BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Chuyện hai người đảng viên đặc biệt (kỳ 2)

Kỳ 2: Ông Cao Dáng ở thôn Bác Hồ
0:00 / 0:00
0:00
Ông Cao Dáng bên vườn bưởi da xanh ông tiên phong trồng và vận động người dân làm theo.
Ông Cao Dáng bên vườn bưởi da xanh ông tiên phong trồng và vận động người dân làm theo.

(Tiếp theo và hết)

Sau 30 năm làm lãnh đạo xã Khánh Nam (huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), món quà lớn nhất ông Cao Dáng có được và khoe với tôi là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức và hành động của người dân Khánh Nam.

Người bí thư xã thường xuyên ở rẫy nhà dân

Gần 20 năm trước, khi ông Cao Dáng còn làm Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nam tôi đã có nhiều lần gặp ông, lần nào cũng tại ruộng-rẫy của người dân, dù đang trong giờ hành chính. Đến bây giờ vẫn vậy. Đón khách ngay tại vườn nhà ông Hoàng Văn Thành (thôn A Xây, xã Khánh Nam), ông Dáng tự tin: “Gần 70 tuổi, là người có uy tín trong cộng đồng, tôi vẫn cưỡi xe máy thường xuyên đi khắp nương-rẫy của bà con để vận động xây dựng đời sống mới, làm giàu bằng cây ăn quả chủ lực”.

Lý giải về biệt danh “ông Cao Dáng thôn Bác Hồ”, ông Dáng kể, có tên gọi này bởi ông sống ở thôn A Xây và từ thời thiếu niên đã ước mong nhanh lớn làm Bộ đội Cụ Hồ. Thời kháng chiến chống Mỹ-Ngụy, một lòng theo cách mạng. Năm 1969, sau trận càn, mùi bom đạn còn mịt mùng vây kín thôn nhưng nhiều người vẫn lao hút vào rừng kiếm thuốc về kịp chữa trị cho bộ đội. Mỗi lần gặp khó khăn, dân làng A Xây lại tự nhủ, cố lên vì mình là cháu Bác Hồ.

Với mục tiêu phá hủy A Xây, địch liên tục nã bom đạn xuống làng. Một trong những du kích dũng mãnh nhất A Xây khi đó là Ma Xanh. Sau nhiều trận đụng độ ác liệt với địch, ông Ma Xanh vẫn rực sáng niềm tin, đứng giữa làng quả quyết: “Lời của Bác Hồ là sức mạnh, là lời của non sông phải ghi nhớ một lòng theo Đảng, cách mạng”. Với tinh thần cách mạng này, năm 1971, thôn A Xây được Huyện ủy Khánh Vĩnh phong tặng danh hiệu thôn Bác Hồ (điều này được ghi rõ tại trang 67 cuốn sách Lịch sử cách mạng xã Khánh Nam).

Để xứng đáng là người dân thôn Bác Hồ, năm 1972, ông Cao Dáng xung phong vào bộ đội chủ lực để đánh địch ở đường 21 (con đường huyết mạch từ Tây Nguyên đi miền Nam Trung Bộ, nay là Quốc lộ 26 từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang). “Tôi sinh năm 1956, khi xung phong vào bộ đội chủ lực mới 16 tuổi nên lúc đầu làm liên lạc, sau một thời gian mới được trực tiếp cầm súng bao vây, chặn đầu khóa đuôi những chuyến xe của địch lưu thông trên đường 21. Sau ngày giải phóng, tôi được phục viên quay về làm cán bộ ở địa phương. Năm 1985 đến 2011, tôi làm Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nam, năm 2011 đến hết 2015 thì làm Chủ tịch UBND xã”, ông Dáng chia sẻ.

Ngày đầu nhận chức Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nam và thường xuyên nhiều ngày sau đó, ông Dáng sắn quần chạy bộ đến rẫy từng nhà dân quán triệt, không được đầu hàng những quả đồi cằn, những rẫy ruộng dày đặc đá. “Hơn ai hết, mình thấu hiểu hạn chế lớn nhất của người dân xã Khánh Nam là thay đổi nhận thức và hành động để bắt nhịp sự phát triển mới. Thế nên, với vai trò bí thư xã, tôi xem bờ rẫy là giường, rừng là nơi che nắng để đi vận động nhân dân mệt quá thì nằm nghỉ tạm”, ông Dáng nói.

Không chỉ nói, cuối tuần, ông Dáng đánh trần, vác cày, cuốc vỡ vạc 4 sào đất hoang bao quanh căn nhà mình để trồng mía tím (đỏ), sắn, ngô theo kỹ thuật mới với việc bón phân, tưới nước khoa học. Chẳng mấy chốc vườn hoa màu nhà ông xanh tươi, cho năng suất cao.

Ngày đó, hộ nghèo đói ở xã Khánh Nam còn nhiều nhưng quen nếp nghĩ canh tác là chỉ cần lấy cây nhọn chọc xuống đất rồi gieo hạt ngô, chờ cây mọc và trưởng thành tự nhiên. Vậy nên, ông Dáng mua 10 đôi dép cao su chạy bộ trên đường đất đến từng gia đình, dẫn họ đến tham quan vườn nhà ông rồi nói cho họ rõ, phải thay đổi nếp nghĩ, phải trồng hoa màu theo kỹ thuận mới, chăm sóc, bón phân khoa học. Sau đó tiến lên mô hình vườn-ao-chuồng mới tạo nên cuộc “cách mạng” thoát nghèo. “Tôi vẫn nói với từng người dân, hãy thay đổi tư duy và bắt tay vào trồng hoa màu kỹ thuật mới, nếu ra thành quả thì tự hưởng còn thất bại thì tìm đến bí thư xã mà bắt đền”, ông Dáng tâm tình.

