Nghị quyết của khát vọng!

Thành phố Hồ Chí Minh đã hồi phục mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Ảnh: MẠNH HẢO

Thành phố Hồ Chí Minh đã hồi phục mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Ảnh: MẠNH HẢO

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị Khóa XIII về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24) mở ra cơ hội mới cho vùng đất Đông Nam Bộ phát triển. Một lần nữa, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được trao sứ mệnh đóng vai trò là hạt nhân, tạo động lực bứt phá cho cả vùng.

Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế. Với vị trí thuận lợi đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tạo sức hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư, là đầu mối giao lưu, đồng thời có sức lan tỏa đến cả vùng Đông Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện đường vành đai 3, một dự án quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện về hạ tầng giao thông, giải tỏa nút thắt vốn tồn tại lâu nay, từ đó giúp thành phố và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam kết nối giao thương một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Nói về dự án mang tính chiến lược này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang chạy nước rút để thực hiện dự án. Đường vành đai 3 khi hoàn thành sẽ mở ra một không gian mới, động lực phát triển mới cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Từ nhiều năm qua, với vai trò là đầu tàu, động lực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2016-2020 kinh tế vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng bình quân 5,51%/năm, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp 3,48 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng, các địa phương còn lại đóng góp 2,03 điểm. Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng 56% GRDP, chiếm 54% thu ngân sách, chiếm 42,9% kim ngạch xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh, đóng vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng ở nhiều ngành quan trọng, gồm công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm buôn bán, logistics…

Với vai trò trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh có những đóng góp quan trọng cho phát triển vùng, bao gồm cung cấp các sản phẩm dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp trong vùng…

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh có sức hút và sức lan tỏa lớn về đầu tư vào thành phố và đầu tư của thành phố ra vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước. Đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dự án có vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp thành phố đã đẩy mạnh đầu tư ra các tỉnh trong vùng, góp phần quan trọng vào phát triển của vùng và các địa phương trong cả nước, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu.

Đoàn khảo sát Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát thực địa Dự án Vành đai 3 tại điểm giao cắt với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Ảnh: QUÝ HIỀN

Đoàn khảo sát Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát thực địa Dự án Vành đai 3 tại điểm giao cắt với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Ảnh: QUÝ HIỀN

Các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực hành chính công được trưng bày tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: KHÁNH TRÌNH

Các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực hành chính công được trưng bày tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: KHÁNH TRÌNH

Công nhân Công ty may Nhà Bè trong giờ làm việc. Ảnh: QUANG QUÝ

Công nhân Công ty may Nhà Bè trong giờ làm việc. Ảnh: QUANG QUÝ

Thu hút FDI 2022
Infogram

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Công nhân thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Công nhân thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh vắng lặng trong những ngày giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: HẢI AN

Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh vắng lặng trong những ngày giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: HẢI AN

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn và thách thức lớn.

Nghị quyết 24 đã chỉ ra rằng, phát triển của vùng Đông Nam Bộ chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế vốn có. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Hạ tầng giao thông, kết nối giữa các địa phương trong vùng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến phát triển của vùng.

Khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng các tình huống dịch bệnh bất thường. Phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa như kỳ vọng, mục tiêu đặt ra. Một trong những nguyên nhân đó là sự tăng trưởng chậm lại của Thành phố Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cả vùng.

Những nút thắt, điểm nghẽn tồn tại trong nhiều năm qua vẫn chưa được thành phố tháo gỡ một cách triệt để. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, chậm được khắc phục…

Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư năm 2021 đã đẩy thành phố rơi vào khó khăn chưa từng có, lần đầu kinh tế thành phố tăng trưởng âm, mọi hoạt động văn hóa-xã hội dường như đều phải dừng lại… Vai trò đầu tàu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của thành phố đối với vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước giai đoạn gần đây có dấu hiệu chững lại...

Năm 2022 vừa kết thúc. Đại dịch Covid-19 đã không còn là nỗi ám ảnh đối với mỗi người dân thành phố. Và cũng chính trong năm 2022, cả nước đã thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh về mọi mặt, một thành phố trẻ, tràn đầy sức sống đã trở lại và vững chắc hơn.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng phục hồi, các hoạt động du lịch, văn hóa-xã hội đã nhộn nhịp, sôi động như xưa. Thành phố đã biết phát huy sức mạnh nội lực, tiếp tục là đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và của cả nước.

Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 24 đặt ra. Đó là, đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Phấn đấu đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

Khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Để khát vọng ấy trở thành hiện thực, Thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thời gian qua, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình và nhất là phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển của mình đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Trong chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thành phố Hồ Chí Minh vào đúng ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/2022, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại những truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của Thành phố mang tên Bác.

Đó là “một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới, được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế nể trọng”. Một thành phố có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, anh hùng, vẻ vang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn biết phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, đoàn kết, sáng tạo, để vượt qua thử thách, thực hiện được khát vọng bay cao, bay xa, cùng với đất nước, cùng với dân tộc, xứng danh là Thành phố “rực rỡ tên vàng”.

Thành phố Hồ Chí Minh đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết 24 ra đời đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho khát vọng vươn xa của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Ngày xuất bản: 10/1/2023
Nội dung: Võ Mạnh Hảo
Trình bày: Trung Hưng
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN