Trận chiến không lùi, một năm “lịch sử”

Ngày 20/1/2022 đã là ngày 18 tháng Chạp năm Tân Sửu. Chẳng mấy ngày nữa là Giao thừa. Tết năm con Hổ đến muộn. Nhưng đó lại là Tết đáng nhớ với Thiếu tá Phạm Văn Hảo -“27 Tết, anh em còn bề bộn hồ sơ Việt Á, 28 Tết vẫn triệu tập các đối tượng!... Anh còn nhớ năm ngoái, Người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô nói: “Bộ Công an làm xuyên Tết để điều tra vụ Việt Á không?”- Điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án thuộc Phòng 9-Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an-C03 kể lại.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng khám xét trụ sở Công ty AIC. Nguồn: Vietnam+
Cơ quan chức năng khám xét trụ sở Công ty AIC. Nguồn: Vietnam+

Đúng ngày 18 tháng Chạp đó, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) họp phiên thứ 21! Áp Tết mà Trung ương họp “xóc sổ” chuyện đánh tham nhũng và bàn kế hoạch cho năm mới, thật đáng nhớ! Chống-giữ chắc cũng chính là để xây bền vững. Bóng đá hiệu quả là hàng thủ phải bảo vệ được thành quả của hàng công, của tập thể, không để rơi rụng, mất mát. Phòng, chống tham nhũng không chỉ là cảnh báo, kỷ luật, bỏ tù! Sâu xa hơn là chặt đứt động cơ tham nhũng: Bảo vệ thành quả tích lũy dựng xây đất nước; thu hồi tài sản tham nhũng… Dư luận nức lòng khi thấy sai phạm tại Bộ Công thương và Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn; Nhật Cường; Phan Văn Anh Vũ; Ethanol Phú Thọ và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; Vụ án xảy ra tại Dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Đường cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng; Tân Thuận-Công ty Sadeco; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn... đã được gọi tên trong 10 vụ án trọng điểm do Ban Chỉ đạo xử lý đưa ra xét xử.

Hành trang năm Trâu bàn giao cho năm Hổ là cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã “tổng tiến công”, khởi tố mới án tham nhũng. Hành trang thế và lực cho năm 2022, tiếp tục là sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, cán bộ, đảng viên trong chống giặc “nội xâm”: kỷ luật đảng đi trước; đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, bất kể người sai phạm là ai; hoàn thiện thể chế “không thể tham nhũng”; rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đất đai, tài chính, tài sản công... Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi kết luận kỳ họp 21 nhấn mạnh “tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc, truy tố 20 vụ án, xét xử sơ thẩm 20 vụ, phúc thẩm 1 vụ. Nhất là tập trung chỉ đạo vụ Việt Á và vụ việc liên quan y tế; vụ việc ở Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai...”.

Phát pháo lệnh đã nổ! Ngày 3/12/2021 tiếp cận hồ sơ, đến ngày 9/12/2021, “trận đánh Việt Á” mở màn! Chấn động dư luận khi C03 chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ đồng loạt khám xét 19 địa điểm tại Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, triệu tập hơn 30 đối tượng; tiếp đó khởi tố, bắt giam Phan Quốc Việt và các đồng phạm. Ngày 29/12/2021,Việt Á được bổ sung ngay vào danh sách đại án do Ban Chỉ đạo xử lý “Quá đau xót! Nhiều cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự đảng của bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý! Lãnh đạo chỉ huy luôn nhắc anh em tuân thủ pháp luật, nỗ lực phá án, bảo vệ mình trước những viên đạn bọc đường” - Lãnh đạo C03 cho biết, đến nay đã khởi tố 29 bị can, 24 địa phương đã khởi tố 27 vụ án với 68 bị can trong vụ Việt Á.

Lần lượt, hàng loạt các ung nhọt kinh tế-xã hội đã lên bàn giải phẫu! Ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra- A09 Bộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” tại Bộ Ngoại giao, khởi tố, bắt tạm giam Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Ngày 29/3, C01 khởi tố, bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC vì tội thao túng chứng khoán; Ngày 5/4, C03 khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng vì phát hành trái phiếu trái quy định; Ngày 29/4, C03 khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; tiếp đó, ngày 10/5, C03 ra lệnh truy nã do đối tượng đã bỏ trốn. Sau bảy tháng, đã kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát truy tố 36 bị can. Ngày 7/10, C03 khởi tố vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, bắt tạm giam Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát;...

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc dính chàm với Việt Á; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh này Đinh Quốc Thái “ngã ngựa” vì AIC, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng... bị bắt vì “chuyến bay giải cứu”. Sức công phá khủng khiếp của “đạn bọc đường” đã khiến một số cá biệt cán bộ công an nhận hối lộ bị khởi tố. Từ tháng 12/2021 đến tháng 11/2022 lực lượng CSKT trên toàn quốc đã thụ lý 6.247 vụ án, 7.811 bị can; khởi tố mới 3.927 vụ với 5.058 bị can; trong đó riêng C03 thụ lý điều tra 62 vụ với 647 bị can; khởi tố mới 19 vụ với 260 bị can. Số vụ việc “phơi sáng” cho thấy cuộc chiến cam go, gian khổ và cả nỗ lực, cường độ làm việc của các cơ quan chức năng, trong đó ngành công an đóng vai trò “thanh gươm” sắc bén. Không phải không có lúc dư luận băn khoăn: “Có đánh được không”, “có vùng cấm không”, “sao đánh thế mà vẫn tham nhũng nhiều?” song quyết tâm của Tổng Bí thư, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vai trò kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đã nhằm trúng bức xúc âm ỉ trong xã hội. “Đã có sự chỉ đạo, phối hợp thống nhất giữa Cơ quan điều tra cấp Bộ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đến cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phát hiện, xử lý, điều tra. Thí dụ trong các vụ Việt Á, AIC..., C03 cùng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, từ đó tạo sự công bằng, minh bạch, thống nhất trong xử lý”- Thượng tá