Có hôm từ sáng sớm đến tối mịt, Bí thư xã Cao Dáng đi tập hợp tất cả cánh đàn ông trong xã lại và nói: “Đảng, Nhà nước luôn sát cánh bên nhân dân nhưng người dân không được ỷ lại. Phải thay đổi nếp nghĩ và hành động làm mô hình kinh tế mới ngay, tôi là bí thư xã, là người con của vùng đất này, nếu nói sai, các anh cứ đến bắt vạ và chửi thẳng vào mặt tôi đây”.

Có ngày ở rẫy người dân về, ông Dáng vừa ngủ thiếp đi bên hiên nhà thì nhiều người đàn ông mang mái tóc nhuốm màu sương gió chạy xộc vào, gào lên: “Đào ao thả cá rồi, sao không thấy nó nổi lên, cây ngô trồng cứ cao xanh mà chưa thấy ra bắp, còn chọc lỗ gieo hạt như cũ, cây ngô thấp tè đã ra bắp”. Lúc này, ông Dáng giải thích nhẹ nhàng, ngô được chăm bón nên cao và sẽ ra bắp to hơn, cá sau mấy tháng sẽ có người đến mua giá cao.

Không chỉ đến rẫy từng nhà dân giúp bà con đột phá về kinh tế, ông Dáng còn như một tuyên truyền viên đặc biệt, giúp người dân Khánh Nam xóa bỏ tư duy “trời sinh voi, sinh cỏ”, sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời bỏ hẳn thói quen lạc hậu cúng bái khi có bệnh hay tổ chức ăn uống rình rang khi có đám hiếu-hỷ.

Mưa lâu thấm dần, qua thời gian, người dân xã Khánh Hòa hiểu tấm lòng của ông Dáng. Chẳng mấy chốc, hàng trăm gia đình đồng loạt thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy, trồng hoa màu theo kỹ thuật mới. Nhiều gia đình như bà Mèn, ông Tùng… từ túng thiếu đã làm giàu nhờ mô hình vườn-ao-chuồng.

Chuyện hai người đảng viên đặc biệt (kỳ 2) ảnh 1

Các thôn ở xã Khánh Nam đã no ấm và đang không ngừng vươn lên.

Như bóng cả nơi vùng cao

Khi đời sống nhân dân xã Khánh Nam đã ấm no, năm 2012, ông Cao Dáng lăn lộn đi khắp nơi nghiên cứu và mang cây bưởi da xanh về trồng thử nghiệm thành công tại địa phương. Trung bình 1 ha, mỗi năm lời hơn 100 triệu đồng, cao hơn trồng mía.

Cuộc vận động chuyển trồng mía sang bưởi da xanh lại được ông Dáng lăn vào thực hiện. Ông Dáng bảo: “Tôi chỉ nói ngắn gọn với người dân, bưởi da xanh mang lại thu nhập cao, trồng một lần thu hoạch nhiều năm chứ không như cây mía. Tôi có nói sai hãy xử tội tôi”.

Trực tiếp thấy thương lái đến nhà ông Dáng thu mua bưởi da xanh giá cao, người xã Khánh Nam đồng lòng chuyển trồng mía sang bưởi. Nhiều gia đình ở Khánh Nam đã giàu lên nhờ bưởi da xanh cho biết, loại cây này chỉ cần trồng hơn 2 năm, tưới đủ nước là ra trái suốt 4 mùa, thế nên vào thời kỳ giáp hạt vẫn có “tiền vào”. Ai cũng biết ơn ông Dáng.

Ông Cao Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cũng cho biết, ông Cao Dáng là tấm gương điển hình vì cộng đồng, ông bền bỉ học theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Hiện ông là người có uy tín trong làm kinh tế để người dân học hỏi, làm theo.

Dốc hết tâm huyết gắn bó với cây bưởi da xanh, ông Hoàng Văn Thành (thôn A Xây) thổ lộ: “Nhà tôi trồng khoảng 1,5 ha, mỗi năm trừ chi phí, lời hơn 150 triệu đồng. Niềm vui lớn nhất là bà con nhân dân vùng cao này giờ đây ai cũng thích thú cây đặc sản này. Trẻ em thì tỉa lá, thanh niên thì tưới nước, chăm sóc cho cây. Giờ nhìn diện mạo xã Khánh Nam, ít ai tin được trước kia đây chỉ là nơi kham khổ, nghèo nàn, chỉ biết chọc cây nhọn xuống đất và gieo hạt ngô.

Đi qua hơn 60 mùa rẫy, ông Cao Xuân Ngọc (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) mãn nguyện khi xây được nhà kiên cố, có vườn bưởi trĩu quả và tiệm buôn bán lớn. Nhưng khi nhắc đến ông Dáng, ông Ngọc lại rưng rưng xúc cảm: “Khắp vùng cao này phát triển được kinh tế hộ gia đình, mạnh dạn làm trang trại cũng nhờ tin và làm theo ông Dáng cả. Ông ấy như người thầy, người anh cả đặc biệt ở đây”.

Chuyện hai người đảng viên đặc biệt (kỳ 1)