Tết Mậu Thân - Mùa xuân hẹn ngày chiến thắng
Với tốc độ hành quân thần tốc, một ngày hai trạm giao liên, sau mười ngày, ngày 31/1/1968 toàn đội hình trung đoàn đã “lật cánh tây đông”, có mặt tại vùng An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ngay trong đêm Giao thừa đón Tết Mậu Thân, cả ba tiểu đoàn 7, 8, 9 và các đơn vị phối thuộc, cùng Sở chỉ huy Trung đoàn 8 đã ào xuống khu vực cửa Chánh Tây (Thành nội Huế), rồi tràn ra sân bay Tây Lộc, cống Thủy Quan…
Ngày đầu xuân xứ Huế thật đầm ấm tình quân dân. Bà con, cô bác, các cháu thanh, thiếu niên cũng ùa ra chào đón các chiến sĩ Trung đoàn. Họ chúc mừng năm mới cán bộ, chiến sĩ Giải phóng quân, rồi tặng bánh tét, bánh chưng, bánh bột lọc… Bộ đội ta đồng loạt thay bộ quần áo Tô Châu mới toanh để chào đón mùa xuân cùng nhân dân. Trong không gian đón xuân nghĩa tình quân dân, lời chúc Tết của Bác Hồ vang vang từ những chiếc radio các cỡ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên toàn thắng ắt về ta”. Nghe vừa dứt tiếng Bác, quân dân ào lên vỗ tay, rồi đồng thanh: “Tiến lên! Tiến lên chiến sĩ, đồng bào…”. Tiếng reo vui ồn ã trong âm thanh bài hát “Bão nổi lên rồi…” mà ca sĩ Bích Liên đang cất cao từ nhiều chiếc radio.
…Sau ba ngày chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 8 cùng nhân dân hoan hỉ lắng nghe buổi phát thanh vang vang trên đài Huế bản Thông báo số 1 của của Ủy ban khởi nghĩa: Thành phố Huế đã hoàn toàn giải phóng. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Huế đã ra đời, do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Chủ tịch. Các lực lượng cách mạng từ cơ sở, đến thành phố được thành lập để giữ vững mục tiêu “Độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập”. Mục tiêu chung của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.
Tuy nhiên, kẻ địch ngoan cố không chịu khuất phục… Sáng 25/2, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 đã triển khai phương án A3, bí mật lui quân khỏi Huế, bàn giao cho Trung đoàn Cửu Long vào thế quân. Đêm 25/2, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 8 chia tay bà con nhân dân làng An Ninh Thượng, chợ Thông, tạm chia tay Huế để chuẩn bị cho giai đoạn 2 của chiến dịch Mậu Thân. Tình quân dân sắt son, tay nắm chặt tay, nghẹn ngào, cùng nhau hẹn ngày trở lại…
1975 - Mùa xuân toàn thắng
Ngày 15/3/1975, đang hăng say chiến đấu trên chiến trường Thượng Đức - Quảng Đà, Trung đoàn 3 Thuận Hóa (đã đổi phiên hiệu từ Trung đoàn 8) được lệnh quay ra vùng núi Bông, núi Nghệ, La Sơn (nam Huế) để cùng đội hình Sư đoàn 324 vây ép, chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, xuống đường quốc lộ 1, chặn đường tháo chạy của địch từ Huế vào Đà Nẵng. Tin chiến thắng mùa xuân từ Buôn Ma Thuột, từ mọi ngả của chiến trường Miền Nam tràn về làm sáng bừng gương mặt, rạng rỡ nụ cười của từng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn. Đến ngày 20/3, toàn đội hình của Trung đoàn 3 đã có mặt tại khu vực Vũng Tròn Bắc, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế. Cùng các đơn vị của Sư đoàn 324, pháo binh, xe tăng và các đơn vị phối thuộc của Quân đoàn 2, Trung đoàn 3 đã tiến công quyết liệt vào căn cứ núi Bông, núi Nghệ (điểm cao 303) và căn cứ La Sơn của địch. Thời cơ đã đến, trung đoàn vượt qua động Truồi, tràn xuống chiếm quốc lộ 1, cắt đứt đoạn La Sơn, cầu Truồi, rồi đánh ngược ra phía bắc, hướng về thành phố Huế thật nhanh chóng và táo bạo.
8 giờ sáng ngày 25/3, toàn bộ lực lượng của trung đoàn đã triển khai xong đội hình trên quốc lộ 1. Ba khẩu pháo 130 mm của đơn vị phối thuộc đặt ngay trên quốc lộ 1 và làng Nông, được Trung đoàn trưởng ra lệnh bắn chặn tàu địch tháo chạy phía cửa Thuận An. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn thu được 1 xe M48 và 2 xe GMC của địch. Bộ đội ta nổ máy, lái xe cùng các chiến sĩ bộ binh tăng tốc, tiến thẳng ra huyện Hương Thủy. Địch ở huyện Hương Thủy hết hồn vía, tháo chạy về Huế, bỏ lại toàn bộ quân trang, quân dụng, súng ống, tài liệu. Trung đoàn cấp tốc tổ chức lực lượng thọc sâu với lực lượng các binh chủng hợp thành, gồm 7 xe tăng, hai đại đội bộ binh có trang bị pháo, cối 82, ĐKZ và súng 12ly7, tiến vào Huế theo đội hình hàng dọc trên đường quốc lộ 1.
