Nhâm Dần để lại trong mỗi chúng ta nỗi niềm buồn vui lẫn lộn. “Buồn” vì chúng ta không tránh khỏi muôn vàn thách thức do đại dịch Covid-19, thiên tai nặng nề cũng như cuộc tranh hùng giữa các nước lớn gây ra. “Vui” vì chúng ta đã ứng phó tương đối thành công với cao trào dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương, nhất là những thành phố và địa phương quy tụ đông người; bất chấp những rối ren chính trị, an ninh truyền thống và phi truyền thống lan tỏa khắp thế gian, kinh tế nước ta vẫn trụ vững và trở thành điểm sáng được cả thiên hạ đánh giá cao. Thành tích đáng tự hào ấy là minh chứng hùng hồn về vị thế mới, tầm vóc mới của Việt Nam trong một thế giới lắm sự nhiễu nhương.
Cả hai mặt “thuận” và “nghịch” trong năm Nhâm Dần ít nhiều đều liên quan tới vị thế của đất nước trong công cuộc hội nhập toàn diện với thế giới đương đại. Thật vậy, về kinh tế Việt Nam nổi tiếng là quốc gia mở cửa hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất-nhập khẩu gấp đôi GDP, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp trên dưới 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu! Về chính trị, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên hoàn cầu, trong đó quan hệ “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” được thiết lập với hơn ba chục nước; Việt Nam luôn nổi lên như một thành viên tích cực, chủ động, đầy trách nhiệm trong nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, ASEM... Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, đã hai lần nước ta được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, và năm 2022, một lần nữa cái tên Việt Nam lại được xướng lên là thành viên Hội đồng Nhân quyền và lần đầu Việt Nam ngồi ghế Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tới những tháng cuối năm, hoạt động đối ngoại của nước ta diễn ra hết sức sôi động với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh ngay sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ “núi liền núi, sông liền sông” giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc; quan hệ Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia vốn rất bền chặt nay càng phong phú hơn; quan hệ với các thành viên ASEAN cũng như APEC được nâng lên bậc thang mới qua các hội nghị cấp cao cũng như các cuộc thăm viếng song phương; mối bang giao với bạn bè xa về địa lý như CHLB Đức, New Zealand, Uganda… gần nhau hơn. Những diễn biến trên càng nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên hoàn cầu.
Nắm bắt những biến động trong thế giới đương đại, nước ta đã chủ động thúc đẩy sự hợp tác nội khối ASEAN và trên phạm vi toàn cầu trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh, trong đó có chiến dịch “ngoại giao vaccine” đi đôi với sự hợp tác trong công cuộc phục hồi kinh tế. Đồng thời Việt Nam cũng nổi lên như một thành viên đầy khí thế trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tiếng vậy, chúng ta cũng không thể “gối cao ngủ kỹ” vì hệ lụy của Nhâm Dần sẽ đồng hành với chúng ta trong năm tới và những thập niên tiếp theo, vì Quý Mão - năm con mèo là sinh vật giống với con hổ của năm Nhâm Dần. Vậy điều gì sẽ diễn ra trong Quý Mão và cả trong những thập niên tới? Cho dù cục diện thế giới có diễn biến thế nào đi nữa thì chủ yếu vẫn nằm trong dòng chảy những chiều hướng mấy năm gần đây, nhất là năm 2022, dưới những dạng thức được điều chỉnh ở mức độ nhất định. Đây là chuyện hết sức lớn lao và vô cùng rắc rối trong một thế giới đang rung lắc dữ dội. Ở đây chỉ xin mạo muội “đoán mò” đôi ba chuyện sát sườn.
Kinh tế thế giới nói chung và quá trình hội nhập toàn cầu nói riêng đang đối diện với nhiều biến động sâu rộng. Những gì diễn ra trong năm Nhâm Dần không chỉ gây ra những hệ lụy cục bộ và ngắn hạn mà còn kích hoạt mối nguy về một cuộc suy thoái toàn cầu; “con ngựa bất kham lạm phát” không biết có dừng lại hay vẫn phi nước đại; lãi suất, tỷ giá, nợ nần liệu có bớt rối loạn; năng lượng, nguyên liệu, lương thực liệu có đỡ khan hiếm? Đó là chưa kể không ai biết được dịch bệnh có chấm dứt hẳn hay vẫn kéo dài lê thê trong khi thiên tai hung dữ chắc chắn sẽ không buông lưỡi hái tử thần; câu chuyện chống biến đổi khí hậu vẫn là chủ đề thu hút mối lo ngại và sự quan tâm mà Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra dưới chân kim tự tháp ở Ai Cập là một biểu hiện.
Một ẩn số lớn khác là cuộc tranh hùng giữa các “ông lớn” và xung đột ở Ukraine lúc nào chấm dứt, hoặc chí ít sẽ dịu đi hay sẽ đẩy thế giới vào thảm họa chiến tranh? Xem ra các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ, tiếp tục hục hặc với nhau song đã tìm cách “quản lý cạnh tranh để không vượt khỏi sự kiểm soát”. Điều đó cho thấy mức độ tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, kể cả giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là cái phanh kìm bớt sự cạnh tranh quá đà.
Dù sao đi nữa Quý Mão chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến tiến trình tái cấu trúc toàn diện, cả về kinh tế-tài chính tiền tệ lẫn các chuỗi sản xuất và cung ứng, cũng như giữa các quốc gia, khu vực: Có những tổ chức đa phương mất đi sức sống hay thậm chí biến mất không kèn không trống, trong khi không ít thể chế mới đã và sẽ xuất hiện; nhiều “luật chơi” được điều chỉnh; chủ nghĩa dân tộc, chủ trương hướng nội gia tăng; chủ nghĩa quốc tế hay xu thế toàn cầu hóa đứng trước những thách thức lớn, thậm chí có nguy cơ bị phân mảnh; hòa bình và hợp tác phát triển đứng trước những mối đe dọa không thể xem thường.
Có vẻ như những diễn biến trên thế giới trái chiều nhiều hơn là thuận chiều. Thực trạng đáng buồn ấy đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận mới ngõ hầu giữ vững vị thế và tầm vóc đã tạo dựng được. Yêu cầu phòng ngừa từ sớm từ xa những mối đe dọa tiềm ẩn trở nên rất cấp bách; hơn lúc nào hết lời dạy của Bác Hồ “lấy sức ta giải phóng cho ta”, “phải trông ở thực lực” cần biến thành chính sách và hành động cụ thể, nhất là phải được tiến hành rốt ráo.
Điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với chủ trương đóng cửa và rời bỏ chủ trương hội nhập quốc tế. Vấn đề chỉ là căn chỉnh phương cách hành xử sao cho ăn khớp với cục diện đã thay đổi mạnh mẽ để giữ vững lợi ích quốc gia-dân tộc, xác lập vị thế thích hợp trong quan hệ quốc tế nói chung và trong các chuỗi sản xuất nói riêng, tranh thủ thuận lợi tối đa phục vụ công cuộc hiện thực hóa giấc mơ về một nước phát triển có thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.