Năm 2022 ghi dấu ấn trong công tác này với việc tổng kết 10 năm, tính từ khi Đảng ta quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo Trung ương) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước. Những con số khô khan nhưng đủ khẳng định nét nổi bật là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.
Trong 10 năm, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, rõ đến đâu xử lý đến đó. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý dứt điểm, nghiêm khắc, đúng pháp luật, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa, thể hiện rõ xu thế “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong PCTN, tiêu cực.
Tiêu cực là gốc của tham nhũng, muốn chống được tham nhũng phải chống cả tiêu cực. Năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương được bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực. Trong năm 2022, Bộ Chính trị có quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Ban Bí thư có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo Trung ương có hướng dẫn một số nội dung về phòng, chống tiêu cực. Những văn bản này tạo cơ sở pháp lý, chính trị quan trọng để đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, thống nhất và gắn bó chặt chẽ. Các hành vi tiêu cực cũng đã có quy định, chế tài xử lý như hành vi tham nhũng, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thống nhất nhận thức trong triển khai thực hiện.
Theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực ở 63 tỉnh ủy, thành ủy là hành động quyết liệt, mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao của Đảng ta trong công tác PCTN, tiêu cực mà trước hết là việc kiện toàn tổ chức bộ máy. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực có chín nhóm nhiệm vụ, sáu nhóm quyền hạn; trong đó trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng và tin tưởng sự đổi mới này tạo ra những bước tiến quan trọng trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Một nét mới cần ghi nhận là việc cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; tiến hành kiểm tra “cách cấp”, làm rõ, kết luận nhiều vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật, đề nghị kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp cả đương chức và nghỉ hưu, xóa bỏ tư tưởng “hạ cánh an toàn”. Kỷ luật của Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Việc xử lý kỷ luật ba lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước, là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực ngay chính các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan cũng đang gấp rút hoàn thiện các đề án, chuẩn bị trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Cùng với nhiều thay đổi trong công tác PCTN, tiêu cực, Đảng ta đã tăng cường công tác quản lý cán bộ. Ngày 8/9/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 20 Kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Theo đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Những kết quả và dấu ấn quan trọng trong công tác PCTN, tiêu cực năm 2022 thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nhất quán của Đảng và hệ thống chính trị trong công tác PCTN, tiêu cực. Chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, công cuộc PCTN, tiêu cực đã tạo ra được sức mạnh lòng dân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời, bác bỏ mạnh mẽ nhiều luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, chống đối. PCTN, tiêu cực là cuộc chiến lâu dài, cần tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ, chính xác, hiệu quả của hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cần được quán triệt và triển khai có hiệu quả. Đó là, làm mạnh mẽ hơn nữa, bài bản hơn nữa, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, không để “chững lại hay chùng xuống”, nhất là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Xác định sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo cần nhanh hơn, khẩn trương hơn, xử lý dứt điểm, phân hóa, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể trong từng trường hợp cụ thể để quyết định các biện pháp xử lý hành chính, hình sự hoặc xử lý khác cho phù hợp, bảo đảm “thấu tình, đạt lý”, “tâm phục, khẩu phục”, “rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn”, nhằm “giáo dục cảnh tỉnh”, “răn đe, phòng ngừa sai phạm”, làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, có mục đích vụ lợi.