Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự chênh lệch trong thu nhập và khả năng thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực STEM. Theo dữ liệu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), có ít hơn 30% nhà nghiên cứu trên thế giới là nữ và chỉ có 30% sinh viên nữ lựa chọn ngành học liên quan lĩnh vực STEM ở bậc giáo dục đại học.
Theo báo cáo, tỷ lệ nhập học của phái nữ trên toàn thế giới đặc biệt thấp trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (3%), khoa học tự nhiên, toán học và thống kê (5%), kỹ thuật, sản xuất và xây dựng (8%). Đó là lý do việc đào tạo và tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực STEM góp phần đẩy mạnh nền khoa học phát triển, tăng tính đa dạng trong lực lượng lao động, đồng thời mang lại lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức.
Nhằm góp phần giải quyết sự chênh lệch về giới, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Anh phối hợp với Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa khởi động Học bổng khối ngành STEM dành cho nữ giới thuộc Chương trình hỗ trợ tiến bộ giáo dục trẻ em gái ASEAN–Vương quốc Anh (ASEAN-UK SAGE). Trong buổi ra mắt ngày 29/2 tại Hà Nội, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew đánh giá, đây là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực chung nhằm giải quyết sự chênh lệch giới tính vẫn tồn tại trong giáo dục và môi trường làm việc của lĩnh vực STEM.
Đại sứ Iain Frew chia sẻ: “Thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn không chỉ hỗ trợ việc tiếp cận giáo dục mà còn có thể nuôi dưỡng một thế hệ những người tiên phong trong việc truyền cảm hứng cho mọi người chung quanh, cũng như thúc đẩy sự thay đổi tích cực tại các quốc gia thuộc ASEAN và hơn thế nữa”. Ông Iain Frew kỳ vọng với sự ra đời của học bổng mới này sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực STEM bằng cách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nền giáo dục tiên tiến.
Theo chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ tại Công ty TNHH Năng lượng bền vững Việt-Nga, phụ nữ theo đuổi ngành STEM ở thời kỳ nào trong xã hội đều sẽ luôn gặp những khó khăn, và để vượt qua được những khó khăn này cần sự linh hoạt và thật sự kiên trì đến từ bản thân. Rào cản đối với phụ nữ có thể do định kiến giới từ gia đình, nhà trường, xã hội đã ảnh hưởng đến nữ giới. “Những định kiến giới tác động từ nhiều phía đã khiến các bạn nữ nhận thức không đúng về khả năng của mình trong ngành STEM và chưa có cái nhìn thực tế về ngành STEM”, chị Huyền cho biết thêm.
Là một trong những đơn vị đối tác chính thực hiện chương trình ASEAN-UK SAGE, Hội đồng Anh (BC) tại Việt Nam đã có nhiều năm thực hiện sứ mệnh quảng bá giáo dục, cũng như có kinh nghiệm triển khai chương trình học bổng khối ngành STEM dành cho nữ giới. Giám đốc BC tại Việt Nam, bà Donna McGowan chỉ ra rằng, một trong những lý do dẫn đến sự thiếu đại diện của các gương mặt phụ nữ trong lĩnh vực STEM ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung là thái độ và nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong ngành STEM.
Bà McGowan cho biết: “Học bổng toàn phần khối ngành STEM dành cho nữ giới được thiết kế giải quyết vấn đề thiếu sự đại diện của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo STEM. Cũng như các chương trình học bổng toàn phần khối ngành STEM dành cho nữ giới của BC những năm trước, học bổng khối ngành STEM dành cho nữ giới của chương trình ASEAN - UK SAGE cũng nhằm mục đích thách thức các chuẩn mực này, trao quyền cho phụ nữ, tạo ra các hình mẫu và củng cố thái độ tích cực đối với giáo dục STEM cho phụ nữ và trẻ em gái”.