Thể thao Việt Nam năm 2022

Chờ đợi những kỳ tích

Năm 2022 được kỳ vọng sẽ giúp thể thao Việt Nam lấy lại sự hứng khởi với hàng loạt sự kiện quan trọng như SEA Games 31, ASIAD 2022 hay Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á.

Quách Thị Lan hiện đang là vận động viên 400 m và 400 m vượt rào số 1 Việt Nam.Ảnh: TUẤN MARK
Quách Thị Lan hiện đang là vận động viên 400 m và 400 m vượt rào số 1 Việt Nam.Ảnh: TUẤN MARK

1/ Lâu nay, vẫn có một số ý kiến cho rằng SEA Games bây giờ chỉ là một sân chơi nhỏ nên không cần đặt mục tiêu thành tích mà phải hướng tới những giải đấu lớn hơn, xa hơn như ASIAD hay Olympic. Tuy nhiên, như người ta vẫn bảo, phải biết đi rồi mới biết chạy, nếu không có bước đệm là những đấu trường ở quy mô khu vực như SEA Games thì chúng ta lấy gì làm cơ sở để bứt phá tại ASIAD hay Olympic?

Chính vì lẽ đó, SEA Games 31 vào trung tuần tháng 5 ở Việt Nam sẽ là sự kiện thể thao quan trọng bậc nhất trong năm, và nếu coi đây là cuộc tổng duyệt nghiêm túc của thể thao Việt Nam cho ASIAD 2022 sẽ diễn ra bốn tháng sau đó tại Hàng Châu (Trung Quốc) thì cũng không quá lời.

Ở ASIAD 2018, nếu xét theo thành tích thuần túy dành cho các quốc gia Đông Nam Á thì thể thao Việt Nam xếp sau Indonesia, Thailand và Malaysia. Tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam không có tên trên bảng tổng sắp huy chương, trong khi Philippines (một Huy chương vàng, hai Huy chương bạc, một Huy chương đồng), Indonesia (một Huy chương vàng, một Huy chương bạc, ba Huy chương đồng), Thailand (một Huy chương vàng, một Huy chương đồng) và Malaysia (một Huy chương bạc, một Huy chương đồng) đều có được thành quả.

Có thể thấy, thể thao Việt Nam tuy luôn có vị trí dẫn đầu ở SEA Games trong gần 20 năm qua, nhưng khi vươn ra đấu trường châu lục và thế giới thì chúng ta lại chưa bảo đảm được vị thế.

Vì vậy, SEA Games 31 và ASIAD 2022 sẽ là hai sân chơi mà thể thao Việt Nam phải có sự sắp xếp và bố trí lực lượng tương xứng, nhằm phục vụ nhiều mục tiêu. Nói cách khác, nếu muốn khẳng định được vị trí, thể thao Việt Nam nhất thiết phải dành sự tập trung cao nhất cho các môn cơ bản thuộc hệ thống Olympic như bơi lội, điền kinh.

Tại ASIAD 2018, thể thao Việt Nam tham gia thi đấu 32 môn và giành được 38 huy chương các loại, trong đó có bốn Huy chương vàng, 16 Huy chương bạc và 18 Huy chương đồng, xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng. Trong số 4 Huy chương vàng, có hai huy chương thuộc hệ thống thi đấu Olympic (bộ môn rowing, nội dung đua thuyền bốn nữ mái chèo hạng nhẹ và điền kinh, nội dung nhảy xa nữ), và hai Huy chương vàng còn lại thuộc về các võ sĩ pencak silat.

2/ Nếu nói tới những kỳ vọng của thể thao Việt Nam trong năm 2022, dĩ nhiên không thể không kể tới đội tuyển bóng đá, khi mà thế hệ U23 hiện tại sẽ có trách nhiệm tiếp nối kỳ tích của lứa đàn anh năm 2018 với thành tích lọt vào chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc) và có mặt ở bán kết môn bóng đá nam ASIAD 2018.

Năm nay, đội tuyển Olympic bóng đá nam cũng sẽ trải qua hành trình gần như tương tự. Trước khi đến với ASIAD 2022, họ sẽ “thử lửa” ở vòng chung kết U23 châu Á 2022 tại Uzbekistan vào tháng 6, và ngay trước đó là trọng trách bảo vệ Huy chương vàng bóng đá nam ở SEA Games 31.

Một chặng đường dài, đầy thách thức nhưng cũng lấp lánh vinh quang.