Phát huy nội lực, khẳng định vị thế quốc gia

Đất nước vừa đi qua một giai đoạn gian khó. Sau hai năm các cấp, ngành, địa phương và toàn dân vào cuộc, dồn sức chống đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022, chúng ta thực hiện cách tiếp cận thích ứng an toàn, linh hoạt, phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo để ổn định đất nước, đẩy mạnh hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Phát huy nội lực, khẳng định vị thế quốc gia

Dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, sự đồng hành, giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của toàn hệ thống, chúng ta giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Một điểm nhấn nổi bật là việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ qua cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực quyết liệt, bài bản, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Từ đầu năm, một số vụ án được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không ít cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Tương tự, “trên nóng, dưới ấm dần lên”, nhiều cán bộ tại các địa phương cũng được cho thôi giữ chức vụ, chuyển vị trí công tác khác, do làm trái, làm sai, thiếu nêu gương, thiếu trách nhiệm...

Có sự việc rất đau xót, nhưng chúng ta buộc phải làm vì sự nghiêm minh, để ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe và vì sự lớn mạnh của Đảng. Nhờ vậy, tham nhũng được kiềm chế, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đi qua 12 tháng, kinh tế nước ta phục hồi ở nhiều lĩnh vực, trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao như các năm trước đại dịch. Tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 8%, vượt cao so với dự kiến. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Các tổ chức quốc tế đều nhận xét lạc quan, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”, nhận định khả năng chống chịu của nền kinh tế là khá tốt…

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, nhận thức về trụ cột này có chuyển biến tích cực, lĩnh vực văn hóa được chú trọng đầu tư phát triển. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn, đặc biệt là SEA Games 31 được tổ chức rất thành công. Cùng đó, các chủ trương, chính sách xã hội lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, được triển khai thực hiện kịp thời, được người dân thấu hiểu, đồng tình, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việc Việt Nam lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là ghi nhận của cộng đồng quốc tế về chính sách, nỗ lực của Việt Nam, khẳng định thành tựu của nước ta trong thực hiện quyền làm chủ của người dân, tôn trọng và bảo đảm quyền con người…

Khép lại một năm đầy gian lao nhưng rất đỗi tự hào, chúng ta nhớ tới lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Quả vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, thế và lực của ta ngày một tăng cường, bạn bè thế giới đánh giá Việt Nam là đất nước có kinh tế-văn hóa phát triển, chính trị-xã hội ổn định, có triển vọng xán lạn...

Năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn hơn thuận lợi, song chính thành tựu đạt được là nền tảng, động lực để chúng ta kiến tạo nên kỳ tích mới. Trong quá trình phát triển, việc phát huy nội lực; bảo đảm ổn định chính trị; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; đề cao giá trị văn hóa, bản lĩnh con người Việt Nam, vai trò xung kích của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, và giai cấp công nhân hiện đại,… sẽ là những điểm cần chú trọng.

Bước sang năm mới Quý Mão, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị nỗ lực, đồng lòng, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định vị thế, vai trò của nước ta trên trường quốc tế.