Cầu Hiền Lương - ngày ván thơm gỗ mới

Mừng Tết Quý Mão 2023 nhớ Tết Quý Sửu 1973. Trong nửa thế kỷ đã qua, đời ai chẳng có bao câu chuyện về thời cuộc hoặc riêng tư, riêng tôi muốn sẻ chia với bạn đọc đôi điều ghi chép vội trên đường về quê, khi cho xe lăn bánh qua cầu Hiền Lương trong đêm Ông Táo chuẩn bị về trời.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Hiền Lương trở thành chứng tích lịch sử của hơn 20 năm chia cắt hai miền Bắc-Nam. Ảnh tư liệu
Cầu Hiền Lương trở thành chứng tích lịch sử của hơn 20 năm chia cắt hai miền Bắc-Nam. Ảnh tư liệu

Ngày 28/1/1973, đúng 7 giờ sáng giờ Hà Nội (8 giờ sáng giờ Sài Gòn, theo lịch hồi đó), Hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Điều kiện chủ chốt về nội dung Hiệp định là quân đội Hoa Kỳ phải rút hết khỏi Việt Nam trong thời gian nhất định. Tết Nguyên đán Quý Sửu đã cận kề. Vợ chồng ông Táo sắp xếp khăn gói về trời. Trước thời điểm đó, trong ánh bình minh chúng tôi đã có mặt ở đầu cầu phía bắc sông Hiền Lương dự lễ long trọng thượng cờ. Người được vinh hạnh tự tay kéo lá cờ Tổ quốc lên ngọn cột là Phạm Văn Hỷ, người xã Vũ Anh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Anh được chọn trong số những chiến sĩ công an xuất sắc nhất những ngày vừa qua. Hai chiến sĩ đứng nghiêm trang hai bên cột cờ đưa bàn tay lên chào, là Nguyễn Tân quê Nghệ An và Hà Đức Trị người Thanh Hóa.

Vào thời điểm yên bình đó, ít ra cũng là yên bình trên giấy, đúng 7 giờ sáng chiếc xe dã chiến chở Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sĩ Thản từ từ lăn bánh từ bờ bắc sông Bến Hải thận trọng xuống chiếc cầu phao công binh ta vừa mới bắc đêm qua trong âm vang tiếng đạn bom không hề ngưng nghỉ từ phía Cửa Việt vọng về cùng những tia ánh sáng lóe trên bầu trời, dù về lý thuyết, những đêm cuối năm bao giờ trời cũng tối đen như mực.

Chiếc xe chở tôi đi với tư cách phái viên báo Nhân Dân từ Hà Nội vào luôn bám sát xe đồng chí Bí thư. Trên xe chỉ có ba người, hai phóng viên và anh lái. Lái xe Nguyễn Văn Bân, vốn là chiến sĩ Trường Sơn vừa chuyển ngũ, cho chiếc xe mình cẩn thận lăn bánh khớp với dấu chiếc xe đi trước. Tôi càng có cảm giác bập bềnh vui buồn chen lấn, khi mặt cầu phao được lát những tấm ván mới xẻ từ cây rừng Trường Sơn, lúc hơi bồng lên, lúc trầm hẳn xuống. Tôi ngồi trên xe cạnh anh lái, cứ tưởng như trái tim mình lúc này cũng bổng trầm, sắp loạn nhịp tới nơi...

... Xe qua khỏi cầu tôi hào hứng nói với hai bạn cùng đi: “Đây là đất Quảng Trị mình đấy nhé, đi ít nữa sẽ tới làng Thượng Xá nơi cậu này mở mắt chào đời, các bạn hãy nhớ giúp cho”. Hào hứng thì bốc đồng vậy, chứ vào thời điểm này phía từ bờ nam sông Thạch Hãn, ít nhất là từ quốc lộ 1 về phía đồng bằng, phần phía nam tỉnh vẫn đang bị quân đội Sài Gòn kiểm soát.

Trong cuốn sổ tay chép vội, khi người viết đang ngồi trên chiếc xe từ bờ sông Bến Hải lăn bánh vào nam, có đoạn: Dốc Miếu: Tảng sáng hôm nay, trời bỗng đổ cơn mưa rào. Trận mưa bất thường. Và cũng ngắn thôi nhưng nước đổ rào rào. Nước mưa tuôn như nước suối rửa bớt bùn đất trên mặt đường quốc lộ vốn được tráng bê-tông, nhưng lại làm trơn trượt hơn những con đường đất đỏ, càng khó đi đối với những người dân quê ở sát bờ nam sông Hiền Lương vừa tạm lánh ra bắc chưa lâu nhằm né tránh bom đạn nay vội vã đua nhau trở về...

...Những lá cờ sao vàng trên nền hai mầu đỏ, xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam từ đâu bỗng đua nhau mọc lên khắp nơi. Mọc trên nóc các căn hầm chữ A, mọc trên mái những túp lều xơ xác không hiểu nhờ đâu vẫn sót lại qua bao trận đạn bom, cờ ở đầu nóc những chiếc xe vận tải, cờ cắm ở tay lái những chiếc xe gắn máy nhãn hiệu Honda. Tôi ngoái nhìn lại phía bờ bắc sông Bến Hải, thấy lá cờ đỏ sao vàng rộng hơn cả mái căn nhà vừa được kéo lên lúc nãy trước đồn công an giới tuyến vẫn tung bay trước gió lộng thổi vào từ Biển Đông. Ở phía bờ nam sông Hiền Lương, cờ của Mặt trận cũng đã kéo lên. Lá cờ có nhỏ hơn, cột cờ có thấp hơn so với lá cờ đỏ sao vàng bên bờ bắc, do lúc này chưa có đủ thời gian, cái chính là chẳng biết tìm đâu ra vật liệu tại chỗ để dựng lên lá cờ đúng với tầm cỡ ước mong của mọi người...

... Xe chúng tôi đã vượt qua được chặng đường hẹp và đầy bùn đất ngang, qua dải đất bằng xưa vốn là đồng lúa, nay mọc toàn lác cỏ xác xơ, từ từ lăn bánh leo dốc lên cồn Dốc Miếu. Nơi đây có một cái đồn chốt Phòng tuyến McNamara của quân đội Mỹ, mà họ vẫn vênh váo khoe là “bất khả xâm phạm”.

Người đầu tiên tôi gặp trước đồn là một cô dân quân. Cô đang ôm súng đứng gác, thản nhiên như đêm hôm qua không có chuyện gì xảy ra. Cô được giao nhiệm vụ ngăn bất kỳ ai định vào sâu bên trong phòng tuyến lúc này vẫn đầy rẫy bom mìn hiển hiện và vô hình, nhằm bảo toàn tính mạng họ. Thì vẫn nằm chình ình ra kia một chiếc xe tăng hiện đại của Mỹ trong tư thế đổ nghiêng, lớp thép bên ngoài bắt đầu hoen gỉ. Cỗ chiến xa bất khả bại mà người Mỹ vẫn khoe khoang bị pháo binh ta bắn gục, chẳng rõ trong một trận chiến nào.

Ngã tư Sòng. Một lối rẽ vào khu dân cư từ con đường thiên lý, cùng hình ảnh những quang gánh đầy hai thúng bún của các bà làm nghề đi bán bún Sòng vào những ngày mùa gặt hái ở quê tôi. Vẫn ngồi trên xe, tôi hơi vươn người cúi xuống hỏi một bác dân quê già đang vã mồ hôi ướt đẫm vầng trán nhăn nheo. Bác đang cùng đội dân quân sửa con đường quốc lộ: “Đây là nơi đâu thưa bác?” - “Ngã tư Sòng. Xe mấy eeng đã qua Ngã tư Sòng rồi đó”.

Chao, Ngã tư Sòng! Nơi những người dân chuyên nghề làm bún gạo, loại bún nức tiếng dẻo ngon ở Quảng Trị quê tôi thời nào. Muốn dùng bữa bún ngon, phải tìm mua bằng được bún làng Sòng. Từ nhỏ tôi đã nghe các bà hàng xóm nhà tôi chuyện trò như vậy. Và lẽ đương nhiên cậu bé này từng được mẹ nhiều lần cho ăn bát bún Sòng ngập trong nước riêu cua hoặc đơn giản hơn, chấm với tí nước lèo đậm đà mặn ngọt.

Vậy là làng An Xuân quê nội nhà thơ Chế Lan Viên ở gần đâu đây. Nhà thơ vẫn kể cho chúng tôi nghe, hồi anh dạy học ở Huế, mỗi lần đáp xe lửa ra ga Đông Hà thăm mẹ, bà vẫn chạy vội sang làng Sòng mua rổ bún về đãi cậu con trai...

... “Sự tàn phá của chiến tranh không đâu giống đâu” - một nhà văn Xô viết đã viết câu ấy. Tôi được đọc lâu rồi giờ bỗng hiện lên vẹn nguyên trong ký ức. Tại truyện ngắn nhan đề Paris kèm dòng phụ đề “gửi cô em họ”, tác giả Nguyễn Ái Quốc từng miêu tả hậu quả cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất qua dáng mấy bác công nhân già còng lưng xếp hàng chờ nhận những bát cháo từ thiện. Các bác mất việc đã từ lâu và vẫn đang gánh chịu hệ quả của chiến tranh. “Đạn nó không có quốc tịch”, lời Nguyễn Ái Quốc.

... Sốt ruột, tôi muốn vào luôn thị trấn Đông Hà. Không ngờ gặp cây cầu đổ sụp, chắc vừa dính bom Mỹ. Anh Hồ Sĩ Thản cho xe rẽ trái, về huyện Triệu Phong nơi tình hình đang nóng, chỉ đạo. Xe tôi theo con đường men sông ngược lên Cầu Đuồi. Gọi là cầu nhưng thực tế lúc này chỉ là một con đập tràn chắn ngang sông, nước dâng cao do trận mưa bất thường đêm qua tại thượng du. Một đoàn xe tải chở đầy “hàng hóa” xếp hàng nối đuôi chờ đến lượt qua đập, từ đây sẽ ngược lên ngã ba nơi nối quốc lộ 9 với đường mòn Hồ Chí Minh leo dọc Trường Sơn chạy tiếp vào nam. Anh em ưu ái cho chiếc xe con của các nhà báo chen ngang, lại còn giúp anh lái đưa chiếc xe nhỏ qua đập lúc lũ đang dâng đầy khó khăn nguy hiểm. Lên khỏi bến sông, xe chúng tôi quẹo trái về Đông Hà lúc này là một mớ hoang tàn.

Cuộc phỏng vấn đầu tiên tại chiến trường... Cho dù sốt ruột muốn đi nhanh hơn nữa vào nam, là phóng viên báo Nhân Dân chúng tôi không thể ngang qua đây mà không ghé làng Hà Thanh kề bên quốc lộ 1 gặp và phỏng vấn cụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị.

Cụ Chủ tịch Lê San sáng hôm nay làm việc trong căn hầm nửa nổi nửa chìm khá thông khoáng và sạch sẽ nhờ có những tấm ván dày nhãn hiệu USA ngăn bớt bụi từ các đồi đất đỏ gần đấy. Vóc cụ hơi thấp, dáng người cụ đậm, nghe nói cụ đã vượt quá tuổi sáu mươi mà vẫn mạnh khỏe. Cụ thoáng chút bất ngờ nhưng sẵn sàng trả lời phỏng vấn (tôi có ghi đầy đủ vào sổ tay phóng viên).

Bữa tiệc chia tay gồm có ba người. Chuyến đi công tác mới một tuần mà đã bộn bề sự kiện. Hai anh bạn cùng đi với tôi đành đưa chiếc xe dã chiến trở về Hà Nội “đại tu”. Nghe nói xe bị gãy một bộ phận nào đó ở gầm xe. Anh bạn phóng viên cặm cụi viết bài. Riêng mình tôi vinh hạnh được cấp trên cho “biệt phái”, ở lại làm việc như một cán bộ tỉnh nhà trong thời hạn ba tháng. Nhờ vậy tôi cũng thăm thú được nhiều nơi, viết được khá nhiều bài đăng các báo.

***

Trước khi về hẳn Hà Nội, tôi được Ủy ban nhân dân tỉnh mở tiệc chiêu đãi. Dự bữa tiệc tối vẻn vẹn ba người. Ngoài vị khách, có ông Chủ tịch tỉnh trẻ (thay cụ Lê San) và ông Phó Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh. Tiệc bày trên mặt chiếc bàn làm việc vừa khiêng từ nhà ra sân, bởi trong nhà cây đèn dầu hỏa tù mù quá.

Ngoài món ăn thường ngày là vài bát cơm với bát canh nổi lềnh bềnh mấy viên xúc xích xén từ các hộp thực phẩm quân dụng nấu với nước sôi pha chút nước mắm nêm sản xuất tại chỗ, tối hôm nay chúng tôi còn có một bát ngọn rau khoai lang tươi hái ở vườn nhà, luộc chấm tương đậu đà làm bằng loại đỗ nâu phổ biến ở quê tôi, cùng một đĩa có con cá sông, bên trên vắt ngang mấy cọng hành xanh tươi rói. Bác cấp dưỡng được Văn phòng Ủy ban chi khoản tiền “đặc biệt” vừa chạy vội ra chợ mua về đãi “khách trung ương”.

Trên đây mới kể vài ba mẩu chuyện về Tết Quý Sửu 1973, mà bài viết đã dài, e vượt quá mốc quy định dành cho số báo đặc biệt đón Tết mừng Xuân. Tết Quý Mão sắp đến!