Những không gian cần lấp đầy bằng văn hóa

Nhân thành phố Hà Nội có chủ trương hay, bỏ tòa nhà “Hàm cá mập” và dự định di chuyển, giải tỏa cả chục đơn vị, không gian khác, có nhiều ý kiến hoan nghênh.
0:00 / 0:00
0:00

Rất đáng để tạo dựng những không gian công cộng rộng rãi cho các hoạt động văn hóa-xã hội, nghệ thuật, các chương trình phát triển công nghiệp văn hóa, các chương trình nghi lễ quy mô không chỉ của Thủ đô mà cả quốc gia. Điều đó thì có lẽ không còn phải băn khoăn nữa mà chỉ chờ đợi việc nhanh chóng xử lý các công trình, tái tạo các không gian và đưa vào đó các hoạt động làm nên “chất sống mới” quanh hồ Gươm huyền thoại.

Nhưng cũng nhân đó mà nghĩ đến nhiều hơn nữa các không gian, cơ ngơi, vị trí mà những năm qua, thời gian qua, nếu được khéo khai thác, sử dụng phục vụ công chúng thì công năng sẽ còn phát huy nữa; hiệu ứng tích cực sẽ còn sâu rộng nữa. Và cũng sẽ không có những trạng thái để không có phần hơi hoài phí. Thí dụ như các công viên nhỏ khu vực nhà bát giác sau lưng tượng đài Lý Thái Tổ (giữa hai phố Lê Lai, Lê Thạch), khu vực đài phun nước (phố Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Lý Thái Tổ) mà mới đây được trùng tu, rồi công viên “tam giác” giữa các cạnh phố Tràng Tiền, Tôn Đản, Cổ Tân… Chếch qua mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội cũng là một vườn hoa nhỏ nữa trong các cạnh phố Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng và Phan Chu Trinh. Và còn nữa các địa điểm nằm cách hồ Gươm một, hai dãy phố, lâu nay nhiều khi vẫn đơn giản là để không hoặc sử dụng làm dịch vụ, hoặc chỉ phát huy công năng cho đi bộ, thư giãn, tập thể dục…

Với xu thế đang nhiều lên các sáng tạo, đổi mới trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đại chúng, các sự kiện hoạt náo hướng đến bình dân, thì cùng với chủ trương của thành phố, cần kết nối rộng hơn nữa đến các không gian vốn đã thoáng đẹp sẵn nhưng còn để phí, còn chưa được “trưng dụng” hiệu quả cho văn hóa, nghệ thuật. Chẳng hạn như trưng bày tác phẩm điêu khắc, điều mà đã được kỳ vọng từ lâu nhưng chưa đi đến đâu. Chẳng hạn các không gian trình chiếu tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện. Hoặc trình diễn ánh sáng, hay nơi chiếu phim phục vụ công cộng. Rồi mô hình thư viện ngoài trời, thư viện di động phục vụ miễn phí. Rồi rất nhiều các hoạt động mỹ thuật, âm nhạc, ca múa, hóa trang… khác mà nhiều người có thể nghĩ ra, tổ chức, tham dự.

Trong khi hoạt động phổ biến quanh phố đi bộ sát hồ Gươm đã bộc lộ những bất cập của quen thuộc và lặp lại, thì những nét mới, lạ, đặc sắc hơn ở những không gian, địa điểm “vòng ngoài” sẽ làm cho khu vực trung tâm Thủ đô này thêm nội dung, đa sắc, thêm sống động, có hồn. Đặc biệt, điều rất cần áp dụng cho cả những không gian sắp mở thêm và những không gian sẵn có như vừa kể trên, là một cơ chế mở. Để từ đó khuyến khích, tạo điều kiện cho đông đảo văn nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa, những người có khả năng, cùng góp sức vào làm đẹp, làm hay, làm cho sinh động và càng thêm hữu ích những nơi này.