Mạch sống Trường Sa (kỳ 2)

Kỳ 2: Dựa vào nhau giữa muôn trùng sóng gió
Mạch sống Trường Sa (kỳ 2)

(Tiếp theo và hết)

Trường Sa có những cán bộ, chiến sĩ tuổi đôi mươi, ngày ngày vượt khó giữ biển trời quê hương. Nắng và gió là những thử thách khiến họ thêm kiên trung và vững chãi hơn. Đoàn viên là lực lượng tiên phong giúp đỡ các gia đình trong quá trình sinh sống, sản xuất, lập nghiệp trên đảo. Việc hỗ trợ ngư dân trong những thời điểm khó khăn cũng là niềm vui của bộ đội.

Bản lĩnh sức trẻ nơi đầu sóng

Trong hải trình nhiều ngày đi qua các đảo trên quần đảo Trường Sa, đoàn công tác chúng tôi được tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ. Có một chương trình lưu mãi trong ký ức nhiều thành viên là đêm văn nghệ giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn. Toàn bộ các tiết mục của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều được các chiến sĩ trẻ dàn dựng. Nhiều chiến sĩ còn là tân binh, mới ra nhận nhiệm vụ.

Trên nền nhạc sôi động, tiết mục nhảy flashmob “Tổ quốc gọi tên mình” của 20 người lính trẻ khiến hàng trăm người giao lưu tối hôm đó “đứng ngồi không yên” vì không khí quá đỗi cảm xúc. Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa lớn cho biết, về giáo dục truyền thống, tất cả các tân binh, đoàn viên, thanh niên đều tham gia tìm hiểu, nắm rõ nguồn gốc các sự kiện truyền thống; tổ chức viếng các khu tâm linh, giáo dục và giới thiệu các công trình trên đảo… Qua đó góp phần bồi dưỡng tình yêu của cán bộ, đoàn viên đối với biển đảo. Đoàn viên được giáo dục lý tưởng thông qua những kỷ vật, công trình có sẵn được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Qua đó nêu bật được ý nghĩa của sự vật, sự kiện. Thí dụ, trong phòng truyền thống có nhiều kỷ vật quý giá, bằng chứng về chủ quyền biển đảo để các chiến sĩ “cầm tận tay, thấy tận mắt”, cảm nhận được công sức, xương máu của cha anh đã hiến dâng.

Ở môi trường biển đảo, điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ đầy nhưng các hoạt động thể chất, phong trào luôn được chú trọng. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, Thiếu tá Lý Quý Cường giới thiệu những sân bóng chuyền, bãi tập thể lực… để cán bộ, chiến sĩ rèn luyện sức khỏe. Chỉ tay về binh nhất Ngân Anh Tài, phân đội 37 đang đánh bóng chuyền cùng đồng đội, Thiếu tá Cường cho biết, dù mới hòa nhập với môi trường sống trên đảo nhưng Tài là một trong những đoàn viên nhiệt thành và nổi bật nhất trong các hoạt động của chi đoàn trên đảo, nhất là các môn thể thao và văn nghệ. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên Ðảo Song Tử Tây, các công tác từ sinh hoạt Chi bộ, chi đoàn đến sinh hoạt văn thể mỹ luôn đều được thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả. Chiến sĩ Mai Ngọc Hoàn cho biết, ngoài các nhiệm vụ hằng ngày trên đảo, chi bộ, chi đoàn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ý nghĩa. Qua đó các chiến sĩ trẻ được bồi đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc, càng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Mạch sống Trường Sa (kỳ 2) ảnh 1

Các chiến sĩ trẻ sinh hoạt, tìm hiểu kiến thức sau giờ huấn luyện.

Đắp bồi không gian xanh

Công tác tăng gia sản xuất có sự tham gia đóng góp rất hiệu quả của các đoàn viên. Nhiều chiến sĩ tuổi đời mười tám, đôi mươi ra đảo với rất nhiều bỡ ngỡ, thậm chí còn không biết tên của nhiều loại rau nhưng chỉ một thời gian ngắn đã trở thành một “nông dân trẻ” thực thụ, giúp các cán bộ, chiến sĩ trên đảo cải thiện nguồn rau xanh. Trong chuyến công tác vừa rồi cùng với đoàn của Bộ Y tế, PGS, TS, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ niềm ngỡ ngàng, khâm phục trước sự tỉ mỉ, khéo tay của các chiến sĩ trẻ khi trồng được những vườn rau xanh mát giữa biển khơi. Đó là điều kiện cần thiết để cán bộ, chiến sĩ có đủ lượng rau sạch nhằm cải thiện sức khỏe trong quá trình làm nhiệm vụ trên đảo.

