Ưu tiên kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu dịch vụ

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng, xuất khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải xem xét lại quy mô sản xuất, giảm sản lượng..., thì để kích cầu cho tăng trưởng kinh tế cần đẩy mạnh tăng chi tiêu công, giảm thuế và đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức thời gian qua giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức thời gian qua giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: HẢI NAM

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, diễn ra ngày 9/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kết quả tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2023 mới đạt 3,72%. Đây là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra cũng như kịch bản Nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm, vì muốn đạt các mục tiêu đề ra thì các kịch bản đều hướng tới mức tăng trưởng khá cao. Có những kịch bản hơn 9%, có kịch bản tăng từ 7-8%.

Phục hồi tổng cầu trong những tháng cuối năm

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các thành phần của tổng cầu nền kinh tế khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 6,5% năm khó có thể đạt được.

Điển hình là hai quý đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trong nước có nhiều diễn biến không thuận lợi. GDP sáu tháng đầu năm tăng trưởng 3,72%, mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020, do ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 thời điểm đó).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, đặc biệt tại các thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Tám tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong tám tháng năm 2023 ước đạt 352,1 nghìn tỷ đồng, mới bằng 49,4% kế hoạch năm.

Giải ngân vốn đầu tư công, một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, chưa có cải thiện đáng kể. Ngoài ra, một số thị trường then chốt, như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là thách thức đặt ra.

Vì vậy, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với đầu năm. Cụ thể, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7%, WB hạ dự báo từ 6,3% xuống 6%, ADB hạ từ 6,5% xuống 5,8% nhưng cơ bản vẫn ở mức tích cực, phù hợp với diễn biến tình hình.

Để tháo gỡ khó khăn và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, các chuyên gia cho rằng, cần phải phục hồi tổng cầu bằng ba động lực chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Các chuyên gia đến từ Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị Chính phủ có thể xem xét đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ được thực hiện qua hai công cụ gồm tăng chi tiêu công và giảm thuế nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm.

“Chính phủ cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm mang lại hiệu quả kịp thời. Việc giảm thuế cần áp dụng đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế. Các quy định về thuế đối với từng nhóm đối tượng cần nhất quán, tránh mâu thuẫn như giảm thuế giá trị gia tăng nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt”, các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công cũng là yếu tố quyết định đến tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng, hiện nay đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Nhiều ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng...

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương cho biết, nếu so sánh với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của tháng 8 các năm trước đây và trong vòng 5 năm trở lại đây, tháng 8/2023 là cao nhất, cả về số tương đối và số tuyệt đối. Đó cũng là cơ sở để có thể đặt niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm 2023.

Ưu tiên kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu dịch vụ ảnh 1

Tăng cường đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ logistics nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải biển. Ảnh: NGUYỆT ANH

Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ

Các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu GDP thì kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của cả nước đã có sự gia tăng mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhập siêu dịch vụ lớn và liên tục trong nhiều năm qua. Trong ba năm gần đây, nhập siêu dịch vụ luôn vượt con số 10 tỷ USD và riêng trong sáu tháng đầu năm 2023, nhập siêu dịch vụ lên tới 4,1 tỷ USD.

Có rất nhiều mảng dịch vụ trong hoạt động thương mại quốc tế như du lịch, vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm... Trong các mảng dịch vụ này, hiện Việt Nam “chưa có cửa” cạnh tranh với các nước trên thế giới về dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm.

Có một vấn đề phản ánh bất cập hiện nay về tầm nhìn đối với chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu, đó là chỉ quan tâm tới xuất khẩu hàng hóa, thiếu chú ý tới xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt dịch vụ vận tải biển, dù Việt Nam có lợi thế và tiềm năng với bờ biển dài 3.260 km, có nhiều cảng nước sâu.

Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập hàng tận cảng và xuất hàng cũng tại cảng biển Việt Nam, tức là hầu như toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, bảo hiểm vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu đều do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận. Chúng ta cũng từng mong muốn xây dựng được đội tàu biển hùng hậu, đủ sức cạnh tranh với các hãng tàu biển lớn trên thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì để xây dựng được đội tàu biển lớn mạnh phải đầu tư rất lớn và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu muốn cân bằng cán cân thương mại dịch vụ thì phải đầu tư vào vận tải cũng như dịch vụ logistics phục vụ hoạt động vận tải biển, vì lĩnh vực này đem lại giá trị gia tăng rất lớn.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê, nếu giảm 1% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm, khẳng định xuất khẩu dịch vụ là nguồn thu lớn và mang lại nhiều tiềm năng kinh tế mới cho đất nước. Việt Nam mới chỉ chú trọng đến xuất nhập khẩu hàng hóa mà chưa thật sự quan tâm đến xuất nhập khẩu dịch vụ mặc dù các ngành dịch vụ của Việt Nam như du lịch, tài chính, ngân hàng, vận tải và logistics… đều có tiềm năng phát triển rất lớn. Vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ hướng tới cân đối cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ một cách bền vững.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dịch vụ hầu như phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Do đó, muốn giảm nhập siêu dịch vụ cần có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, chẳng hạn như kết nối làm thị trường giữa hàng không và du lịch, kích cầu du lịch và giảm giá vé máy bay.

“Nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ du lịch, từng bước giảm nhập khẩu dịch vụ vận tải, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng, thì sẽ sớm cân bằng được cán cân thương mại dịch vụ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn”, TS Nguyễn Bích Lâm nhận định.