Trong vòng xoáy khủng hoảng
Nổ ra giữa lúc tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 vẫn dai dẳng, cuộc xung đột ở Ukraine khiến cả thế giới lao đao. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 nhận định: Xung đột không chỉ tác động tới Ukraine và các nước láng giềng, mà còn gây khó khăn chồng chất cho cả những quốc gia nằm cách rất xa khu vực xung đột. Hệ lụy là các chuỗi cung ứng gián đoạn, đẩy giá lương thực, năng lượng và tỷ lệ lạm phát lên mức cao kỷ lục. Xung đột còn thổi bùng bất đồng, nghi kỵ vốn âm ỉ và làm suy yếu hệ thống hợp tác quốc tế được xây dựng trên cơ sở lòng tin và thỏa thuận.
Là hệ quả trực tiếp, vòng xoáy khủng hoảng mới giữa các nước phương Tây và Nga bị kích hoạt. Cùng các gói hỗ trợ khẩn cấp về tài chính, quân sự dành cho Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt diện rộng chống Moscow. NATO gia tăng ủng hộ Kiev và bóng gió đề cập về vị trí thành viên của Ukraine. Cảm giác bất an khiến Phần Lan và Thụy Điển đảo ngược cả chính sách trung lập duy trì trong nhiều thập niên, để xin gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Vốn phụ thuộc lớn vào khí đốt nhập khẩu từ Nga, các nước EU đứng ngồi không yên vì mối lo Moscow cắt nguồn cung. Một loạt giải pháp được đưa ra, từ mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, lấp đầy kho dự trữ và hoàn thiện các dự án hạ tầng, cho đến thử nghiệm phương án mua chung, giảm tiêu thụ, thậm chí đề xuất áp trần giá khí đốt. Tuy nhiên, giá năng lượng chưa hạ nhiệt, trong khi kinh tế sụt giảm, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao gây áp lực lớn với Lục địa Già.
Nền kinh tế thế giới không tránh khỏi tác động từ xung đột, cũng như tình trạng lạm phát cao, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và làn sóng thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu đã rơi vào cuộc suy thoái diện rộng. Trường hợp Sri Lanka cho thấy rõ hậu quả của các cú sốc về chính sách, lạm phát và giá cả tăng cao, dẫn đến nền kinh tế sụp đổ, đẩy đất nước vào khủng hoảng chính trị sâu sắc.
Không phải mục tiêu, song các mặt hàng lương thực, phân bón vẫn chịu tác động gián tiếp từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, dẫn đến các chuỗi cung ứng vốn chưa hồi phục sau đại dịch lại tiếp tục gián đoạn, đẩy giá lương thực lên cao. Theo Liên hợp quốc, thế giới đang đối mặt khủng hoảng lương thực với quy mô chưa từng có, với 829 triệu người thiếu ăn và 49 triệu người ở 49 quốc gia mấp mé bờ vực nạn đói.
“Góp phần” làm mất an ninh lương thực còn là các “cú sốc khí hậu”, với hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường mà nguyên nhân là biến đổi khí hậu, từ lũ lụt nhấn chìm một phần ba diện tích Pakistan, mùa hè nóng nhất trong hàng trăm năm nay ở châu Âu, đến hạn hán kỷ lục ở châu Phi và các cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp ở Tây bán cầu... Cảnh báo về tình trạng hỗn loạn khí hậu dần tiến tới điểm giới hạn không thể đảo ngược, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ví rằng: Thế giới đang trên đường cao tốc dẫn đến “địa ngục khí hậu”, mà bàn chân vẫn đặt trên chân ga!
Hợp tác hành động, vượt qua bất đồng
Tại phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, để đưa thế giới ra khỏi “vùng biển động”, chỉ có cách là các quốc gia vượt qua bất đồng, cùng hành động có trách nhiệm vì tương lai bền vững. Dẫn số liệu về tình trạng mất an ninh lương thực khắp các khu vực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng thế giới đang trên đường tới đích là thảm họa thiếu lương thực. Nếu không có hành động phối hợp khẩn cấp, một cuộc khủng hoảng toàn diện sẽ khó tránh vào năm 2023.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) chỉ rõ, thế giới đang đứng giữa ngã rẽ quan trọng và để ngăn chặn thảm họa đói, nhiệm vụ khẩn cấp là thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và cam kết viện trợ. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm khơi thông dòng chảy ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine là thí dụ điển hình về thành công của đối thoại, hợp tác quốc tế nhằm hạ nhiệt “cơn sốt” về giá và nguồn cung lương thực.
Dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người vào thời điểm cộng đồng quốc tế đi qua nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển và khí hậu được thông qua năm 2015, đó là Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về kiềm chế tăng nhiệt độ Trái đất dưới 1,5 độ C vào năm 2030. Là câu chuyện thành công, khẳng định tiến bộ lớn về cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm đói nghèo, song mốc dân số mới cũng nhắc nhở về áp lực với môi trường, phúc lợi xã hội, an ninh lương thực, hành động khí hậu và phát triển bền vững.