Hồ Hoàng Tuấn, Phó Trưởng phòng 9-C03 cho biết. Tham nhũng trục lợi trong cả dịch bệnh, thảm họa (chuyến bay giải cứu, Việt Á); một vụ án mà phát hiện 150 nhân viên xuất cảnh khỏi Việt Nam, chi lại quả khủng khiếp, tiêu hủy chứng cớ nhiều, có doanh nghiệp thao túng được nhiều cơ quan, thậm chí có lãnh đạo địa phương dùng chính đối tượng vay để “chạy vốn” ngân sách từ trung ương (AIC); điều tra nhiều vụ cho thấy mối quan hệ giữa người có chức quyền với doanh nghiệp “sân sau”. Cuộc đại phẫu để tiếp tục hoàn thiện chính sách về kiểm soát quyền lực nhằm quản trị quốc gia ngày càng hiệu quả; xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng; bảo vệ đất nước, chế độ, củng cố lòng tin của nhân dân.

Trận chiến không lùi, một năm “lịch sử” ảnh 1

Cơ quan chức năng thực hiện khám xét tại CDC Thừa Thiên Huế. Ảnh: Phương Thủy

Nói về “nỗ lực, quyết tâm của Bộ Công an trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng trong năm 2022”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an khẳng định quan điểm: “Nhanh chóng nhận diện đối tượng, lĩnh vực, địa bàn hoạt động, xác định thời điểm đột phá, khâu đột phá, đối tượng đột phá trong đấu tranh” và phương pháp: “Chủ động bản lĩnh xử lý, thu thập đầy đủ chứng cứ, điều tra khám phá tội phạm toàn diện, xác minh kỹ lưỡng, kết luận nhanh chóng, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước”. Các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo liên quan: Chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế...- “đều được xử lý, giải quyết hiệu quả với phương châm: Thượng tôn pháp luật; đúng người, đúng tội; quyết tâm, quyết liệt, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một lĩnh vực, một ngành, tiến tới mục tiêu “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.

Năm con Hổ, các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực địa phương đã đi vào hoạt động với sự kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương và điều đó, theo Thượng tá Hồ Hoàng Tuấn “góp phần giải quyết khó khăn cho Cơ quan điều tra địa phương, bảo đảm không bị gây khó khăn, cản trở, không có vùng cấm, giảm tải cho Cơ quan điều tra cấp Bộ, nâng cao chất lượng, số lượng các vụ việc điều tra, làm rõ”. Trung tá Phạm Việt Hùng, Phó Trưởng phòng 1- C03 cho tôi số liệu: Vụ Việt Á đến tháng 11/2022 đã thu hồi hơn 1.670 tỷ đồng tài sản. Vụ Vạn Thịnh Phát, số liệu kê biên, phong tỏa tạm tính 150 nghìn tỷ đồng. Vụ Tân Hoàng Minh là hơn 4.000 tỷ đồng. Vụ AIC là hơn 1.000 tỷ đồng, vượt nhiều so với ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 152 tỷ đồng, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hơn 172.458 tỷ đồng. Trong đó C03 đã phong tỏa, kê biên, thu hồi hơn 170.000 tỷ đồng, nhiều nhất trong những năm qua… Báo cáo tại hội nghị Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/11/2022 cho biết, 10 tháng năm 2022 riêng các vụ án do Ban Chỉ đạo xử lý, các cơ quan chức năng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa… tài sản có giá trị hơn 160 nghìn tỷ đồng; thu hồi gần 16.000 tỷ đồng (tăng 7.000 tỷ đồng so với năm 2021). Phương châm “trên dưới đồng lòng” đã được lượng hóa, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận: “10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào chỉ đạo xử lý”.

“Vui nhất là được cấp trên tin tưởng giao làm Thư ký những vụ án lớn. Đêm hôm cũng quen rồi! Anh em hầu như không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Gia đình vợ con rất thông cảm!”- Điều tra viên Phạm Văn Hảo cười kể, về phút đời thường của những cán bộ, điều tra viên C03 trên trận tuyến nóng bỏng- “Tết 2021 làm vụ Nhật Cường. Tết 2022 làm vụ Việt Á. Lúc nào chúng tôi cũng chuẩn bị phương án, có lệnh là sẵn sàng!”.

Thêm một cái Tết nữa đang về, trong hy vọng, dự cảm và quyết tâm của những người lính bảo vệ công lý, bảo vệ những điều tốt đẹp và bình yên trong cuộc sống.