Tà chiều, kết thúc buổi huấn luyện, chiến sĩ Bùi Thanh Tài, quê ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng đồng đội ra vườn tưới những luống rau đang héo đi sau một ngày dưới cái nắng rát bỏng trên đảo Song Tử Tây. Chăm sóc vườn rau là nhiệm vụ nhiều tháng qua của người chiến sĩ trẻ này. Trước khi bước chân lên đảo, Tài chưa từng trồng một loại rau nào và càng không biết trồng chúng như thế nào. Cùng tham gia nhiệm vụ, sinh hoạt, chủ động tìm hiểu qua các thông tin, sách báo trên đảo, giờ đây Tài như một “ông chủ nhỏ” của vườn rau thanh niên trên đảo. Tài khoe, hôm rồi em gọi về cho ba mẹ, em nói em trồng cả một vườn rau, ba mẹ không tin. Mẹ em như muốn khóc qua điện thoại, một phần vì nhớ em, phần nữa chắc mẹ vui lắm vì thấy em làm được vậy.

Các chiến sĩ còn chủ động chọn, chiết giống các cây có tính chịu đựng thời tiết để cùng thực hiện chương trình xanh hóa Trường Sa. Trong đó nổi bật nhất là mô hình vườn ươm thanh niên, được chi đoàn chọn, nhân giống để gửi đến các đảo khác. Trên đảo, tất cả các loại chai nhựa, vỏ lon đều được chỉ huy đảo quán triệt các chiến sĩ thu gom và để vào đúng nơi quy định để giữ vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan trên đảo. Trong sinh hoạt thường nhật, ngoài giờ huấn luyện, chi đoàn thực hiện cao điểm các hoạt động tinh thần như văn nghệ, ngày đọc sách.

Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên phó đảo An Bang cho biết, chi đoàn của đảo hằng tháng đều lên chương trình sinh hoạt trên tất cả các mặt công tác, trong đó xung kích trên các công tác trọng tâm như tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, chăm sóc vườn ươm thanh niên trong mọi điều kiện thời tiết.

Để dân yên tâm bám biển

Âu tàu đảo Sinh Tồn là một Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật rộng lớn thuộc Hải đoàn 129 có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn. Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng, Chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết: Những năm qua, đơn vị đã hỗ trợ hàng trăm kg rau xanh, củ, quả các loại, gạo, thịt… cho hàng trăm lượt tàu đánh bắt hải sản; tiếp nhận hàng nghìn lượt lao động vào âu tránh gió và xin hỗ trợ các dịch vụ; cấp miễn phí gần hàng trăm nghìn lít nước cho ngư dân đánh bắt cá.

Các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa cũng là địa chỉ tin cậy ngư dân tìm tới khi gặp vấn đề sức khỏe. Mới đây, hai ngư dân bị tai nạn ở Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã được các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Thuyền Chài cấp cứu, kết hợp Hải quân Vùng 4 chuyển về Bệnh xá đảo Trường Sa điều trị. Tại đây, chỉ huy đảo cùng các bác sĩ đã huy động nguồn máu sống từ cán bộ, chiến sĩ để điều trị cầm máu và bù dịch kịp thời. Qua hội chẩn, các bác sĩ chỉ định vận chuyển nạn nhân về đất liền để điều trị tiếp. Vì là tình huống cấp cứu đặc biệt nên ngoài Tổ Cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 ở đất liền còn cử thêm các bác sĩ thuộc chuyên khoa ngoại bụng và gây mê hồi sức đồng hành.

Tại đảo Đá Đông A, Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Chỉ huy trưởng đảo cho biết, cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân gặp nạn, tìm kiếm cứu nạn trên biển. 6 tháng đầu năm nay, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã cấp cứu cho 6 lượt ngư dân gặp nạn trên biển; khám, phát thuốc cho hơn 100 lượt ngư dân ghé đảo.

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ khai thác Biển Đông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ hoạt động từ tháng 5/2005. Trung tâm có diện tích hơn 8 ha. Ngoài kho hàng, nhà máy nước đá, kho lạnh…, xưởng cơ khí của Trung tâm được trang bị nhiều máy móc hiện đại phục vụ công tác sửa chữa. Ngoài ra còn có một thiết bị làm đá lớn nhằm giữ lạnh hải sản sau đánh bắt, luôn hoạt động tối đa công suất để đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Trung tâm cũng được đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Từ nguồn này, ngoài phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn để cung cấp cho các tàu, thuyền trong điều kiện đánh bắt dài ngày.

Trở về từ chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mới đây, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh và đoàn công tác đã mang theo những cây bàng vuông là quà của những người lính biển trao tặng. Cùng gieo chúng vào đất liền, đồng chí Nguyễn Phước Lộc nhắn nhủ: Mỗi khi trồng và chăm sóc cây bàng vuông là chúng ta lại nhớ đến biển đảo quê hương, nhớ đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chúng ta đang ngày đêm đối mặt với khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mạch sống Trường Sa (kỳ 1)