Hy vọng vàng tại SEA Games 31

Tháng 5 tới, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ diễn ra ở Hà Nội sau khi phải lùi thời hạn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với tư cách chủ nhà, Việt Nam đặt mục tiêu giành thứ hạng cao, đặc biệt là các môn Olympic.

Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh hy vọng sẽ vượt số huy chương của kỳ đại hội trước. Ảnh: TUẤN MARK
Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh hy vọng sẽ vượt số huy chương của kỳ đại hội trước. Ảnh: TUẤN MARK

Trong những năm gần đây, nhờ sự đầu tư đúng đắn và sở hữu nhiều tài năng, điền kinh Việt Nam tiến bộ rất rõ rệt. Tại SEA Games 30 diễn ra ở Philippines, đội tuyển điền kinh Việt Nam tạo nên thành công vang dội khi dẫn đầu đại hội với 16 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc và 10 Huy chương đồng.

Là chủ nhà của kỳ đại hội lần thứ 31, Việt Nam quyết tâm bảo vệ ngôi đầu và có tham vọng nâng cao thêm số Huy chương vàng. Một trong những niềm hy vọng lớn nhất là “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh. Ở Philippines, Chinh mang về tấm Huy chương vàng danh giá nhất trong nội dung tốc độ, với thành tích 11 giây 54 trên đường chạy 100 m. Trong đợt bùng dịch nặng nhất mà TP Hồ Chí Minh phải trải qua, Chinh gần như bị cô lập suốt bốn tháng vì giãn cách xã hội. Không có thiết bị, cũng không có sự hỗ trợ của huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương, cô gái 24 tuổi này vẫn chăm chỉ tập luyện. Chinh xoay xở bằng mọi cách, với những điều kiện hạn chế để duy trì thể lực.

 Hy vọng vàng tại SEA Games 31 -0
Kình ngư Huy Hoàng. Ảnh: TUẤN MARK 

Giống như một cô học sinh cấp II khi đứng cạnh Lê Tú Chinh (1,68 m), nhưng Nguyễn Thị Oanh với chiều cao 1,50 m và cân nặng 40 kg là nhân vật “tầm cỡ” của điền kinh Việt Nam lẫn khu vực. Ở đại hội trước, Oanh giành cả ba chiếc Huy chương vàng ở những nội dung mà cô tham dự là 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m chướng ngại vật. Riêng nội dung 3.000 m chướng ngại vật, cô gái người Bắc Giang lập kỷ lục SEA Games với thành tích 10 phút 00 giây 02. Oanh “ỉn”, tên gọi thân thuộc mà mọi người đặt cho cô gái luôn xuất hiện với nụ cười hiền lành đặc trưng của vùng Kinh Bắc xưa là tấm gương về nghị lực. Cô từng phải chống chọi với chứng mất ngủ kinh niên, nghiêm trọng hơn là căn bệnh viêm cầu thận suýt phá vỡ sự nghiệp điền kinh.

Ngoài ra, còn phải kể tới “nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thị Thu Thảo, người trở lại sau khi sinh. Thảo đặt mục tiêu giành vàng ở SEA Games 31 cũng như ASIAD 19, diễn ra tháng 9 tới. Hay Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan, những chuyên gia chạy 400 m và 400 m vượt rào.

Năm 2021 là bước ngoặt lớn với bơi lội Việt Nam, khi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên rời đội tuyển quốc gia, sau kỳ Olympic 2020 không thành công. Song, điều đó không có nghĩa đội tuyển bơi lội Việt Nam không còn ngôi sao. Nguyễn Huy Hoàng là tâm điểm ở môn thi quan trọng bậc nhất Olympic, bên cạnh điền kinh.

Chàng trai 21 tuổi người Quảng Bình có hai chiếc Huy chương vàng ở Philippines, nội dung 400 m tự do và 1.500 m tự do. Cùng với đàn anh Hoàng Quý Phước, Hoàng và đội bơi Việt Nam đã có chuyến tập huấn cuối năm 2021 tại Hungary để chuẩn bị cho SEA Games 31.

Không chỉ hướng đến việc bảo vệ vinh quang ở hai nội dung sở trường, năm 2022 còn có ý nghĩa khác với Hoàng, đó là đổi mầu chiếc huy chương ASIAD. Tại Jakarta 2018, Hoàng giành Huy chương bạc nội dung 1.500 m tự do. Cơ hội để anh làm nên lịch sử cho bơi lội Việt Nam và cho riêng mình vẫn còn rất rộng mở.