5.316 di tích lịch sử văn hóa là con số khiến nhiều người giật mình khi đặt phép tính để tính ra trung bình mỗi một ki-lô-mét vuông trên mảnh đất Thăng Long văn hiến có ít nhất một di tích lịch sử - văn hóa. Riêng khu phố cổ, chỉ cần đi bộ vài trăm mét, về bất kỳ hướng nào ta cũng gặp di tích. Cả nước có hơn sáu nghìn làng nghề, Hà Nội đã chiếm 1.264 làng nghề với 530 làng nghề truyền thống, 244 làng nghề thủ công mỹ nghệ. Hà Nội còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu khác. Bởi thế, Quy hoạch Phát triển Du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định du lịch văn hóa là thế mạnh, là sản phẩm đặc trưng của Thủ đô. Thành phố sẽ tập trung vào các loại hình: Tham quan di tích lịch sử văn hóa; tham quan làng nghề; tham quan phố cổ; du lịch lễ hội; du lịch cộng đồng.
Nhưng điều bất ngờ là ở mảnh đất đi một quãng ngắn gặp một di tích, khách du lịch vẫn thấy... thiếu cái để xem! Có ai dám khẳng định bốn điểm di tích: Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) hay đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) hay đền Quán Đế (28 Hàng Buồm) là hồn cốt của phố cổ? Nhưng tiếc thay, đó lại là bốn di tích chính mà du khách có thể tham quan. Phần lớn các di tích còn lại bị lấn chiếm nghiêm trọng. Thậm chí một phần chùa Vĩnh Trù (phố Hàng Lược) còn bị biến thành... quán thịt chó! Không khó để lý giải tại sao, tua du lịch phố cổ luôn “siêu ngắn”. Những vẻ đẹp quá “tiềm ẩn” của phố cổ khiến du khách khó lòng khám phá.
Làng cổ Cự Đà là một câu chuyện khác. Chỉ cần bước qua cổng làng như bước vào thế giới cổ xưa. Những cổng ngõ rêu phong ở đây với những cái tên như nhắc nhở đạo làm người: ngõ Nhân Nghĩa, ngõ Hiếu Đễ... Phía trên mỗi cổng ngõ, được đắp dòng đại tự, hai bên là đôi câu đối. Vào sâu hơn, ta gặp những nhà cổ, bao gồm cả nhà gỗ và nhà biệt thự kiến trúc Pháp. Từ lâu, cái tên Cự Đà xuất hiện trên nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch như một địa chỉ hấp dẫn, Cự Đà còn được biết đến là một địa danh của các sản vật như miến, tương nổi tiếng.
Đẹp và độc đáo là vậy nhưng ít du khách nào dám “mạo hiểm” đến Cự Đà. Ngôi làng nằm quay mặt ra sông Nhuệ, một trong những con sông ô nhiễm nhất của Hà Nội với mùi xú uế nồng nặc. Sau khi đến Cự Đà, nhiều vị khách đã loại món miến ra khỏi thực đơn. Miến được phơi ngay trên bãi rác, phơi bên dòng sông đen ngòm, phơi cả ở... nghĩa địa. Khách du lịch cũng bó tay hoàn toàn với chuyện ăn gì, nghỉ ở đâu khi đến Cự Đà. Thực tế, hiện chỉ dăm ba làng nghề ở Hà Nội như Vạn Phúc, Bát Tràng... có khách du lịch. Bà Lê Kiều Anh, Công ty Thương mại và Du lịch Á Long cho biết: Mặc dù công ty bà rất muốn mở tua du lịch làng nghề Hà Nội nhưng hiện nay chưa thể thực hiện vì ngay tại các làng nghề, điều kiện về cơ sở vật chất không thể bảo đảm cho việc thực hiện tua chuyên biệt này.
Những tiềm năng chưa biến thành hiện thực khiến số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tuy lớn, nhưng họ thường xem đây là “trạm trung chuyển” trước khi đến những địa phương khác. Thời gian lưu trú trung bình một khách quốc tế ở Hà Nội chỉ là 2,1 ngày. Chi tiêu bình quân của khách du lịch khách quốc tế khi đến Hà Nội là 92,0 USD/ngày, khách nội địa ước đạt 48,73USD.
Thành phố Hà Nội coi di sản văn hóa là đặc trưng để phát triển du lịch và mục tiêu của thành phố Hà Nội vào năm 2020 đạt gần 3,8 tỷ USD doanh thu từ du lịch. Rõ ràng, di sản văn hóa mang “sứ mệnh” khá cao cả và nặng nề.
Để di sản văn hóa có chỗ đứng thật sự trong phát triển du lịch, phải chăng các ngành, các cấp của Hà Nội cần thay đổi cách nhìn, cách ứng xử đối với di sản văn hóa. Di sản văn hóa có thể mang tới lợi nhuận cao cho du lịch. Nhưng chắc chắn, du lịch không phải là ngành duy nhất hưởng lợi, nếu có cái nhìn và cách ứng xử đúng đắn, tích cực với di sản văn hóa.