Xía Nọi vượt mọi khó khăn

Gần 30 năm kể từ khi hình thành, bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) là nơi sinh sống của 35 hộ người H’Mông di cư từ xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) luôn trong tình cảnh không đường, không điện. Nay, mọi thứ đã khác rồi.
Những thửa ruộng lúa nước ở Xía Nọi.
Những thửa ruộng lúa nước ở Xía Nọi.

Khép kín giữa núirừng

Bản Xía Nọi giống viên đá hình con rùa “ném” xuống vùng biên giới Việt Nam - Lào. Ông Phan Tuấn Trung, cán bộ biên phòng về hưu, trú tại phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), kể rằng: “Địa bàn biên giới tỉnh Thanh Hóa có một vài điểm ngại ngần. Nếu 30 năm trước, giáo viên được phân công về xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân thì họ sẽ ngồi khóc một hồi, có người đã bỏ nghề dạy học vì chỗ đó đường đi còn không có. Sau Bát Mọt là xã Sơn Thủy - không giáo viên nào hào hứng muốn về bản chót vót sườn non”.

Bản Xía Nọi thuộc xã Sơn Thủy, mà còn nằm trên cao, cách trung tâm xã Sơn Thủy khoảng 25 km. Cung đường dẫn vào bản là đường mòn đầy hiểm trở, quanh co qua những dãy núi cao, vực sâu. Mỗi bước vào bản như đeo thêm một chiếc ba-lô nữa. Mùa mưa, đường ướt, chân trơn, muỗi vắt đón chào. Việc giao lưu với bên ngoài gần như không có, dẫn đến một cuộc sống cách biệt, phụ thuộc vào tự nhiên. Người dân bản sống dựa vào nương rẫy, chủ yếu trồng ngô, sắn trên đồi và vào rừng kiếm măng, hái nấm... Những sản phẩm này chỉ đủ để nuôi sống gia đình và không ổn định.

Với cuộc sống gắn chặt với núi rừng, bản sắc văn hóa của người H’Mông ở Xía Nọi cũng rất đậm nét, nhưng đồng thời, những hủ tục lâu đời cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc phát triển. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước khiến cho nhiều gia đình không có động lực tự thân cải thiện cuộc sống. Bản thường xuyên phải nhận hỗ trợ lương thực từ Nhà nước để đối phó với nạn đói.

Sinh ra và lớn lên trong bản Xía Nọi nhưng được học hành, Sung A Sáng kể lại: “Năm đó có thầy giáo Trịnh Xuân Trung về cắm bản. Thầy dạy đứa lớn viết chữ, đứa nhỏ học chữ cái, tập đánh vần. Rồi lần lượt thầy xin cho học trò về xã học nội trú. Nhưng khi xuống huyện học lớp cao hơn, nhiều bài toán khó khiến em chán nản, nương rẫy ở nhà không ai làm. Em về bản lấy vợ, làm rẫy”.

Nhận thấy tình trạng khó khăn của Xía Nọi, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và cải thiện đời sống kinh tế cho người dân. Năm 2022, lưới điện quốc gia đã đến được bản Xía Nọi. Con đường bê-tông dẫn vào bản cũng được đầu tư, từng bước mở ra cơ hội kết nối với bên ngoài.

Tuy nhiên, việc thay đổi không dễ dàng. Người H’Mông ở Xía Nọi phải vượt qua nhiều rào cản. Những cán bộ địa phương, đảng viên đã vào cuộc, kiên trì tuyên truyền và vận động người dân xóa bỏ hủ tục, chuyển đổi tập quán canh tác, áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới. Từng bước, những hộ dân trong bản bắt đầu cải tạo đất hoang hóa, xây dựng hệ thống tưới tiêu để trồng lúa nước hai vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm và mở rộng diện tích trồng các loại cây kinh tế khác như dứa gai, sắn.

Trong quá trình này, anh Sung Văn Cấu (sinh năm 1974) đã đóng vai trò như một “cầu nối” giữa Đảng và người dân, giúp phổ biến các chính sách và chủ trương mới của Nhà nước đến với đồng bào H’Mông. Anh cùng các cán bộ địa phương và Đồn Biên phòng tích cực vận động người dân tham gia các mô hình kinh tế mới như trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc và bài trừ mê tín dị đoan.

