Vẫn lòng vòng thủ tục hành chính

Theo cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 250 thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy ở cấp xã, phường. Số hóa nhưng thiếu đồng bộ, liên thông giữa các sở, ban, ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân.
Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân.

1/Từ đầu tháng 7 đến nay, chị Nguyễn Thị Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đôn đáo đi thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng đất ở một xã ngoại thành Hà Nội. “Tôi qua Chi cục Thuế, họ lại yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai xác định thời gian sử dụng. Cuống cuồng sang Văn phòng Đăng ký đất đai, tôi lại bị yêu cầu hỏi Phòng Tài nguyên và Môi trường. Cuối cùng ba cơ quan này cứ đùn đẩy nhau. Khi đến Văn phòng Đăng ký đất đai, bạn chuyên viên phụ trách vấn đề luôn trả lời: Không biết, chị liên lạc với Thuế đi! Vấn đề này, các cơ quan phải trả lời với nhau chứ sao lại bắt người dân chạy như vậy?”.

Mỗi người dân, ai cũng đã trải nghiệm các thủ tục hành chính như: Lấy chứng nhận độc thân, xác nhận lý lịch, xác nhận công chứng một loại giấy tờ nào đó như liên quan đến đất đai, hồ sơ doanh nghiệp… và trường hợp “chạy” theo thủ tục như chị Hương không phải là hiếm.

Cho dù Hà Nội nằm trong top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính từ năm 2021 đến nay nhưng vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trong tiếp nhận giải quyết thủ tục ở cấp xã, phường. Việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, muộn, quá hạn nhất là nhóm thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, đất đai. Trong ba năm qua, hơn 16 nghìn hồ sơ thành lập doanh nghiệp bị chậm trễ, lĩnh vực đất đai chậm hơn 300 hồ sơ. Tại TP Hồ Chí Minh đầu tàu kinh tế của cả nước, mỗi năm thành phố vẫn còn hơn 20 nghìn thủ tục trễ hẹn và điều này dẫn đến lòng vòng trong giải quyết thủ tục hành chính khiến người dân rất là bức xúc khi mà mất nhiều thời gian, công sức mà vẫn không xong việc.

2/TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Ở đây có trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Trước tiên, trách nhiệm thuộc về người được phân công, giao nhiệm vụ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Sâu hơn, cần xem lại vấn đề về phân công, bố trí người công chức để thực hiện chức trách nhiệm vụ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Mà người đó chính là lãnh đạo ở cơ quan có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính đó”.

Hiện nay chúng ta đang nỗ lực thực hiện giải quyết thủ tục thông qua một cửa. Khi nộp hồ sơ đến bộ phận một cửa, người tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra theo quy định: Hồ sơ đã được chuẩn bị theo đúng quy định chưa, khi đủ, đúng quy định người ta mới nhận và có phiếu hẹn. Khi đến bộ phận giải quyết công việc, để bổ sung hồ sơ hay trả lại hồ sơ chưa rõ ràng thì cũng có quy định thời gian cụ thể là trong thời gian bao lâu, chưa giải quyết được phải trả lại hoặc bổ sung thêm hồ sơ. Nhưng quy định là vậy, thực tế giữa nội bộ các cơ quan đó lại chưa liên thông với nhau khiến xảy ra tình trạng, nay cơ quan này yêu cầu nộp giấy tờ A, lần sau cơ quan khác lại bắt nộp giấy tờ B và có thể người dân còn phải làm các thủ tục C,D… “Vấn đề ở đây là việc thực hiện đúng các quy định một cửa đó chưa?”, TS Trần Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, theo các cơ quan chức năng hiện nay còn có tình trạng, nhiều địa phương đã thực hiện số hóa nhưng mỗi sở, mỗi ngành, mỗi địa phương lại thuê và trả tiền cho một đơn vị để làm số hóa với các quy trình khác nhau, yêu cầu khác nhau nên xảy ra tình trạng dữ liệu khó đồng nhất và liên thông. Trong khi đó tiền ngân sách vẫn phải chi trả cho các quá trình số hóa đó. Điều này dẫn đến việc số hóa không hiệu quả. Về vấn đề này, TS Trần Anh Tuấn đề xuất: “Việc chuyển đổi số phải được quản lý tập trung thống nhất từ trên chính phủ chứ không để xảy ra tình trạng cơ quan nào, ngành nào, địa phương nào làm cũng được thì mới bảo đảm được tính tập trung, thống nhất và các cơ sở dữ liệu đều có thể chia sẻ được”.

Tại phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cải cách hành chính phải thực chất, không hình thức và mang lại hiệu quả rõ ràng cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Bởi lẽ các thủ tục hành chính từ trước tới giờ vốn rườm rà, phức tạp, chưa có sự đồng bộ giữa các cấp, địa phương và trên hệ thống quản lý công dân.