Trường tồn bản lĩnh Việt

Nói về bản lĩnh của dân tộc Việt Nam, Vua Trần Nhân Tông đã viết hai câu thơ trác tuyệt mà cô đọng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non sông ngàn thuở vững âu vàng).

Nghệ sĩ Nhà hát tuồng Việt Nam diễn cảnh Vua Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán.Ảnh: SONG ANH
Nghệ sĩ Nhà hát tuồng Việt Nam diễn cảnh Vua Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán.Ảnh: SONG ANH

Đó là vào ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (18/4/1288), Vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông về Chiêu Lăng ở Long Hưng (nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để viếng mộ ông nội là Vua Trần Thái Tông. Trước đó 9 ngày, quân dân Đại Việt vừa làm nên chiến thắng Bạch Đằng. Vì thế, hai vua Trần cũng cho dẫn giải các tướng giặc Nguyên Mông bị bắt sống, có cả Nguyên soái Ô Mã Nhi về làm lễ dâng thắng trận trước mộ Trần Thái Tông (Đại Việt sử ký toàn thư).

Giữ vững được âu vàng (biểu tượng của tồn vong quốc gia), thì phải có ý chí quật cường mới thắng được quân xâm lược. Chiến tranh khốc liệt đến nỗi quân Nguyên Mông tràn về Long Hưng đập phá mộ của vua đầu triều Trần, làm cho tượng ngựa đá cũng bị hủy hoại. Chính sự quật cường đã thể hiện bản lĩnh của quân dân Đại Việt.

Đã ba lần, vua tôi nhà Trần phải bỏ cả Thăng Long mà chạy giặc, thậm chí không kịp mang theo ấn vàng. Nhưng cũng cả ba lần chống quân Nguyên Mông thắng lợi, lại trở về Thăng Long mở ra một thời “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước”, “thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng” (Đại Việt sử ký toàn thư). Thăng Long hồi phục từ đống tro tàn, sau chiến thắng đã hồi sinh mạnh mẽ.

Trong kháng chiến, thế nước chông chênh, em ruột của vua là Thái úy Nhật Hiệu còn phải khuyên nhập Tống, mất nước nhưng còn giữ được dòng tộc. Nhưng lúc đó, có Trần Thủ Độ quyết đánh: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”. Có lúc, giặc Nguyên Mông sau ba lần bại trận, định sang đánh Đại Việt lần thứ tư, thế giặc mạnh, có người khuyên hàng, nhưng Hưng Đạo Vương quyết tâm đánh “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Quyết tâm diệt giặc còn thể hiện ở hội nghị Diên Hồng: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.

Bản lĩnh Việt Nam chính là sự quật cường. Vận nước càng lâm nguy thì càng xuất hiện nhiều anh hùng cứu nước. Trước họa xâm lăng, dân tộc đoàn kết một khối. Sức dân mạnh như sức nước, đã cuốn trôi hết giặc Nguyên Mông, giặc Minh, giặc Thanh và cả những đế quốc lớn trong thời cận hiện đại.

Bản lĩnh còn thể hiện ở ý thức độc lập dân tộc. Nước Việt phải là một nước có vua của mình “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt), một nước có phong tục riêng biệt “Xét như nước Đại Việt ta, Thật là một nước văn hiến, Bờ cõi sông núi đã riêng, Phong tục Bắc Nam cũng khác (Nguyễn Trãi).

Từ khi hội tụ các tộc người khai phá đồng bằng ba con sông Hồng, sông Mã, sông Lam, người Việt cổ đã có ý thức về việc phải xây dựng riêng một nhà nước Văn Lang, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng. Từ cách đây hơn 2.000 năm, bản lĩnh của dân tộc đã giúp cho dẫu có trải qua đêm trường nghìn năm Bắc thuộc, cũng trở lại chính mình, để rồi phục hưng và tồn tại cho đến ngày nay.

Bản lĩnh Việt Nam còn thể hiện ở chính sách ngoại giao khôn khéo của người Việt đối với triều đình phương bắc: “độc lập thật sự, thần thuộc trên danh nghĩa”. Người mở đầu cho chính sách này là Khúc Thừa Dụ. Cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10, nhà Đường suy yếu, ông được dân chúng ủng hộ, đã tiến quân chiếm thành Đại La (nay là Hà Nội), tự xưng là Tiết Độ sứ, xây dựng một chính quyền do người Việt quản lý. Ông đã khéo léo “xin mệnh nhà Đường” để buộc vua Đường phải công nhận chính quyền của ông. Đây là chính quyền tự chủ, kết thúc ách thống trị nghìn năm của phương bắc. Họ Khúc giữ chính quyền độc lập được ba đời (Tam Khúc chúa), đã kịp hun đúc ý chí độc lập dân tộc cho lớp người Việt kế tục. Dương Đình Nghệ cũng là tướng của Khúc Hạo đã nổi lên đánh đuổi quân Nam Hán, rồi Ngô Quyền là nha tướng của Dương Đình Nghệ đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng, xưng vương, dựng kinh đô, thoát khỏi ách lệ thuộc phương bắc. Các triều đại của ta về sau cũng khéo léo phát huy tinh thần này.

Bản lĩnh Việt Nam còn là việc lưu truyền qua đời này sang đời khác bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, hồn cốt dân tộc. Trong nhiều nghìn năm, chúng ta đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhiều nền văn minh lớn của nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta không chấp nhận là “bản sao” mà có sự sáng tạo, làm nên truyền thống của mình.

Người Việt đã vươn lên giữa một thế giới luôn luôn biến đổi, nhưng vẫn đủ bản lĩnh và trí tuệ để “hòa nhập mà không hòa tan”.