Nhân dân thị trấn Hương Thủy tràn ra đường, hoan hô, vui mừng chào đón quân ta. Trong số hàng trăm người dân trai, gái, trẻ già có người cười, có người khóc vì sung sướng. Có người còn xách cả bình nước lớn, luôn tay rót mời bộ đội. Có người hỏi to: Có phải quân ta đã giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên rồi, phải không các chú? Nhiều người cùng reo lên: Rứa là hết, từ ri hết khổ rồi mấy mệ, mấy o ơi!
Sau mấy ngày đêm tiến công địch liên tục, đoàn quân Trung đoàn 3 tiến về thành Huế. Đội hình trung đoàn, dẫn đầu là xe tăng, xe bọc thép vừa thu được của địch, đều cắm cờ Giải phóng trên mui. Tiếp theo là xe ca, xe đò của hãng Phi Long, các loại xe khác tự nguyện nhập đoàn, chuyên chở hai đại đội (C9, C11) cùng các khí tài, quân dụng của đơn vị cối, ĐKZ cứ ào ạt, rộn vui.
Gần trưa, đoàn xe rầm rập qua cầu Tràng Tiền. Đến đầu chợ Đông Ba, đoàn quân dừng lại triển khai chốt giữ các ngả đường. Phía sau đội hình triển khai chốt giữ các ngả đường khu Nam sông Hương. Trung đoàn cho các mũi tiến quân chiếm giữ cột cờ Phu Văn Lâu, ngân hàng, đài phát thanh, nhà ga, Mang cá lớn, Mang cá bé, đại nội, lao Thừa Phủ, tòa thị chính, khu tam giác Nam sông Hương… Nhưng, tất cả đều được quán triệt tuyệt đối không để đạn lạc vào người dân, nổ súng nhầm vào bộ đội các đơn vị khác cùng vào Huế.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả các mũi tiến công của trung đoàn báo về: Đã hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu. Một lá cờ giải phóng cỡ nhỏ của đại đội 25 của trung đoàn đã bay trên cột cờ Phu Văn Lâu. Nhân dân Huế đổ ra đường người người, lớp lớp. Trên hai nghìn người dân bị địch nhốt trong lao Thừa Phủ được trung đoàn mở lao trả tự do. Hàng trăm tấn đạn, gạo khí tài thu được, hàng trăm tù binh ngụy đã tự nguyện quy hàng. Trung đoàn phân công cán bộ dân vận, quân y cùng cán bộ cơ sở vận động nhân dân cảnh giác bảo vệ thành quả, treo cờ giải phóng, tham gia chữa trị cho thương binh, cả binh lính địch bị thương đang điều trị tại bệnh viện địch. Bà con, cô bác vẫn tràn ngập những con phố, hò reo vây quanh các chiến sĩ Giải phóng.
Các tin tức từ chỉ huy Sư đoàn 324, từ nhân dân báo về: Địch đang co cụm với số lượng lớn tại khu vực cửa biển Thuận An. 13 giờ cùng ngày, Trung đoàn tổ chức một tiểu đoàn, cùng một đại đội xe tăng gồm 6 chiếc T54, 1 xe M48 vừa thu được của địch, tiến ra cửa Thuận An. Bọn địch co cụm thành nhiều tốp, khá đông. Chúng bắn trả cầm chừng để chờ tàu chiến vào cứu viện. Trung đoàn cho pháo binh bắn vào những chiếc tàu địch đang tiến vào cảng. Cán bộ, chiến sĩ ta gọi loa kêu gọi anh em binh sĩ địch hãy đầu hàng… Đến 16 giờ cùng ngày, quân ngụy đã lũ lượt kéo ra đầu hàng.
Ngay trong chiều 26/3, Trung đoàn nhận được nhiệm vụ từ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải là: Đi đầu tiến quân vào giải phóng Đà Nẵng. Cùng với đội quân thiết giáp, pháo binh, trung đoàn lại rùng rùng hành quân vào Đà Nẵng trong cờ hoa vẫy chào, lời hẹn hò với nhân dân Huế: Chúng con sẽ chiến đấu vì nhân dân, chúng con sẽ cùng nhân dân giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Và, hơn 9 giờ ngày 29/3/1975, Trung đoàn 3 - Thuận Hóa đã có mặt, giương cao lá cờ giải phóng trên nóc sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy tại thành phố Đà Nẵng…
Hai mùa xuân lịch sử với Huế, Trung đoàn 3 - Thuận Hóa đã lập bao chiến công không thể thống kê hết. Nhiều người lính của trung đoàn đã nằm lại trên mảnh đất thân thương này. Tình nghĩa quân dân ở Huế chắc chắn cũng không sử sách nào ghi lại được đầy đủ. Nhiều người lính phía bên kia, nay đã trở thành những người bạn thân thiết với gia đình các cựu chiến binh của Trung đoàn 3 - Thuận Hóa Anh hùng.
(Bài viết có tham khảo tài liệu “Lịch sử Trung đoàn 3” và cuốn hồi ký “Trung đoàn một thời chiến trận” của Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 - Thuận Hóa, NXB QĐND, tháng 3/2019).