Xây dựng quan hệ đối tác bền vững

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một trong những đối tác phát triển quan trọng của Việt Nam. “ADB cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển lâu dài”, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đã khẳng định trong chuyến thăm lần đầu tới Việt Nam hôm 13/3, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam - ADB.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch ADB Asakawa phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm. Ảnh: ADB
Chủ tịch ADB Asakawa phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm. Ảnh: ADB

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam - ADB tại Hà Nội, Chủ tịch Asakawa cho biết: “Quan hệ đối tác giữa hai bên đã cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương cũng như phụ nữ và trẻ em gái”. Ông cũng đánh giá Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác tích cực nhất của ADB.

Trong 30 năm qua, hỗ trợ lũy kế của ADB dành cho Việt Nam đã lên tới khoảng 18 tỷ USD, cải thiện kết nối khu vực; tăng cường quản lý môi trường và đầu tư xanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát triển thích ứng với khí hậu; tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội; cũng như hỗ trợ phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Asakawa cũng bày tỏ ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thu xếp nguồn vốn cho các dự án chuyển đổi năng lượng, hạ tầng quy mô lớn, các dự án hợp tác công-tư, các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất chế tạo bán dẫn...

ADB cũng đang đẩy mạnh cam kết với các chính phủ và đối tác phát triển để mở rộng lĩnh vực tài chính khí hậu, với tham vọng huy động 100 tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2030 từ các nguồn lực để hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh sự đóng góp của ADB đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, thông qua các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách hay các chương trình vay vốn, tài trợ thương mại. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, tổ chức ở Việt Nam có nhu cầu tham khảo kinh nghiệm quốc tế về pháp lý, nhằm xây dựng và hoàn thiện những quy định, thể chế, thủ tục.

Việt Nam hiện tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, như ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình hạ tầng hay lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển khu vực tư nhân... Trong số dự án đầu tư cho khu vực tư nhân tại Việt Nam mà ADB mới thông qua gần đây có khoản đầu tư vốn cổ phần lên tới 4 triệu USD ở Công ty Cổ phần Xe điện Thông minh Selex. Đây là công ty đầu tiên tại Việt Nam nhận được khoản đầu tư cổ phần từ quỹ mạo hiểm ADB Ventures. Điều này thể hiện sự hỗ trợ của ADB đối với các mô hình kinh doanh sáng tạo của công ty khởi nghiệp này và cam kết đóng vai trò mạnh mẽ trong việc giải quyết các thách thức phát triển liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Danh mục dự kiến theo kênh tài trợ chính phủ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2022-2024 bao gồm 19 dự án, với tổng giá trị ước tính là 3,37 tỷ USD. Nhà lãnh đạo ngân hàng đánh giá Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện khung pháp lý về quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, thông qua đó cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình xử lý dự án và giải ngân khoản vay.

Nhân chuyến thăm lần này, ông Asakawa tái khẳng định cam kết của ADB cung cấp 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hiệu quả chuẩn bị dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngoài ra, ADB đã cam kết huy động 2,1 tỷ USD theo kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.