Một năm đầy gian truân

Theo Âm lịch, Tân Sửu là năm con trâu-một linh vật gắn bó với hồn cốt của người Việt vốn hiền lành, chịu thương chịu khó. Thế nhưng, cái năm Tân Sửu lại không an lành chút nào khi đại dịch Covid-19 bùng phát một năm trước đó đã phủ bóng đen chết chóc lên toàn cầu.

Biếm họa: Mahmoud Rifai
Biếm họa: Mahmoud Rifai

Chẳng khác mấy với “cái chết đen” hoành hành vào thế kỷ 14, đại dịch lần này đã làm hàng triệu người lây nhiễm, cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người tại hầu hết các nước, không phân biệt giàu, nghèo, lớn, nhỏ, mầu da, giai tầng, tuổi tác… Hệ lụy kinh tế và xã hội mà nó gây ra không thể kể xiết, tốc độ tăng trưởng ở hầu hết các quốc gia đều suy giảm nặng nề, các chuỗi sản xuất, phân phối bị đứt tung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đóng cửa, hàng triệu con người mất công ăn việc làm, hố ngăn cách giàu nghèo ở từng nước và trên phạm vi toàn cầu càng roãng rộng, lớp trẻ không được tới trường và vui chơi giải trí bình thường, biết bao người rơi vào tình trạng trầm cảm tinh thần…

Họa vô đơn chí! Bên cạnh dịch bệnh, thiên tai tiếp tục hoành hành dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ở các nước ôn đới, nhiệt độ mùa hè lên tới hơn 40oC, những cánh rừng rộng lớn ở nhiều nơi vốn là lá phổi đối với sự sống con người đã bị cháy rụi. Như muốn tạo thêm “dấu ấn” của năm, vào tháng 12/2021, một trận cuồng phong mà dân ta vẫn gọi là “vòi rồng” đã xóa sổ cả một thị trấn ở bang Kentucky của Mỹ, tạo nên cái cảnh hoang tàn, chết chóc không khác mấy hình ảnh thành phố Hiroshima ở Nhật Bản bị bom nguyên tử xóa sổ năm 1945.

Đằng sau những mối đe dọa phi truyền thống mà nay đã trở thành “truyền thống” ấy đều có bóng dáng của những hành vi vô trách nhiệm của chính con người, khi đua nhau tàn phá rừng xanh, giết hại động vật hoang dã, chen chúc trong các đại đô thị khổng lồ với hàng chục triệu dân.

Một năm đầy gian truân -0
Biếm họa: Vasco Gargalo 

Song hành với thiên tai, dịch họa là cuộc cạnh tranh phức tạp giữa các nước lớn trong mọi lĩnh vực cuộc sống, ở mọi khu vực thế gian, trong đó có khu vực chúng ta đang sống. Tiếng vậy trong năm đã lóe lên vài ba tia sáng qua các cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ-Trung Quốc và Mỹ-Nga; tuy cộng đồng quốc tế bình luận rằng, chưa có đột phá gì song chắc cũng không phải chỉ để “diễn kịch cho thiên hạ xem”. Thể chế đa phương bị hạ thấp vai trò dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xem ra đang được hồi sinh thông qua hàng loạt hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26)…

Phải chăng, hiểm họa chung đã góp phần làm sống lại nhu cầu hợp tác vì sự sống còn của loài người?

Trong họa có phúc, những mối nguy nan đã thúc đẩy công nghệ số và nhu cầu giảm thiểu khí thải, phát triển năng lượng tái tạo đã hé mở kỷ nguyên số với phương cách làm ăn, kinh doanh, giao dịch, quản lý… Kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… báo hiệu một thời đại mới đang hé lộ.

Nhận thấy chưa có phương thức nào thực hiện được thành công ý muốn “Zero Covid”, đồng thời cũng không thể chịu đựng được trạng thái đóng cửa bịt bùng, các nước lần lượt rục rịch chuyển sang trạng thái sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2 đi đôi phục hồi kinh tế. Chắc rằng xu thế này sẽ diễn ra trong năm Nhâm Dần 2022. Nếu vậy, mọi chuyện trong năm tới sẽ còn bấp bênh vì sau Delta nay lại xuất hiện biến thể Omicron, mà các nhà chuyên môn mỗi người nói một phách. Không ít nước vừa hé cửa lại phải đóng sập lại.

Chúng ta chỉ còn cách quen dần với trạng thái “không bình thường mới”, vì làm sao có thể nói là bình thường trong khi phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu như vậy? Đó là chưa kể nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kinh tế, tiền tệ toàn cầu có thể bùng phát, vì tiền tung ra để đối phó với dịch bệnh, thiên tai và cứu trợ quá lớn, trong khi tiêu dùng lại giảm do thu nhập giảm mạnh.

Đón Xuân không phải là lúc bàn luận những chuyện không vui như vậy. Ta hãy tạm quên đi những nỗi phiền muộn và nuôi dưỡng niềm tin là con người cuối cùng cũng sẽ tìm ra phương cách thoát nạn và hồi sinh, miễn là chấm dứt hẳn, ít ra là giảm đi những sự kèn cựa, cạnh tranh vì sự sống của mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia.