Đất trắng

Có bao ví von trong cuộc sống này với mọi sự vật, nhưng “đất” dường như là từ được dùng nhiều hơn cả, bởi tính mật thiết với đời sống. Nghĩ đến đất, người ta thường nghĩ ngay đến gieo trồng. Với tôi, đất là một phạm trù rộng mở, khơi gợi, đầy cảm hứng, nhất là khi Xuân đến.

PGS, TS, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn chơi trống cùng saxophonist Trần Mạnh Tuấn tối 24/12/2021 tại Bệnh viện dã chiến 175. Ảnh: VŨ THANH HƯỜNG
PGS, TS, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn chơi trống cùng saxophonist Trần Mạnh Tuấn tối 24/12/2021 tại Bệnh viện dã chiến 175. Ảnh: VŨ THANH HƯỜNG

1/Với quốc gia nông nghiệp lâu đời đang chuyển đổi, phát triển công nghiệp ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, dấu ấn của nền văn minh lúa nước vẫn hằn rõ nếp nghĩ, tư duy, từ vựng sử dụng của nhiều thế hệ các lĩnh vực. Đặc biệt là các từ ngữ, lối nói của nhà nông lại được dùng trong lao động nghệ thuật, khác biệt tư duy mà lại đầy những tương đồng.

Hãy nhìn lại hệ từ thường dùng trong lao động sáng tác nghệ thuật: cày ải, cày bừa, gieo cấy, vun chăm, gặt hái, thu hoạch, thất thu, bội thu, được mùa. Nếu nông dân quen ăn sớm, ngủ sớm, dậy sớm thuở xưa dắt trâu ra đồng, cần cù cấy hái-làm sớm cho mát và tranh thủ được nhiều việc; thì nghệ sĩ sáng tạo lao lực cắt giấc ngủ đêm mà viết, vẽ-nhất là khi say cơn cảm hứng hoặc áp lực khối lượng công việc, tiến độ. Các dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học... với công việc đặc thù cần tính chính xác cũng phải căng não nghĩ suy. Tất nhiên, việc lúa cây hoa màu cần nhiều sức lực thể chất, đổ mồ hôi; còn sáng tác nghệ thuật thì dùng tư duy, mệt toàn thân, bạc tóc, mất ăn mất ngủ. Thậm chí với tác phẩm lớn, công trình công phu, nghệ sĩ còn đổ cả máu, nước mắt. Các diễn viên ballet bật máu ngón chân khi tập luyện, diễn viên xiếc tiết mục đu dây, nhào lộn trên cao hoặc thăng bằng đi xe đạp trên dây nếu ngã chấn thương cột sống có thể mất nghiệp, thành người tàn tật suốt đời. Danh cầm Đặng Thái Sơn, gần

60 năm gắn bó với dương cầm, trình diễn nhiều nơi mà nay sang tuổi 64 vẫn luyện đàn hằng ngày. Như thế, sự công phu lao tâm tổn sức của người nghệ sĩ hẳn nhiên khổ ải gian lao hơn nông dân nhiều lần. Bằng chứng thể hiện ở sức khỏe và tuổi thọ.

Người ta vẫn thích ví von, lối nói nhà nông như một quán ngữ. Tập thêm bản nhạc này đi, thì nói: “Cày đi cày lại đi”. Còn phải viết thêm tác phẩm, thì than: “Em/tôi vẫn đang cày, còn cày nhiều buổi nữa mới xong”. Văn hóa nông thôn ảnh hưởng sâu rộng đến nỗi trong cách nói, nhiều người ví von, “quy hoạch” các hội nghề nghiệp thành làng: làng văn, làng báo, làng sân khấu, làng điện ảnh, làng âm nhạc...

2/Nguyễn Tuân, một bậc thầy tùy bút và ngôn ngữ tiếng Việt, từng coi trang giấy như “pháp trường trắng”. Trang giấy mời gọi, hấp dẫn nhà văn; song nó cũng đầy hiểm nguy-không ở đề tài, nội dung nhà văn viết, mà ở lao động. Lao động văn chương là lao động nặng. Phương Tây, từ thời La Mã cổ đại đã coi nhà thơ lớn như bậc tiên tri, triết gia, nhà lập ngôn và hiện nay vẫn là các quốc gia dân trí cao, văn hóa đọc phát triển, tôn trọng văn học nghệ thuật.

Đất của nông dân là ruộng đồng nông sâu, vụ mùa được mất xưa nhờ “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”. Nay dân đông, cần năng suất cao, mùa vụ ngắn, chuyện cải tạo lai giống và biến đổi gien đang đặt ra bài toán khó giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe loài người, nhưng xu hướng toàn cầu là nông nghiệp xanh, sạch để phát triển bền vững. Trong nghệ thuật, thay đổi phương thức sáng tác thế nào cũng không thay thế, ngụy tạo được thực chất tài năng và công sức thể hiện ngay qua tác phẩm. Đất của nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhạc sĩ, họa sĩ không chỉ là trang giấy-màn hình trắng-toile trắng chờ ngón tài hoa truyền ý tưởng ra ngôn ngữ nghệ thuật, mà ở đề tài, cách thể hiện, tạo dựng, tư tưởng.

