thương hiệu được nhiều người biết tới hơn. Anh Võ Nguyên Tùng sau nhiều năm rời quê, lên phố học tập và công tác đã trở về quyết tâm xây dựng thương hiệu nước mắm Cửa Khe. Từ đó, một cam kết chung về chất lượng nước mắm được lập ra, mẫu mã, bao bì cũng được thiết kế chỉn chu, bắt mắt hơn. Và thành quả là nước mắm của làng Cửa Khe được công nhận là sản phẩm OCOP, có mặt ở những thị trường lớn trong nước. Về thăm làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe hôm nay, một diện mạo mới đã được hình thành.
Trao cơ hội cho người trẻ
Những người trẻ luôn có sẵn tình yêu với nghề và làng nghề truyền thống. Điều quan trọng là họ được trao cho cơ hội để khẳng định mình. Về với làng gốm Thanh Hà (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), tại Cơ sở sản xuất gốm thủ công Sơn Thúy, dù tuổi đời, tuổi nghề còn ít, song anh Nguyễn Viết Lâm sớm bộc lộ năng khiếu trong ngành gốm thủ công. Phải mất hơn 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Lâm mới thành công với những sản phẩm gốm tráng men thủ công độc đáo được kết hợp từ hai chất liệu men truyền thống và hiện đại. “Sản phẩm gốm tráng men của cơ sở nhà tôi là độc bản, mỗi thứ chỉ có một cái, vì men thủ công nên mỗi thứ cũng khác nhau. Với tôi để duy trì và phát triển nghề làm gốm, quan trọng phải giữ cái nhiệt, cái lửa trong người. Từ đó, phát triển được những sản phẩm mới và được nhiều người biết tới thì làng nghề mới hưng thịnh”, anh Lâm cho biết.
Trải qua nhiều thăng trầm, sản phẩm bình hoa gốm tráng men thủ công của Cơ sở sản xuất gốm thủ công Sơn Thúy đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực cho chàng trai còn rất trẻ Nguyễn Viết Lâm tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những dòng sản phẩm mới. Đồng thời, truyền cảm hứng cho những người trẻ ở lại, tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống và cùng nhau đưa sản phẩm làng nghề đi xa hơn, được nhiều người biết tới hơn.
Toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định và có 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng. Việc khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam vẫn còn hành trình dài ở phía trước. Thế nhưng điều đáng mừng, là những làng nghề đã có những truyền nhân xứng đáng. Những gương mặt trẻ kể trên là những đại diện đáng tin bởi tình yêu và tâm huyết với làng nghề, là nhân tố quan trọng để hiện thực hóa và lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp trên nền tảng những giá trị truyền thống xứ Quảng.