Lãi suất tiền gửi VND giảm có thể khiến một bộ phận người dân chuyển sang nắm giữ USD. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ dịp cuối năm của các doanh nghiệp thường tăng mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận vẫn có những yếu tố ổn định tỷ giá.
Lãi suất liên tục giảm
Thống kê cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm, giảm
1,1 điểm % so với đầu năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động
12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,3% đến 7,0%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm.
Đáng chú ý, ghi nhận trên thị trường chỉ trong mấy ngày đầu tháng 8, đã có một loạt các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động.
Điển hình, từ ngày 8/8, Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động
mới với mức điểu chỉnh giảm 0,1-0,8 điểm % so với trước đó.
Ngày 7/8, Techcombank, MSB, Saigonbank cũng điều chỉnh giảm lãi suất áp dụng từ 0,1-0,3%/năm ở một số kỳ hạn.
Theo nhận định của các chuyên gia, hạ lãi suất vay vẫn đã và đang là một xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục trong hệ thống ngân hàng những tháng cuối năm. Theo đó, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ: tác động từ các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới”, một chuyên gia nhận định.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, cung tiền M2 kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm không chỉ tạo dư địa giảm lãi suất cho vay, mà còn khuyến khích cầu tiêu dùng.
“Khi giảm lãi suất tiền gửi, người dân ít có động lực gửi tiết kiệm hơn. Có những người nghĩ rằng mức lãi suất này không đáng để tiết kiệm, thay vào đó họ dùng tiền để chi tiêu nhiều hơn, từ đó kích cầu trong nước”, ông Hùng nói.
Tỷ giá “nóng” trở lại
Lãi suất trong nước giảm nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, cho thấy những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Song, việc hạ thêm lãi suất có thể gây sức ép lên tỷ giá.
Theo quan sát của VnBusiness, tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu “nóng” hơn. Chỉ trong bốn ngày đầu tháng 8, tỷ giá trung tâm bất ngờ tăng nhanh trở lại 67 đồng, lên mức 23,825 đồng. Chênh lệch lãi suất USD-VND ngày càng nới rộng. Nếu như thời điểm đầu tháng 6, lãi suất vay qua đêm của USD chỉ cao hơn VND chưa đến 1%, đến đầu tháng 7 chênh lệch này đã mở rộng ra hơn 4%. Cập nhật đến tuần cuối tháng 7, lãi suất vay USD qua đêm là 4,97%, trong khi VND chỉ ở mức 0,2%, tức chênh lệch tiếp tục mở rộng hơn 4,7%, trong khi các kỳ hạn một tuần, hai tuần và một tháng cũng lần lượt mở rộng lên mức gần 4,6%, 4,4% và 3,9%.
Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá có áp lực tăng sẽ là một trong những yếu tố khiến xu hướng hạ lãi suất bị “ghìm chân” và nhà điều hành sẽ cần sự cẩn trọng, linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh FED vẫn để ngỏ kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 9 tới.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, khi FED duy trì lãi suất cao sẽ tạo áp lực tới các đồng tiền của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện NHNN phản ứng chính sách tương đối kịp thời và đúng hướng. Do đó, tỷ giá USD/VND vẫn được kiểm soát.
Ngoài ra, các yếu tố như thặng dư thương mại dương; dự trữ ngoại tệ tăng, dòng FDI vẫn tích cực,… cũng giúp NHNN cải thiện được dư địa trong điều hành tỷ giá.
Đối với việc chênh lệch giữa lãi suất USD-VND ngày càng nới rộng, nếu được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ thích giữ tiền USD hơn VND so với trước đây. Với những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán chẳng hạn, sẽ có áp lực chuyển dịch một phần tài sản về đồng USD. Tuy nhiên, điều này không đáng quan ngại bởi chênh lệch lãi suất VND-USD chỉ là một yếu tố. Còn có các yếu tố khác tác động đến quyết định của nhà đầu tư như môi trường kinh doanh, tính ổn định kinh tế vĩ mô…
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc NHNN có tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hay không còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế trong nước, còn yếu tố bên ngoài như FED tăng lãi suất chỉ là yếu tố cân nhắc, bởi:
Thứ nhất, tăng cung tiền hỗ trợ tăng trưởng có ảnh hưởng tới lạm phát không? Tăng cung tiền phải phối hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế thực. Nếu nền kinh tế thực không thay đổi, tăng cung tiền cũng sẽ đẩy vào bong bóng tài sản. Đó là những lý do tại sao phải phối hợp chính sách tiền tệ với tài khóa. Bản thân chính sách tiền tệ mở rộng sẽ không giải được bài toán kinh tế thực.
Hai là, ổn định hệ thống ngân hàng. Không thể tăng cung tiền, thúc đẩy tín dụng mà gây ảnh hưởng tới hệ thống tài chính.
Để khuyến khích dòng vốn vào khu vực sản xuất, kinh doanh, vị chuyên gia của ADB cho rằng, mấu chốt vẫn là kích cầu nội địa. Nhu cầu tiêu dùng có tăng, doanh nghiệp bán được hàng mới kích thích nhu cầu tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, bài toán của chúng ta quay về câu chuyện thúc đẩy chi tiêu Chính phủ và cầu tư nhân. Đối với chi tiêu của Chính phủ, thời gian vừa qua tinh thần của Chính phủ là rất quyết liệt, song cần có sự quyết liệt hơn trong thực thi chính sách, có chính sách phải thực hiện triệt để. Ngoài ra, không thể tách trách nhiệm ra khỏi câu chuyện tăng chi tiêu.