Ứng xử với vùng đệm đô thị

Quá nhiều vấn đề trong khu vực trung tâm đô thị đang đòi hỏi cái nhìn đầy đủ hơn, mới mẻ hơn, khoa học và nhân văn hơn khi liên hệ ra các vùng lâu nay vẫn thường được gọi là vùng đệm, vùng ngoại vi, khu vực ngoại thành,…
0:00 / 0:00
0:00

Thực tình, định danh là đệm, là vệ tinh, nhưng cũng cần xác định đó là một cách gọi tương đối, bởi trong phạm vi một địa phương tỉnh, thành phố, thì mỗi khu vực đều có những vai trò, vị trí quan trọng riêng; và có những nét đặc biệt về văn hóa, lịch sử, truyền thống, xã hội, dân cư, tiềm năng và mục tiêu phát triển. Các vùng đệm, đơn vị hành chính vệ tinh của những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… chẳng hạn, đều là những địa bàn rộng lớn, lượng dân cư tập trung ngày càng đông đúc, giàu có cả về bề dày quá khứ và tiềm năng của tương lai.

Vì thế, mà có nhiều điều đáng phải nhìn nhận, nghiên cứu đầy đủ hơn khi tiếp tục việc xây dựng, phát triển các khu vực đó với một tầm nhìn xa và bài bản, bảo đảm sự phát triển bền vững. Cần nhận rõ, bên cạnh nhiều lợi ích dễ nhận thấy, xu thế đô thị hóa thiếu kiểm soát, phá vỡ quy hoạch, tăng mật độ dân cư, phương tiện ở trung tâm sẽ có nguy cơ tái diễn trên những khu vực cận trung tâm, ngoại thành. Cần thấy mức độ ô nhiễm nặng nề về không khí, sông ngòi, ao hồ, sự mất cân bằng về phân bố cây xanh và diện tích mặt nước trong các quận hay thành phố trực thuộc có nguy cơ lan đến các xã, huyện lân cận. Cần thấy cả những bất cập về dịch vụ văn hóa, đời sống văn hóa, giải trí ở khu vực trung tâm… cũng có khả năng lây lan đến những địa bàn vốn được coi là bình yên, giản dị, chân chất trong nhiều năm, giờ cũng đang ít nhiều xáo trộn với những bước chuyển mình.

Trong sự vận động, chuyển mình tất yếu nơi các vùng ngoại vi, ngoại thành, vệ tinh, khi mà nhu cầu phát triển của địa phương, người dân nâng lên, hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở, dịch vụ, tiện ích… phát triển, đương nhiên sẽ kéo theo nhiều thay đổi, có cả tích cực và phát sinh những tiêu cực. Cần nhìn vào những hạn chế, bất cập, tiêu cực đã, đang diễn ra ở khu vực trung tâm, để lường trước, hạn chế, tránh cho các địa bàn phát triển mới những hệ quả tương tự.

Đồng thời cũng phải thấy rằng, nếu vùng đệm, ngoại vi, ngoại thành được quy hoạch tốt; được quản lý nghiêm trong vấn đề xây dựng, phát triển đô thị mới; được bảo vệ chặt chẽ về môi trường và giữ gìn bền vững vùng xanh; được trang bị đầy đủ, hiệu quả về hệ thống thiết chế văn hóa, xã hội… nhằm bảo đảm một đời sống an toàn, trong lành, nhân văn, thì những hiệu quả tích cực từ đó sẽ giúp ích hơn cho vùng lõi đô thị, từng bước cân bằng lại những gì đã là thái quá, là quá tải, còn bất cập. Góp phần đáp ứng nhu cầu người dân về các mặt, lĩnh vực cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững về điều kiện sống, thể chất, tri thức, đạo đức, tâm hồn.