Tâm chấn ở cách chúng ta hàng nghìn cây số. Thiệt hại về kinh tế và con người (theo số liệu từ cơ quan chức năng) với Việt Nam là bằng 0. Tuy vậy, thảm họa nêu trên cũng ít nhiều gây ảnh hưởng tới những cư dân đang sinh sống trong các tòa nhà cao tầng ở những thành phố lớn, đồng thời cũng có tác động cảnh báo nếu thảm họa tương tự xảy ra ở nước ta.
Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây từng xảy ra những vụ động đất nhẹ ở các khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc. Đặc biệt, ở một số tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La thường thấy có những thông báo động đất, dù rằng ở mức độ gần như khó cảm nhận được. Thủ đô Hà Nội đôi khi cũng chịu tác động dư chấn từ các vụ động đất nhẹ, nhưng chưa ở mức nguy hiểm. Tuy vậy, nguy cơ xảy ra động đất tại Việt Nam vẫn là có.
Trước nguy cơ thảm họa, chúng ta cần đặc biệt chú ý yếu tố cơ sở hạ tầng ở các khu vực đô thị tập trung đông dân cư. Theo thống kê năm 2024, Thủ đô Hà Nội còn có gần 1.600 chung cư cũ đã được xây dựng cách đây hàng chục năm, trong đó có những khu chung cư đã xuống cấp, ở mức độ cảnh báo có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Nhiều tòa nhà tập thể nằm ở các quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) đã bị cơ quan chức năng khoanh vùng cảnh báo, người dân đã được di dời. Tuy vậy, nhiều tòa nhà trong số ấy vẫn đang ở trong tình trạng chờ phương án xây dựng lại, trong khi kế hoạch triển khai vẫn đang được nghiên cứu.
Thực tế, để có thể tiến hành xây dựng lại hay chỉ là nhanh chóng phá dỡ các tòa nhà cũ nát ấy, cần phải vượt qua nhiều rào cản về quy tắc, quy định trong quản lý hành chính. Đây là những vướng mắc cần được giải quyết nhanh chóng, thậm chí khẩn cấp. Bởi, ngay cả khi chưa tính đến nguy cơ thiên tai, những công trình xuống cấp này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất cứ lúc nào cũng có thể gây tổn hại tới sức khỏe và tính mạng của người dân.