Ngược thượng nguồn

Trường Giang hai đầu về biển

Đầu phía nam con sông đổ ra cửa biển An Hòa (huyện Núi Thành), đầu phía bắc hòa vào biển ở Cửa Đại (thành phố Hội An). Dòng sông Trường Giang (tỉnh Quảng Nam) chẳng biết đâu là nguồn, đâu là cuối, cứ lững thững chảy trôi dọc theo bờ biển.
0:00 / 0:00
0:00
Mưu sinh trên dòng Trường Giang.
Mưu sinh trên dòng Trường Giang.

Con cua cắn rớ, con cá cờ cắn câu

Dọc theo mảnh đất khúc ruột miền trung, hiếm có dòng sông nào kỳ cục như vậy. Hai đầu sông Trường Giang đều hướng ra biển nên hằng ngày, thủy triều đều đặn lên và xuống một lần. Hình thái nhật triều khiến không gian cuộc sống ven sông thêm phần thú vị.

Cũng bởi không phải bắt nguồn từ núi cao nên dòng chảy Trường Giang êm đềm cả năm. Lúc thủy triều dâng cao, nước tràn vào sông đổ dồn theo hướng nam ra bắc và ngược lại. Hai dòng gặp nhau khúc giữa sông, mặt nước nơi đó đứng lặng yên. Xanh thẳm. Khi nước ròng, đôi dòng chia ra chảy trở về cửa biển cũ. Bao đời nay, dòng Trường Giang đã gắn bó mật thiết với người dân vùng đông xứ Quảng, không thể tách rời.

Cửa biển An Hòa những ngày tháng 7, tàu cá rải rác vào thả neo chờ ngày ra khơi. Dòng Trường Giang chảy đến đây bị chia ra thành hai ngã nước ôm lấy bãi cát trắng rộng lớn. Cả một vùng cửa sông rộng mênh mông, tít tắp.

Lão ngư Phạm Văn Quảng, 66 tuổi (ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành) về nhà sau chuyến thả rớ quay. Chuyến thả rớ vừa rồi trên cửa sông Trường Giang, hai bộ lưới mới mua của ông bị bầy cua xé rách mấy chục lỗ. Nhớ ngày trẻ khi mới 20 tuổi theo cha đi ghe vào sâu dòng sông Trường Giang làm nghề, chàng thanh niên Quảng khi đó có biết quăng rớ là gì. Ăn con cá, con cua dưới sông lâu dần, kỹ thuật thả rớ thấm vào đôi tay ông Quảng lúc nào không hay.

“Nghề rớ quay ở đây chừ chỉ còn mấy người lớn tuổi, đa số cỡ 45 tuổi trở lên mới bám theo làm ăn thôi. Thanh niên có sức lao động qua hết nhà máy, khu công nghiệp làm rồi. Dễ kiếm tiền hơn. Ai có vợ con rồi là kiếm công việc có thu nhập cao để sống, làm răng họ sống bằng nghề rớ quay cho được”, ông Quảng giãi bày.

Nước sông nơi hai đầu Trường Giang có vị lợ, ảnh hưởng từ nước biển tràn vào nên thủy sản của sông đa dạng hơn. Loại rớ quay được những người làm nghề ở đây dùng nhiều bởi mắt rớ phù hợp kích thước hầu hết cá dưới sông. Lăn lộn đánh cá, tôm quanh năm suốt tháng, đối với ngư dân vùng An Hòa, tay rớ đối với họ vô cùng quý giá. Ông Quảng cho hay, mỗi bộ rớ đánh cá sau khoảng một tháng được mang về vệ sinh rong rêu bằng vòi xịt. Đồng thời vá những đoạn lưới bị cua, cá xé rách. Ngày ông còn thanh niên đi làm nghề với cha chú, sông Trường Giang đoạn cửa biển An Hòa cá tôm nhiều vô kể. Con sông ôm trọn từng chiếc ghe nhỏ xíu giữa làn nước mênh mông. Ngày trước thả rớ trúng đàn cá liên hồi. Giờ đây, nguồn nước sông Trường Giang dần ô nhiễm, ký ức bắt được hàng chục kg tôm, cua mỗi ngày trở nên mờ nhạt.

Ngồi đan lại tấm rớ, ông Quảng cười bảo: “Ngó dễ ghét không, con cua hắn bấm ngay tay rớ mới căng của mình. Lo vá chớ hắn xé toạc ra là không làm ăn chi được nữa hết”.

Ngày cửa An Hòa chưa nạo vét, lòng sông Trường Giang chỉ sâu chưa đến ba mét. Thời điểm thủy triều rút, mặt đáy sông nhiều đoạn lộ rõ bãi cát. Chiều tối, cỡ 6 giờ, ngư dân gọi nhau bơi ghe ra bật đèn điện lên dụ cá tới khu vực mắc rớ sẵn. Điều lạ của rớ quay là phải dùng ánh sáng điện dẫn dụ mới đưa bầy cá sa lưới. Đợi tới nửa đêm, đàn ông ra quay rớ lên, vợ con có nhiệm vụ thu hoạch mẻ cá. Rạng sáng tầm 4 giờ họ ra kéo lên lần nữa, cá buổi sáng thường về nhiều hơn.

Cả một vùng cửa sông rộng lớn hàng trăm hecta nhốn nháo tiếng cười đùa khi trúng đàn được vài mươi kg cá. Hôm đó họ được về nhà nghỉ sớm. Khu vực cửa An Hòa đến nay vẫn còn nhiều người làm nghề chỉ bám vào việc thả rớ quay là vậy. Cũng bởi công việc nhẹ nhàng nên phù hợp người lớn tuổi.

