Nhân dịp đón Xuân mới Quý Mão-2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Báo Nhân Dân cuộc phỏng vấn đầu năm. Những chia sẻ của Tổng Bí thư là thông điệp gửi đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân: Hãy tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, chung tay xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Báo Nhân Dân Xuân Quý Mão-2023 xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, như các quốc gia khác, đất nước ta cũng vừa trải qua một năm đầy khó khăn với bao biến động khó lường, nhưng chúng ta đã giành được những thành tựu quan trọng. Xin đồng chí vui lòng cho biết một số kết quả nổi bật trong năm qua?

***

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đúng là năm 2022, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra bao khó khăn lớn hơn nhiều so với dự báo. Đại dịch Covid-19 vẫn chưa hết, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, suy thoái kinh tế toàn cầu, đã và đang tác động xấu cả về chính trị, kinh tế-xã hội đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta vẫn thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, có thể đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nền kinh tế của đất nước cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6% đến 6,5%).

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có những chuyển biến tốt và đạt kết quả khá ấn tượng,…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng đầu tư phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội,...

Có thể nói, đó là những kết quả nổi bật chúng ta đã đạt được trong năm 2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Phóng viên: Thưa đồng chí, đâu là nguyên nhân đã giúp chúng ta đạt được những kết quả tích cực như vậy?

***

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng, cơ bản nhất là chúng ta đã khơi dậy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đó là sự đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, không chỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mà cả trong tổ chức thực hiện.

Chúng ta vừa có chủ trương, chính sách phù hợp để nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa có quyết tâm cao thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

Bài học chung là phải nêu cao tinh thần đoàn kết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Mỗi khi có diễn biến mới phức tạp, nhạy cảm hoặc vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau càng phải đoàn kết để tìm tiếng nói chung, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước; tuyệt đối không được “cua cậy càng, cá cậy vây".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Không kể các cuộc họp đột xuất để chỉ đạo giải quyết các vụ việc bất thường, tháng nào, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng họp, nắm chắc tình hình chung của đất nước, của các địa phương, các ngành, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh. Đó là điểm mới, cách làm hiệu quả trong những năm gần đây và tinh thần ấy đã lan tỏa đến các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bài học chung là phải nêu cao tinh thần đoàn kết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Mỗi khi có diễn biến mới phức tạp, nhạy cảm hoặc vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau càng phải đoàn kết để tìm tiếng nói chung, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước; tuyệt đối không được “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Có như thế chúng ta mới vượt qua được khó khăn, mới biến thách thức thành cơ hội, biến lợi thế thành thời cơ, mới tạo được sức mạnh nội sinh trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi ngành, mỗi địa phương. Cái gốc là phải xây dựng được niềm tin trong Đảng, niềm tin trong nhân dân; có niềm tin mới có động lực để hành động, mới kề vai sát cánh bên nhau khi khó khăn. Đây cũng là câu trả lời, vì sao chúng ta lại đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thế.

Khi đã có niềm tin, có tinh thần đoàn kết, thống nhất thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua.

Từng ngày, từng ngày, Đảng vẫn làm và phải làm quyết liệt hơn để loại trừ những “con sâu mọt” trong nội bộ, bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng, giữ gìn hình ảnh của cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm chính. Chính kết quả đạt được trong công tác này là yếu tố quyết định tạo niềm tin của Nhân dân dành cho Đảng.

Khi đã có niềm tin, có tinh thần đoàn kết, thống nhất thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua. Đánh mất niềm tin là sẽ mất tất cả.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư! Nói đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhân dân đánh giá rất cao kết quả đạt được những năm gần đây, song lo ngại tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra phức tạp. Xin Tổng Bí thư chia sẻ đôi điều về thực trạng này và cho biết làm thế nào để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực?

***

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, luôn luôn là việc rất khó, nhạy cảm và vô cùng cam go, liên quan đến con người, vì đó là cuộc đấu tranh với thói hư tật xấu của đồng chí, con em chúng ta và đôi khi là chính bản thân mình.

Với quyết tâm đẩy lùi căn bệnh này, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo kiên trì, quyết liệt, càng làm càng rút ra được nhiều kinh nghiệm, đi vào chiều sâu, bài bản và được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.

Thực tế cho thấy, cái gốc của tham nhũng là do vướng vào cá nhân chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có những cán bộ chưa làm được gì đã nghĩ đến chuyện kiếm chác, vơ vét cho “đầy túi tham”. Đây mới là cái gốc nguy hiểm nhất dẫn đến tham nhũng, không chỉ làm mất tiền của mà còn mất cán bộ; tình trạng này nếu kéo dài có khi mất cả chế độ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Từ thực tế đó, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32, quy định rõ, đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban không chỉ chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, mà chỉ đạo cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị trên phạm vi cả nước. Đây là điểm mới trong định hướng chỉ đạo, vì nếu ngăn chặn được sự xuống cấp về đạo đức, chống được suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên thì sẽ không còn tham nhũng.

Một điểm mới nữa trong năm 2022, đó là thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, tất cả các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy là cùng với việc mở rộng phạm vi nội dung chỉ đạo ở Trung ương, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác này ở các địa phương cũng được tăng cường. Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng phải đẩy lùi cho bằng được tham nhũng, tiêu cực.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì lâu nay Đảng ta vẫn làm, nhưng phải nói là làm quyết liệt nhất, hiệu quả nhất là từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay. Song cũng phải thấy rằng, tình trạng này còn phức tạp và xảy ra ở nhiều lĩnh vực mới như chứng khoán, bất động sản... Đặc biệt là vừa qua lợi dụng cả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đại dịch Covid-19 để thu lợi bất chính. Điều đó không thể chấp nhận được, vừa vi phạm pháp luật, vừa vô đạo đức, thiếu nhân tính, cho nên phải xử lý thật nghiêm minh.

Trước hết cần nhận diện cho rõ tham nhũng, tiêu cực và tác hại khôn lường của nó. Tinh thần là đấu tranh quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, không nghỉ, không dừng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự với những bước đi vững chắc, tích cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Để đẩy lùi căn bệnh này, trước hết cần nhận diện cho rõ tham nhũng, tiêu cực và tác hại khôn lường của nó. Tinh thần là đấu tranh quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, không nghỉ, không dừng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự với những bước đi vững chắc, tích cực. Trong đó, công tác kiểm tra đảng luôn luôn mở đường đi trước, phối hợp nhịp nhàng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; kết hợp đồng bộ giữa kỷ luật đảng với xử lý hành chính và hình sự.

Đồng thời, chúng ta phải xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”,… Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện xử lý là đột phá quan trọng. Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ; với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…

Vấn đề quan trọng hàng đầu là phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu.

Trong các cơ quan đảng, nhà nước phải kiểm soát cho được quyền lực; phát huy tốt vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề quan trọng hàng đầu là phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu. Chúng ta có nói hay đến mấy, có giải pháp đồng bộ đến mấy mà người đứng đầu không quyết tâm thì cũng khó làm có hiệu quả.

Đồng thời, Trung ương có chủ trương khuyến khích những ai đã trót vướng mắc sai phạm rồi, nếu tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì cho xử lý nhẹ hoặc miễn xử, không phải cứ xử nặng mới là tốt, hoặc cách chức hết tất cả mới là tốt.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) chiều 23/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) chiều 23/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư! Bước sang năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, dư luận đánh giá cao việc đổi mới quá trình ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Xin Tổng Bí thư cho biết cần lưu ý vấn đề gì để sớm hiện thực hóa Nghị quyết của Đại hội?

***

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Như tôi đã nói nhiều lần, không phải Đại hội bế mạc là coi như xong. Đây mới chỉ là bước mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Đại hội. Cho nên, việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết là rất hệ trọng, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nhiệm kỳ này thể hiện nhiều điểm mới về tư duy, giải pháp thực hiện, không chỉ định hướng cho 5 năm tới mà mang tầm nhìn xa hơn.

Nếu như năm 2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đổi mới việc ban hành và tổ chức các hội nghị toàn quốc để quán triệt, thực hiện Nghị quyết theo ngành, lĩnh vực thì năm nay Bộ Chính trị ban hành và tổ chức các hội nghị toàn quốc quán triệt, thực hiện các nghị quyết về xây dựng và phát triển sáu Vùng trong cả nước: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, nhiều nội dung mới, giải pháp mới với mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, đánh giá đúng vị trí, tiềm năng để khai thác cao nhất thế mạnh của từng địa phương, từng vùng trong điều kiện mới, đồng thời tăng cường sự liên kết giữa các vùng; không chỉ tạo nên lợi thế cao hơn mà còn bảo đảm sự liên thông đồng bộ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong cả nước, như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Khâu tổ chức thực hiện mà kém, nghị quyết không vào cuộc sống được thì có hay đến mấy cũng vô nghĩa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ở đây, xin lưu ý một điểm là việc tổ chức thực hiện nghị quyết lâu nay vẫn được cho là khâu yếu. Tôi hay nói vui “Rằng hay thì thật là hay/Xem ra thực hiện còn gay trăm bề”. Khâu tổ chức thực hiện mà kém, nghị quyết không vào cuộc sống được thì có hay đến mấy cũng vô nghĩa.

Sau khi nghị quyết được quán triệt, các cấp ủy phải xây dựng chương trình hành động cho cả nhiệm kỳ, kế hoạch, mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng năm; phân công, phân nhiệm rõ ràng và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; khi cần thiết do những biến động khách quan thì có thể điều chỉnh mục tiêu, giải pháp cho phù hợp với tình hình cụ thể; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, quyết liệt nhưng chắc chắn, không nóng vội. Việc triển khai thực hiện phải đồng bộ, liên thông giữa các nghị quyết, liên kết các vùng, ngành, bảo đảm “dọc ngang thông suốt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII. Ảnh: DUY LINH

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII. Ảnh: DUY LINH

Phóng viên: Nhân dịp đón Xuân mới Quý Mão-2023, Tổng Bí thư có gửi gắm điều gì đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước và người Việt Nam ta ở nước ngoài?

***

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong tình hình quốc tế và trong nước bên cạnh thời cơ thuận lợi, nhưng cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán. Trong bối cảnh đó, tôi tin tưởng và mong rằng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy những thành quả đã đạt được trong hai năm qua, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhân dịp đón Xuân mới Quý Mão-2023, tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước và người Việt Nam ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế lời chúc một năm dồi dào sức khỏe, thành đạt, có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Năm mới thắng lợi mới, mọi việc hanh thông!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư đã dành cho Báo cuộc phỏng vấn đầu Xuân. Những người làm Báo Nhân Dân kính chúc Tổng Bí thư luôn mạnh khỏe, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII đề ra.

Ngày xuất bản: 10/1/2023
Thực hiện: BẮC VĂN
Trình bày: SONG THU
Ảnh: ĐĂNG KHOA