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đạt “thỏa thuận đền bù”, hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Song, hội nghị vẫn không được coi là thành công khi không có thêm các cam kết cao hơn về cắt giảm khí thải. Mục tiêu hiệp ước đoàn kết về khí hậu vẫn cần thêm nỗ lực kết nối hợp tác về giảm khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng...
Hội nghị COP27 tại Ai Cập. Nguồn: Liên hợp quốc |
Trong bối cảnh tình trạng giảm lòng tin, chia rẽ gia tăng, một loạt sự kiện cấp cao quan trọng của thế giới được tổ chức trở lại sau thời gian gián đoạn do đại dịch, phản ánh nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó khu vực Đông Nam Á nổi lên là điểm sáng kết nối. Kết quả các Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, G20 và các cuộc tiếp xúc bên lề cho thấy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chính. Các vấn đề cấp bách toàn cầu được quan tâm, trở thành động lực để các nước gia tăng hợp tác, ứng phó và vượt qua thách thức.
Thành công của nỗ lực vì người dân
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến chuyển nhanh và phức tạp, Việt Nam kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình và phát triển; thúc đẩy các mối quan hệ đối tác song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp vào xu thế hòa bình và hợp tác. Tại ASEAN, Việt Nam thể hiện rõ vai trò cầu nối, thúc đẩy đồng thuận, góp phần củng cố đoàn kết, nâng cao uy tín của Hiệp hội, phát huy giá trị đối thoại và hợp tác của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Tại APEC, Việt Nam chia sẻ định hướng phát triển của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy các kênh đối thoại nhằm thu hẹp khác biệt và gia tăng đồng thuận.
Năm 2022 đánh dấu chặng đường 45 năm hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc, một hành trình đáng nhớ về quan hệ đối tác bền chặt. Liên hợp quốc nhận định, Việt Nam đã viết nên câu chuyện thành công về chuyển đổi và hy vọng, một hành trình từ chiến tranh đến hòa bình, từ nghèo đói đến phát triển, từ nhận viện trợ đến tự cường và đóng góp. Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới; tỷ lệ đói nghèo giảm và chất lượng y tế, giáo dục, thu nhập tăng; hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và tiếp tục triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững.
Phái đoàn Việt Nam tham gia kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO. Nguồn: Bộ Ngoại giao |
Sau hai lần được bầu và đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, năm 2022, Việt Nam tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việc Việt Nam lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên hợp quốc về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, phản ánh rõ nét sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người dân trong tất cả các lĩnh vực.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: Những thành quả tốt đẹp là minh chứng mạnh mẽ cho sự kiên cường, nỗ lực vượt khó của người Việt Nam và cho chính sách lấy con người làm trung tâm phát triển. Việt Nam sẽ viết tiếp chương mới trong câu chuyện thành công!
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Hứa Lợi Bình: Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể được xem là điển hình thành công trong hợp tác chính đảng, bởi đã được cụ thể hóa thành các cơ chế hợp tác hiệu quả giữa hai nước. Việc tăng cường trao đổi kênh Đảng với nhiều nội hàm phong phú góp phần tăng hiểu biết và chia sẻ. |
Cựu Phó Tổng Thư ký ASEAN, cựu Đại sứ Lào tại Anh Sayakane Sisouvong: Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc thời gian qua và có tiềm năng trở thành con hổ mới của châu Á. Với sự cải thiện về quản trị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tiếp tục mở rộng hội nhập với bên ngoài một cách mạnh mẽ, Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công mới trong phát triển kinh tế-xã hội và có vai trò ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới. |
Chuyên gia Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia Uch Leang: Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ghi dấu ấn mới, khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam, cho thấy tư duy chiến lược và hiệu quả của đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền, cùng cộng đồng quốc tế xây dựng thế giới hòa bình, bảo đảm quyền con người. |
Chủ tịch Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam, Tiến sĩ Carolus Wimmer: Tinh thần đoàn kết quốc tế vượt qua khủng hoảng của Việt Nam được cả thế giới nhắc đến với sự ngưỡng mộ và trân trọng. Việc giữ vững ổn định chính trị, kinh tế và xã hội trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp là niềm tự hào của một dân tộc luôn sẵn sàng đương đầu thách thức. |
Giáo sư Elena Tyumeneva, Trường Ngoại ngữ cao cấp, Bộ Ngoại giao Nga: Việt Nam sử dụng một cách hiệu quả “sức mạnh mềm” của ngoại giao văn hóa, đưa các giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc ra thế giới. Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất có ý nghĩa và là giáo viên tiếng Việt, tôi hạnh phúc khi góp phần phổ biến nét đẹp văn hóa Việt Nam. |
Cựu phóng viên Suthida Malikaew, Manager Media Group (Thái Lan): Sẽ không quá lời khi nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực về kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Cùng những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc, kết quả chống dịch và phát triển kinh tế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. |
Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại các nước