Anh Sung Văn Ly B, một trong những người đi đầu trong việc trồng lúa nước, chia sẻ rằng việc học cách trồng lúa không chỉ giúp gia đình anh có đủ lương thực. Anh còn mở rộng diện tích trồng thêm cây sắn, dứa gai và chăn nuôi gia súc để tăng thu nhập.

Nhờ sự khuyến khích và hỗ trợ của chính quyền, bước tiến triển tích cực là cải tạo đất hoang, mở rộng sản xuất, từ đó không chỉ đủ ăn mà còn có sản phẩm bán ra thị trường, từng bước cải thiện thu nhập và đời sống.

Bằng sự chân thành và những việc làm cụ thể, anh Sung Văn Cấu đã giúp thay đổi nhận thức của nhiều người trong bản, khuyến khích họ từ bỏ các hủ tục lạc hậu, hướng đến một cuộc sống tích cực hơn. Anh cũng là người đứng ra vận động người dân trong bản giúp đỡ lẫn nhau, từ việc sửa nhà đến tổ chức các sự kiện cộng đồng.

Xía Nọi vượt mọi khó khăn ảnh 1

Điểm trường Xía Nọi.

Xía Nọi và ước mơ

Thay vì cứu trợ lương thực, chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục đầu tư cho người dân giống ngô, lúa các loại. Đến nay, bản Xía Nọi đã có gần 4 ha đất lúa hai vụ và gần 17 ha đất trồng cây hoa màu khác. Các hộ dân không chỉ đáp ứng được nhu cầu lương thực mà còn có nông sản để bán ra thị trường, góp phần cải thiện thu nhập. Từ 100% số hộ đói nghèo, nay cả bản đang từng bước thoát khỏi cái nghèo, hướng tới cuộc sống ổn định, dễ chịu hơn.

Có được những thành quả này, người đáng nêu gương nhất của bản là anh Sung Văn Cấu. Ngoài việc chăm lo hướng dẫn người dân, anh Cấu còn tham gia tích cực vào việc bảo vệ an ninh biên giới, phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, giữ gìn trật tự - an ninh xã hội.

Lý do nào khiến anh Sung Văn Cấu làm được như vậy? Anh Cấu là người H’Mông sinh ra ở xã Pù Nhi (Mường Lát). Từ khi còn là thanh niên, anh đã sớm được cán bộ địa phương chú ý nhờ khả năng giao tiếp tiếng Kinh tốt và sự nhiệt huyết trong các hoạt động của bản. Trải qua nhiều vị trí như Bí thư Chi đoàn Thanh niên, Trưởng bản, Bí thư bản và hiện nay là Trưởng ban Công tác Mặt trận, anh Cấu đã đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi tích cực của bản Xía Nọi. Anh Cấu đã trở thành một hình tượng uy tín trong cộng đồng người H’Mông tại đây.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Phạm Bá Chiến, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả cao và huy động thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng nông thôn, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa bỏ nhà tranh tre tạm bợ và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Xía Nọi, đồng thời bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.

Về hưu nhưng vẫn dõi theo từng bước đi lên ở vùng biên mà mình từng công tác, ông Phan Tuấn Trung, cho rằng: “Người dân Xía Nọi giờ đây không chỉ vui mừng mà còn đầy hy vọng. Họ biết rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của họ sẽ ngày càng tốt đẹp hơn”.

Khoảng rừng có bản Xía Nọi đã có đèn điện thắp sáng ban đêm, người dân đã dùng điện thoại thông minh. Đường bê-tông phẳng lỳ về bản, và tiếng cười nói rộn ràng trong lớp học. Ông Trung đã quay lại đây và chứng kiến sự đổi thay không chỉ bên ngoài mà trong tâm tư người dân cũng đã không còn lạc hậu, tiếp cận nhận thức mới. Ông Trung hồ hởi khoe: “Xía Nọi đã trở thành biểu tượng của sự đổi thay”.

Câu chuyện về Xía Nọi là minh chứng cho sự vươn lên từ khó khăn, niềm tin vào một tương lai tươi sáng, nơi người dân không chỉ thoát khỏi đói nghèo, mà còn hướng tới một cuộc sống ấm no, một giá trị mới như bao bản làng đi trước đã làm được. Xía Nọi tại sao không?