Đất trắng -0
Nhân viên y tế Bệnh viện 175 xuất quân thực hiện nhiệm vụ chăm sóc F0 tại các trạm y tế lưu động. Ảnh: QUÂN CHÍNH 

“Picasso vẽ được 25.000 tranh, còn tôi?”-Danh họa Bùi Xuân Phái (1920-1988) viết trong nhật ký của mình. Ông luôn khao khát vẽ và vẽ. Tại căn nhà chật ở 87 phố Thuốc Bắc ấy, nuôi năm người con, không khi nào đủ họa phẩm cho ông thỏa sức. Cả đời ông chỉ tổ chức được một triển lãm cá nhân 22/12/1984-10/1/1985, hơn 30 tranh, khi có nghìn bức vẽ. Ông viết lời bế mạc: “Giấc mơ của tôi sắp hết”. Bạn của Phái toàn người danh giá và công chúng Thủ đô đến phòng triển lãm 16 Ngô Quyền xem tranh, với Phái là một giấc mơ đẹp, quý, tiếc nuối nhất vì không muốn kết, không muốn chỉ một lần duy nhất.

Như Lưu Quang Vũ (1948-1988) từ trang nhật ký đầu tiên viết bút máy Trường Sơn mực xanh Cửu Long đã quả quyết khát vọng phải sống cho đáng sống: làm được gì xứng đáng đời trai cho Tổ quốc, nhân dân. Và thi sĩ-kịch tác gia kiệt xuất ấy, đột ngột ngừng cuộc sống ở tuổi 40 như ca sĩ-nhạc sĩ lừng danh John Lennon (1940-1980) mà tác phẩm vẫn vọng vang thời đại. Vẫn cựa trên trang giấy những con chữ, nốt nhạc cháy bỏng cho một hành tinh hòa bình, công bằng và nhân văn.

Tinh thần ấy, được kế tục ở bác sĩ-nhạc sĩ-chiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn. Người Thầy thuốc Nhân dân, PGS, TS, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 với “đôi vai gánh nặng tình nhân gian”, tuổi trẻ tham gia chiến tranh biên giới Cao Bằng, Tây Nam; 20 năm nuôi hoài bão có trực thăng cấp cứu cho Trường Sa cất và hạ cánh trên nóc bệnh viện mình, đã thành hiện thực tháng 12/2020. Là quân nhân, ý thức sứ mệnh sắc áo “xanh trong trắng”, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn-hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tận tâm dốc sức ngày đêm. Khoảng hẹp thời gian anh dành cho sáng tác như một đam mê, nhiệm vụ tâm hồn. Loạt ca khúc về Trường Sa của anh được nhân dân và lính đảo yêu chuộng như cách họ quý tác giả-một người thân, gắn bó máu thịt. Quyết tâm xây dựng Trung tâm Y tế Trường Sa, cho ngư dân yên tâm bám biển, chỉ huy sinh mổ các em bé chào đời khỏe mạnh từ đây, là một cách bảo vệ chủ quyền lãnh hải; đưa đoàn y, bác sĩ sang Nam Sudan thực hiện nghĩa vụ quốc tế, gia tăng uy tín cho Việt Nam qua Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Bentiu.

Bệnh viện 175 là một “chiến hạm” tuyến đầu của y tế phía nam trong cuộc bão táp chống Covid. Mầu trắng blouse, phòng bệnh cũng là màu hội tụ mọi sắc màu cuộc sống. Eo hẹp thời gian, ngàn lo toan mà Thiếu tướng Sơn vẫn làm nên kỳ tích. Bệnh viện của anh là nơi duy nhất đặt piano nơi sảnh Khoa Khám bệnh. Cây đàn Chickering gần 200 tuổi vẫn tấu lên 88 phím tỏa lan âm nhạc xoa dịu, nâng đỡ tinh thần mọi người. Và chính giám đốc, người chơi trống, dương cầm sành điệu từ lúc đôi mươi, vẫn có những phút giây thăng hoa hát, lướt phím thỏa đam mê mình và chiêu đãi đồng nghiệp, đồng đội, bệnh nhân. Nhiều lần ra với Trường Sa, đầu sóng ngọn gió; lại đứng mũi chịu sào tiền đồn khám, chữa bệnh nhân Covid, bác sĩ Sơn vẫn rất “chịu chơi” mỗi khi có cơ hội hiếm hoi là hát, trống, đàn...

3/Đất trắng là những trang giấy, màn hình chờ sáng tác. Cánh đồng cằn cỗi hay màu mỡ đều không phải là yếu tố rủi-may quyết định chất lượng mùa màng, sản phẩm trình làng là kết quả của sức lao động, tầm mức tâm huyết, tài năng.

Xuân bung mầm vươn chồi nở hoa của thiên nhiên, cũng là mùa gợi cảm hứng sống, làm việc cho vạn vật. Với nghệ sĩ, đây là mùa sáng tạo, hứa hẹn nhất. Song thật ra ai say nghề thật sự thì mùa nào cũng có sức Xuân trong tâm hồn khát khao dâng hiến.

Đất trắng là giấc mơ tinh khiết, thúc giục, cảm hứng không bao giờ hết.