Mặn cửa sông, ngọt lịm giữa dòng

Câu ca “Ơi con sông Trường Giang/Con sông mơ màng như dải lụa/Con sông ngọt ngào như tình yêu cái thuở ban đầu…/” trong bài “Hoài niệm Trường Giang” của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển như nhắc nhớ một góc sông quê thân thương.

11 giờ trưa, tiếng loa phát thanh vang giọng đọc: “Đây là Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam” cất lên. Những người làm nghề trên sông nước ít khi mang theo đồng hồ. Họ dựa vào ánh mặt trời mà đoán định thời gian. Hay như hiện tại, tiếng loa vang lên báo hiệu một buổi sáng đánh bắt đã xong. Ai về nhà nấy. Đợi mặt trời nghiêng về hướng tây đổ bóng xế, họ lại bơi ghe lên thăm lưới.

Vừa cột xong dây neo chiếc bè tự chế dưới bến sông, anh Phạm Hữu Thạo, 35 tuổi, một người làm nghề dường như trẻ nhất khúc sông Trường Giang tự hào nói: “Tôi thuộc lớp con cháu những người làm chài lưới trên sông ở đây thôi. Nhưng tính số năm tôi dong ghe đánh bắt thủy sản ở đây cũng được gần 15 năm rồi”.

Nhìn anh Thạo với thân hình lực lưỡng, nước da nám đen rõ nét người miền sông nước; giọng nói vang to chuẩn ăn sóng nói gió đủ hiểu anh yêu con sông này ra sao.

Sinh ra từ vùng quê cát trắng tứ bề, tới năm đủ tuổi nghĩa vụ quân sự, anh Thạo mạnh dạn đăng ký đi. Ra quân, anh bắt đầu vào đời theo nghề phụ xe nay đây mai đó. Nhưng rồi, cái máu sông nước đã kéo chàng thanh niên trở về quê. Ngày đó, chẳng có gì trong tay, tới mùa nào anh Thạo lại rủ anh em giăng lưới đánh loài thủy sản đó. Những tháng mùa hè, loài sứa, cá đối, cá nhồng là nguồn thu nhập chính của người dân ven sông Trường Giang. Ngày may mắn, họ bỏ túi cả triệu đồng mỗi người.

Sứa trên sông Trường Giang là loài nhuyễn thể với thân mình hầu như toàn là nước. Loài sản vật mềm nhũn này đã giúp đời sống cư dân hai bên bờ sông thêm chút khấm khá. Anh Thạo nhắc đến con cá nhồng làm tôi sực nhớ câu chuyện kỷ lục đánh bắt của ông Quảng. Mấy năm trước, rớ của nhà ông Quảng bắt được con cá nhồng dài cả sải tay. Đem về bờ, cân ra hơn 10kg. Giọng nói sang sảng, ông Quảng kể chiến công của mình: “Bữa đó cũng hên con cá bị dính vô đoạn lưới còn chắc. Hồi mắc lưới, chỉ một con cá thôi mà khuấy đục cả đoạn sông. Mình tôi kéo con cá lên ghe muốn đứt hơi. Dưới nước hắn vẫy mạnh lắm. Bắt con cá lên rồi cũng chưa yên. Lỡ mà hắn vẫy một cái mạnh là trật ngay. Cả nhà đưa về tới bờ cả xóm ai cũng bất ngờ do không nghĩ ở cửa sông Trường Giang bữa ni còn cá to. Cá to vài mươi năm trước thì có nhiều do con sông chưa bị nạo vét sâu”.

Nước thủy triều bắt đầu rút ra biển, dòng sông Trường Giang vẫn vắng lặng, yên ả. Bỗng tiếng còi tàu chở hàng mấy nghìn tấn kéo một hồi ba tiếng dài lê thê. Con tàu sắp đi vào cửa An Hòa. Vài chục cái bè tự chế làm nghề của ngư dân sát cửa biển lại chuẩn bị văng lên bờ do sóng vỗ từ con tàu hiện đại kia.

Nước sông Trường Giang mỗi ngày thủy triều lên xuống đều đặn. Con nước càng già thì thời điểm nước rút ra cửa sông Trường Giang càng về chiều. Do khu vực An Hòa ở nơi cuối sông đầu biển, mùa mưa lụt nước dồn về nhiều nhưng không dâng cao. Nhờ đó mà nhà cửa bà con nằm sát mép nước vẫn ít bị thiệt hại.

Con sông Trường Giang có đoạn chỉ cách nước mặn vài trăm mét nhưng có nơi sông ăn sâu vô đất liền mấy cây số. Khi đi qua địa bàn các xã Bình Sa, Bình Triều, Bình Nam (huyện Thăng Bình), sông Trường Giang thẳng tiến song song với những bãi cát trắng của vùng này, không tách rời.

Dòng Trường Giang vẫn bình yên, chứa đựng vẻ đẹp của cảnh sắc miền quê. Vài căn nhà chồ trơ trọi cắm giữa sông, vừa canh đàn cá sắp vào rớ quay mà còn minh chứng cho con sông độc nhất xứ Quảng.

Có chiều dài gần 70km, trước đây, sông Trường Giang là con đường huyết mạch cho ghe bầu giao thương từ vùng An Hòa ra phố cổ Hội An. Dòng chảy này còn là cầu nối của hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn với hệ thống sông Tam Kỳ. Với đặc điểm kỳ lạ, độc đáo của mình nên Trường Giang còn được người dân đôi bờ quen gọi là con sông chảy ngang.