Mạch sống Trường Sa (kỳ 1)

Ở Trường Sa, hết mùa dông bão sẽ là những ngày nắng gió như thiêu đốt thịt da. Dù trong điều kiện thời tiết nào, cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo vẫn bám lấy những gốc bàng vuông, gốc mù u, bền bỉ theo năm tháng để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Không khí sinh hoạt vui vẻ giữa quân và dân tại một gia đình trên đảo Song Tử Tây.
Không khí sinh hoạt vui vẻ giữa quân và dân tại một gia đình trên đảo Song Tử Tây.

Kỳ 1: Những tổ ấm trên quê đảo

Nơi Trường Sa đầy nắng gió, bốn bề sóng biển, những gia đình Trường Sa vẫn luôn bình yên, hạnh phúc. Cùng với cán bộ, chiến sĩ nơi đây, họ sẵn sàng vượt mọi gian khổ, góp sức bé nhỏ của mình để Trường Sa ngày một khang trang, mạnh mẽ hơn. Vượt qua những ngày đầu bỡ ngỡ, Trường Sa đang đọng lại trong các gia đình những tình cảm đặc biệt như một phần quê hương.

Từ bỡ ngỡ thành thân thương

Nhớ ngày lỉnh kỉnh đồ đạc, vật dụng bước chân lên đảo mà tháng 7 này, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Luận và chị Trần Thị Châu Úc đã “kỷ niệm” tròn năm thành người của đảo Song Tử Tây. Đon đả rót nước mời khách, chị Châu Úc ngời khuôn mặt đón những người bạn từ đất liền.

Ra đảo mới một năm nhưng mọi thứ chung quanh đã thân thuộc, gần gũi như tự bao giờ. Trước đây chị cứ nghĩ, ngoài đảo chỉ có đá, có cát và nước biển, thiếu thốn nhiều thứ nhưng rồi từng ngày gắn bó, chị Châu Úc khẳng định chắc nịch: chọn đảo là nơi sinh sống đến nay vẫn là một quyết định mang lại cho gia đình tôi nhiều niềm hạnh phúc nhất.

Là dân quân tự vệ, nắng và gió của Trường Sa cũng làm anh Nguyễn Tấn Luận đen sạm cháy nắng như bao người lính trên đảo. Hằng ngày, bên cạnh công việc chính, anh phụ vợ cơm nước, tăng gia trồng rau, dạy con học bài. Qua hơn một năm trên đảo, hết hè này, cháu lớn Nguyễn Khang Nguyên sẽ vào lớp 4 còn cô út Nguyễn Trần Hà My vào lớp mẫu giáo trên hòn đảo xinh đẹp này.

Điều khiến đôi vợ chồng trẻ yên tâm nữa là quanh họ luôn có những người hàng xóm tốt bụng, có môi trường để con cái được học hành đầy đủ. Những ngày mới đến còn bỡ ngỡ, anh chị đã được cán bộ, chiến sĩ trên đảo tận tình chỉ bảo, từ cách sắp xếp các hộp đất trồng rau, thiết kế vườn sao cho phù hợp, cách tiết kiệm nước, chăm sóc trẻ nhỏ… nên chỉ một thời gian ngắn đã quen với cuộc sống trên đảo. Thời gian rảnh rỗi, các gia đình tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây tạo cảnh quan, dọn dẹp vệ sinh, tham gia các hoạt động của hội phụ nữ…

Quây quần bên gốc cây mù u già trên đảo Sinh Tồn, thời khắc cuối ngày đến với các gia đình thật bình yên. Mọi người trò chuyện rôm rả, ngắm nhìn lũ trẻ chơi đùa bên những gốc cây cổ thụ. Tiếng trẻ cười giòn tan trong nắng chiều khiến bao mệt mỏi, nắng nóng như tan biến. Theo thời gian, tình cảm giữa gia đình anh Phạm Văn Toản, Trần Thị Thu Huyền và gia đình anh Lê Thanh Tuấn, chị Bùi Thị Kim Ngọc càng thêm khăng khít. Anh Tuấn và anh Toản trước cùng có thời gian tham gia quân ngũ, chung đơn vị trên đất liền. Hoàn thành nghĩa vụ, hai anh lại xung phong ra đảo để xây dựng cuộc sống, lập nghiệp ở nơi này. Anh Lê Thanh Tuấn chia sẻ, từng gắn bó và hiểu nhau, chúng tôi luôn muốn được đóng góp công sức chung để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giờ đây, họ vừa là đồng đội cũ, vừa là hàng xóm tốt của nhau. Ngày ngày, khi những người chồng làm việc thì ở nhà, chị Huyền, chị Ngọc lại cùng các chị em hàng xóm khác vun vén những luống rau sau vườn; giúp nhau những công việc của mỗi gia đình. Hồi ở đất liền, chị Trần Thị Thu Huyền là điều dưỡng viên tại bệnh viện huyện. Đang yên ổn với cuộc sống và công việc, chị bị “khớp” khi một ngày anh Toản tỷ tê với chị về ý muốn đưa cả gia đình ra đảo Sinh Tồn sinh sống. “Làm tâm lý mãi nhưng vẫn cứ thấy lo lo vì hồi nào giờ đã quen với đất liền, nhưng thấy anh ấy quyết tâm quá nên cuối cùng cũng đồng ý xếp quần áo lên đường cùng chồng con, chị Huyền tâm sự. Hòa nhập nhanh với cuộc sống, giờ đây, chị đang phát huy tốt nhất những gì chuyên môn đã được học để giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, hàng xóm trên đảo mỗi khi cần hỗ trợ.

Quen với tác phong của lính, các gia đình trên đảo Sinh Tồn luôn tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động như trang trí đường hoa, thu gom và phân loại rác thải, giữ gìn cảnh quan môi trường đảo trong sạch, lành mạnh; đoàn kết với lối xóm; nhiệt tình hỗ trợ, đùm bọc với cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Mạch sống Trường Sa (kỳ 1) ảnh 1

Quân và dân đất liền thăm hỏi, trò chuyện cùng một gia đình trên thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa lớn).

Góp cho Trường Sa thêm thân thiết

Các gia đình Trường Sa, mỗi nhà dù mới ra sinh sống ở đảo hay ở nhiều năm, đều trải qua những ngày tháng từ lạ lẫm thành thân quen, từ khó khăn trở nên gắn bó, yêu thương. Mùa khô chắt chiu từng giọt nước, mùa dông bão cùng bộ đội rào chắn, giằng cố cây để phòng chống bão… Pha ấm nước lá vối khô mời khách, chị Phạm Thị Bảy, quê Bình Định cùng chồng là Nguyễn Ngọc Thương giờ đã xem đảo Trường Sa lớn như ngôi nhà thứ hai dù thời gian cả gia đình ra đây mới chỉ đầy năm.

Sống với quân dân trên đảo, điều khiến anh Thương, chị Bảy vững tin nhất là tình cảm các anh dành cho các hộ gia đình trên đảo chẳng khác gì ruột thịt. Mọi nếp sinh hoạt mùa nào thứ ấy đều nhẹ nhàng, mang lại cho các gia đình cảm giác thân thuộc, gần gũi hơn bao giờ hết. Anh Thương kể: 5 giờ sáng chúng tôi thức dậy, tập thể dục và quét dọn các khu vực trên đảo. Một ngày trên đảo bận bịu nhưng luôn rộn tiếng cười. Trên đảo có một khu vui chơi tập thể dục chung cho quân và dân, chúng tôi quây quần với nhau như một đại gia đình. Điện được cấp đầy đủ để bảo đảm cuộc sống, con cái được học hành đầy đủ, nhất là việc dự trữ thức ăn trong một số thời điểm thời tiết bất lợi luôn được các cán bộ, chiến sĩ tận tình hỗ trợ.

Từ một chuyến đi Trường Sa cách đây hơn một năm, trở về đất liền với những kỷ niệm, cảm xúc mãnh liệt khi đặt chân đến đây, bà Hoàng Kim Chi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 14, Quận 10 đã nảy ra ý tưởng thực hiện một Trường Sa thu nhỏ ngay trên khu đất trống của phường mình. Từ một khu đất lộn xộn, thậm chí nhiều người dân còn vứt rác bừa bãi, Mặt trận phường đã huy động sức dân thiết kế và tham gia ngày công với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Công trình được nhân dân đặt tên là “Vườn Trường Sa” và chọn làm công trình chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029. Công trình hoàn thành đã trở thành điểm xanh của phường và điểm checkin của người dân, nhất là giới trẻ.

Vượt qua những tháng đầu bỡ ngỡ, chưa quen thời tiết, nếp sinh hoạt, giờ các gia đình đã hòa với nắng gió của biển khơi để cùng ở, cùng vui với những người lính biển. Chị Bảy thủ thỉ với chồng, ngày chúng em quyết định ra lập nghiệp ở đây đã xác định những khó khăn, thử thách nhưng đến bây giờ và cả sau nay cũng sẽ không bao giờ ân hận bởi Trường Sa là một gia đình lớn giữa biển khơi bao la.

Tại đảo Trường Sa lớn, hoạt động kết nghĩa, xây dựng mối đoàn kết với các tổ chức, đơn vị trên đảo được chú trọng xây dựng, vun đắp. Trong đó có chi hội phụ nữ và chi đoàn nhằm cùng phối hợp triển khai các hoạt động trong các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước.

Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhấn mạnh quan điểm: xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc… Các gia đình đã và đang sinh sống trên đảo đang từng ngày cùng với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, làm cho biển, đảo xanh tươi hơn. Các nhu cầu thiết yếu về giáo dục, y tế, an sinh… được bảo đảm để quân và dân yên tâm sinh sống, rèn luyện, vượt qua những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và môi trường sống để từng ngày tạo nên một Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp cảnh quan, môi trường, mẫu mực tình đoàn kết quân dân”.

(Còn nữa)