Bác Hồ xuất hành năm Canh Dần

Tết Xuân Canh Dần 1950 là một trong những Tết-Xuân đặc biệt trong cuộc đời 79 mùa xuân cao đẹp của Bác Hồ. Người đã dành trọn những ngày Tết-Xuân năm ấy cho các hoạt động đối ngoại, góp phần quan trọng vào việc “phá vỡ vòng vây đế quốc”, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950. Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950. Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

1/Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối ngoại nhằm phá thế cô lập về ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của loài người tiến bộ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Thực hiện chủ trương này, cùng với việc đặt cơ quan đại diện thường trú tại Băng Cốc, Rănggun, Praha..., cử các đoàn đại biểu đi dự hội nghị quốc tế, như: Hội nghị Liên Á ở Ấn Độ, Hội nghị các nước châu Á ủng hộ Nam Dương chống xâm lược Hà Lan…, Người đã cùng Trung ương Đảng quyết định đưa quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào và Cao Miên (Campuchia), phối hợp chiến đấu cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập vạn đại sơn, giúp bạn giải phóng một vùng rộng lớn ở Quảng Tây.

Ngày 2/1/1950, Bác Hồ rời Tân Trào lên đường sang thăm Trung Quốc và Liên Xô nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mau đến thắng lợi.

Chuyến đi của Người dự kiến trong một thời gian khá dài nên đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cuối năm 1949 và giữ tuyệt đối bí mật. Một số văn kiện như bài viết, thư từ, sắc lệnh… sẽ công bố trong thời gian đi công tác (từ tháng 1 đến đầu tháng 4/1950), được Người đã viết và ký sẵn. Trước khi đi, Người gặp riêng một số đồng chí, dặn dò và giao nhiệm vụ cụ thể trong thời gian Người đi vắng.

2/Ngày 14/1/1950, thay mặt Chính phủ ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới, một lần nữa khẳng định chủ quyền độc lập thiêng liêng của Việt Nam và nêu rõ chính sách ngoại giao của Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới, trong đó nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam… Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(1).

Sau tuyên bố này, ngày 15/1/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông báo công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tỏ ý sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Ngay sau đó, ngày 18/1/1950, Chính phủ Trung Quốc công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, ngày 30/1/1950, Chính phủ Liên Xô, rồi Chính phủ các nước dân chủ nhân dân Đông Âu lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Ngày 16/1/1950, theo đường Phục Hòa (Cao Bằng) qua Thủy Khẩu, Người sang tới Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), được các bạn Trung Quốc đón và tháp tùng Người tới Nam Ninh bằng ô-tô và sau đó đến Bắc Kinh bằng tàu hỏa. Lúc này, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã rời Bắc Kinh đi Moscow để đàm phán và ký hiệp định hợp tác với Liên Xô. Các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc: Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Nhiếp Vĩnh Trăn... đã nồng nhiệt đón tiếp và hội đàm với Người.

3/Cuối tháng 1/1950, từ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Xtalin đã có trao đổi điện với nhau. Ngày 3/2/1950, theo lời mời của Xtalin, Người rời Bắc Kinh, bí mật lên đường tiếp tục chuyến đi sang Moscow bằng tàu hỏa liên vận của Trung Quốc. Trong thời gian ở Moscow, Người đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ Liên Xô. Ngày 10/2/1950, Xtalin và các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô như Malencov, Môlôtov, Bunganhin, Khơrútsốp và nhiều đồng chí khác đã tổ chức buổi tiếp Người. Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đang có mặt tại Moscow cũng cùng tham dự một số buổi tiếp của Xtalin.

Cùng trong thời gian này, Bác Hồ đã có những cuộc tiếp xúc với đại diện của Đảng Cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Người còn viết bài bằng tiếng Pháp Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình gửi cho tạp chí Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân. Trong bài viết này, Người đã giới thiệu quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta từ năm 1940 đến năm 1950, sự can thiệp của bọn phản động quốc tế và những thất bại của chúng, những thắng lợi ngoại giao to lớn của nhân dân Việt Nam vừa giành được, đồng thời khẳng định quyết tâm và niềm tin tưởng của nhân dân ta vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình…

Tối ngày 17/2/1950, Bác Hồ cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đáp xe lửa liên vận rời Moscow lên đường về nước. Trong thời gian dừng chân tại Bắc Kinh, Người tiếp tục hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Ngày 11/3/1950, Người lên đường về nước, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô.

Trong những cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc và Liên Xô, Bác Hồ đã thông báo tình hình đấu tranh cách mạng và sự phát triển của cuộc kháng chiến anh dũng nhưng rất gian khổ của nhân dân Việt Nam; đã trao đổi ý kiến về vai trò và vị trí của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam trong trào lưu cách mạng thế giới, về sự giúp đỡ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Đặc biệt quan trọng là, trước đây, Liên Xô chưa thật hiểu đầy đủ về cuộc kháng chiến của Việt Nam, nhưng sau khi nghe Bác Hồ trình bày, Xtalin đã đồng ý với đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta và đồng ý viện trợ cho Việt Nam thông qua Trung Quốc.

4/Hồi ký Chiến đấu trong vòng vây (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1995) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: Trước mắt Liên Xô hứa viện trợ cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc quân y. Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh, sẽ đảm nhận việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam… Tuy không ký được Hiệp ước Hữu nghị hợp tác như Liên Xô với Trung Quốc, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo cho phía bạn hiểu rõ hơn và càng đồng tình với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.

Khi trở lại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể về chuyến đi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có sự kiện đồng chí Xtalin ký vào bìa cuốn tạp chí Liên Xô trên công trường xây dựng (СССР на стройке), số tháng 11/1949 và tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng đã viết về sự kiện đó trong cuốn hồi ức Chiến đấu trong vòng vây.

5/Năm 2006, đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang sưu tầm tại Liên bang Nga đã tìm được ở Lưu trữ lịch sử-chính trị xã hội quốc gia Nga cuốn tạp chí nêu trên và đã scan lại trang bìa có bút tích đề tặng và chữ ký của Xtalin: “Thân mến tặng đồng chí Hồ Chí Minh, ngày 10/02/1950”(2).

Qua các cuộc gặp gỡ, hội đàm, các nhà lãnh đạo hai nước đã đánh giá cao cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định việc giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình.

Mừng thắng lợi ngoại giao quan trọng này, mừng đất nước bước vào mùa xuân với niềm vui mới hứa hẹn nhiều thắng lợi mới, ngày 19/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Thơ chúc năm mới gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp Tết Canh Dần:

“Kính chúc đồng bào năm mới,

Mọi người càng thêm phấn khởi,

Toàn dân xung phong thi đua,

Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,

Chuyển mau sang tổng phản công,

Kháng chiến nhất định thắng lợi”(3).

Lời thơ chúc Tết-Xuân Canh Dần năm ấy của Người mộc mạc, giản dị mà xúc động, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam cùng thi đua cố gắng góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Chuyến đi bí mật của Bác Hồ thăm Trung Quốc và Liên Xô giữa những ngày Tết-Xuân Canh Dần năm 1950-năm Người tròn 60 tuổi đã rất thành công cả về chính trị và ngoại giao.

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H,2011, t.6, tr. 310, 311.

2- Lưu trữ lịch sử-chính trị xã hội quốc gia Nga, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 1666, tờ 1, 2.

3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 318.