Nhân vật & Sự kiện năm 2021

Những người làm việc thần kỳ

Năm 2021 chứng kiến thành công nổi bật trong nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Bốn nhà khoa học tạo ra vaccine theo công nghệ mRNA đã được Tạp chí Time (Mỹ) vinh danh là “những người làm việc thần kỳ”. Song, con đường đưa công cụ hữu hiệu này tới những người cần nhất còn gian nan, trong đó nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xứng đáng được thế giới tôn vinh.

Ảnh: TIME
Ảnh: TIME

Cuộc bầu chọn Nhân vật của năm (2021) của Tạp chí Time đã vinh danh những nhà khoa học phát triển công nghệ mRNA để tạo ra vaccine chống chọi “cơn sóng dữ” của các biến thể SARS-CoV-2. Bốn nhà khoa học, gồm nhà miễn dịch học người Mỹ Kizzmekia Corbett, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine (VRC) của Mỹ Barney Graham, chuyên gia hóa sinh người Hungary Katalin Kariko và nhà sinh học Mỹ Drew Weisman đã được xướng tên trong hạng mục “Anh hùng của năm” (Heroes of the Year), mà Time gọi là “những người tạo ra phép màu”.

Đóng góp cho nỗ lực chung của các nhà khoa học trên khắp thế giới tạo ra các loại vaccine ngừa Covid-19, bằng nhiều nền tảng và công nghệ khác nhau, bốn nhà khoa học nổi bật đã được Time vinh danh vì “công việc thần kỳ”. Đó là giới thiệu loại vaccine mới-vaccine mNRA, được Time mô tả là “bước đột phá quan trọng, sáng tạo và đạt hiệu quả cao, tác động tích cực tới sức khỏe và hạnh phúc của con người, không chỉ trong phạm vi đại dịch Covid-19”. Không như các loại vaccine cổ điển giúp cơ thể con người tạo ra kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm, vaccine mRNA hướng dẫn các tế bào của cơ thể tạo ra một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch, qua đó tạo ra kháng thể giúp cơ thể không nhiễm bệnh nếu virus xâm nhập.

Thế giới đã chứng kiến công việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 với tốc độ nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc. Chỉ trong hai năm, đã có 23 loại vaccine chống SARS-CoV-2 được chấp thuận, cùng hàng trăm loại vaccine khác tiếp tục được phát triển và thử nghiệm. Kể từ khi mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được triển khai cuối năm 2020, đến nay đã có hơn 4,4 tỷ người được tiêm ít nhất một mũi; gần tám tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên khắp thế giới. Trong lịch sử, không có loại vaccine nào được phát triển nhanh đến vậy. Vaccine phòng quai bị ra đời những năm 1960 có tốc độ phát triển nhanh nhất, cũng mất bốn năm.

Sự phát triển nhanh kỷ lục các loại vaccine được ngợi ca là một thắng lợi của nghiên cứu khoa học. Giới chuyên gia WHO khẳng định, không thể phủ nhận hiệu quả của vaccine trong việc giảm tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân Covid-19, cũng như giúp các nền kinh tế mở cửa trở lại. Chỉ riêng việc tạo ra nhiều vaccine đã là một thành công nổi bật. Tuy nhiên, thực tế bất bình đẳng trong tiếp cận làm lu mờ những nỗ lực phát triển vaccine. Theo chuyên gia Soumya Swaminathan của WHO, bất bình đẳng về vaccine là một trong những “trải nghiệm đau đớn” nhất trong thời kỳ đại dịch. Tại một vài nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, ít nhất 200 liều vaccine đã được tiêm trên 100 người dân, trong khi tại những nước ở cuối thang đo, tỷ lệ cao nhất chỉ ở mức 17/100...

Trong thông điệp phát động chiến dịch VaccinEquity đầu năm 2021, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ rõ: Thế giới đang bên bờ vực thất bại thảm hại về mặt đạo đức và cái giá phải trả là mạng sống và sinh kế của người dân ở những nước nghèo nhất thế giới. Câu hỏi “phần còn lại đang ở đâu?” luôn được WHO nhắc lại, khi gần tám tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, mà chỉ 3% số người dân các nước có thu nhập thấp và trung bình được tiêm. Rào cản khiến cơ chế COVAX mới đi được một phần ba chặng đường tới mục tiêu năm 2021 phần nhiều là do các nước giàu chậm giải ngân tài trợ, nguồn cung không ổn định do nhiều nước nhanh tay đặt hàng, trong khi cuộc đua tích trữ dẫn đến tình trạng mà WHO gọi là “thảm họa lãng phí”, với hàng triệu liều vaccine bị bỏ trong kho cho đến khi hết hạn sử dụng.

Biến thể Omicron xuất hiện khi làn sóng dịch do Delta còn chưa lắng dịu, làm thế giới chao đảo. WHO cảnh báo, các biến thể SARS-CoV-2 đang di chuyển nhanh hơn tốc độ phân phối vaccine trên toàn cầu. Theo Giám đốc điều hành liên minh vaccine Gavi, một đối tác của COVAX, các biến thể chỉ có thể bị ngăn chặn, nếu tất cả người dân trên thế giới, chứ không riêng một bộ phận giàu có, được bảo vệ.