Từ Pháp, nặng lòng với biển đảo quê hương

Bốn năm sau chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp đã thực hiện được ý nguyện xuất bản cuốn sách ảnh «Biển đảo quê hương» bằng tiếng Việt vào năm 2020, rồi mới đây là bản song ngữ Pháp-Việt để truyền tải cuộc sống rất vất vả nhưng kiên cường của quân và dân đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Thanh Tòng ký tặng sách ảnh “Biển đảo quê hương” tại Ngày hội Pháp ngữ ở Pháp, 19-20/3/2022.
Ông Nguyễn Thanh Tòng ký tặng sách ảnh “Biển đảo quê hương” tại Ngày hội Pháp ngữ ở Pháp, 19-20/3/2022.

1/Năm 2016, ông Nguyễn Thanh Tòng vinh dự được cử làm đại diện của Hội người Việt Nam tại Pháp đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cùng với 80 Việt kiều ở 22 nước trên thế giới. Chuyến đi đã để lại những kỷ niệm thật sâu sắc và đã thôi thúc ông thực hiện cuốn sách ảnh “Biển đảo quê hương” dày hơn 200 trang với mong muốn giúp cho những người chưa có cơ hội được đến Trường Sa, nhất là kiều bào ở Pháp và các nước, hiểu rõ hơn về đời sống của các chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương.

Cuốn sách ảnh gồm những hình ảnh, những trải nghiệm, những tâm sự thật cảm động, những kỷ niệm khó quên, rồi cả những vần thơ dạt dào tình cảm của một Việt kiều tại Pháp lần đầu có mặt ở vùng biển và hải đảo mà các thế hệ người Việt đã đổ biết bao công sức, máu xương để giữ gìn và bảo vệ.

Ông nhớ lại: Ý định xuất bản cuốn sách ảnh bắt đầu từ một sự kiện trong gia đình, đó là vào ngày sinh nhật của cháu ngoại, ngày 21/4/2016. Mẹ cháu hỏi: Ba có nhớ bốn năm về trước vào ngày này, ba đang ở đâu và làm gì không? Có chứ, làm sao quên được, tôi trả lời. Ngày cháu cất tiếng khóc chào đời là lúc ba đang đi lênh đênh trên biển mênh mông, cùng đoàn đại biểu kiều bào được Nhà nước tổ chức cho đi thăm quần đảo Trường Sa. Một chuyến đi đọng lại những kỷ niệm không thể quên. Từ lúc đó, tôi luôn nghĩ phải viết những gì mắt thấy tai nghe để kể lại cho con cháu biết rằng, nước Việt Nam ta ngoài sông núi, đồng bằng và biển còn có những cụm đảo gắn liền với lãnh hải của đất nước. Đó là quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.   

2/Nội dung cuốn sách ảnh gồm hai phần. Phần đầu là hành trình của một Việt kiều xa quê lần đầu tiên được ở trên boong tàu ngắm nhìn Tổ quốc giữa biển khơi xanh vô tận. Trong suốt 10 ngày đi thăm những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Thanh Tòng trải qua nhiều cung bậc rung động, từ hồi hộp lúc chuẩn bị lên tàu ra khơi, không khí nghĩa tình quân dân trên tàu, tới giây phút dâng trào sự xúc động, khó diễn tả khi lần đầu trông thấy đảo Đá Lớn.

Xen lẫn cảm xúc nghẹn ngào, nước mắt dâng trào khi tới thăm các đảo là niềm tự hào khi chứng kiến lễ chào cờ long trọng và nghiêm trang ở đảo Sơn Ca, nơi các chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ để bảo vệ chủ quyền và cuộc sống yên bình cho hàng triệu đồng bào trong đất liền.   

Tiếp đó là sự ngạc nhiên. Ông cũng như các thành viên trong đoàn rất xúc động khi biết mặc dù cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng vượt lên tất cả, các chiến sĩ ở đảo chìm hay Nhà giàn DK1 không đất, không nguồn nước ngọt vẫn trồng được những luống rau xanh, nâng niu tưới từng giọt nước. Các chiến sĩ đã phải rất nỗ lực tiết kiệm từng giọt nước để sinh hoạt, chăm sóc rau xanh. Đó là sự anh dũng, kiên cường và hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

Trong phần hai của cuốn sách, ông Nguyễn Thanh Tòng đã thu thập tư liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Vua Lê Thánh Tông cùng với dư luận quốc tế bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về đường lưỡi bò ở Biển Đông.

3/Để xuất bản cuốn sách ảnh bằng tiếng Việt, ông đã dày công tìm kiếm các nguồn thông tin, tư liệu lịch sử, các bài báo và hình ảnh khẳng định Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại các trung tâm lưu trữ ở trong nước, ở Pháp và một số nước trên thế giới. 

Kể từ lúc xuất bản cuốn sách ảnh bằng tiếng Việt như câu chuyện vô cùng sống động và chân thực kể cho kiều bào về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ông đã nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc, cả người Việt và nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ. 

Ông chia sẻ: Tôi thấy đó là bổn phận cần phải giải thích, cung cấp thêm thông tin thực tế cho những ai chưa từng đến hay biết rất ít về Trường Sa, Hoàng Sa hay về cuộc sống còn thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần của quân và dân trên các đảo nhưng vẫn một lòng vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thấy nhiều người ở Pháp rất quan tâm đến cuốn sách, nhất là những hình ảnh thật sống động và chân thực, nhưng không phải ai cũng đọc được tiếng Việt, nhất là thế hệ Việt kiều sinh ra và lớn lên ở Pháp và cả người Pháp. Vì vậy, ông quyết tâm tìm nguồn tài trợ để dịch và in lại sách bằng cả tiếng Việt và Pháp. 

Ông cho biết: Tại sao tôi muốn song ngữ, vì tôi thấy con tôi không biết tiếng Việt nhiều, nên tôi muốn con tôi có thể đọc để biết thế nào là Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Tôi xác định bổn phận của mình là cung cấp thông tin thực tế cho thế hệ trẻ, cho bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam và tôi tin rằng, đó là mong muốn của những người không đọc được tiếng Việt ở các phương trời. Từ đó sẽ có thêm nhiều người có cái nhìn khách quan về công cuộc bảo vệ biển đảo của Việt Nam và có thể lan tỏa sự ủng hộ đối với chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước mình. 

Cuốn sách ảnh là một minh chứng cụ thể cho tình yêu đất nước của ông Nguyễn Thanh Tòng. Hành trình đi thăm Trường Sa đã qua lâu, nhưng những kỷ niệm sâu sắc và lòng cảm phục vẫn luôn ở trong tâm khảm của ông. Ở đó, sức sống và tinh thần yêu nước vẫn luôn tỏa sáng.

Ông tâm sự: Cho đến hôm nay, tôi thấy rất sung sướng khi ra được cuốn sách này cả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, mong rằng cuốn sách sẽ góp phần lan tỏa tình yêu đất nước Việt Nam. Tôi muốn làm thêm nhiều hơn nữa, có thể là ra cuốn sách: Biển Đông, lịch sử và pháp lý.