Biên giới là quê hương
Đồn Biên phòng Làng Ho đóng trên địa bàn xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp với nước bạn Lào. Đây là một xã biên giới có địa hình đồi dốc phức tạp, thuộc vùng sâu, vùng xa, với điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Xã có đường Hồ Chí Minh đi qua, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Lâm Thủy cũng là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, gắn liền với địa danh lịch sử - Km 33 anh hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Chúng tôi phải vượt qua 57 km đường rừng từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy. Qua nhiều dốc đèo và các trảng rừng mênh mông là những ngôi nhà sàn ẩn hiện dưới những con dốc ngoằn ngoèo, vực sâu hun hút. Núi rừng bát ngát, hùng vĩ, khiến cho hết thảy mọi người trầm trồ, ngơ ngác. Vén màn sương phủ kín mặt là con đường tít tắp, đá núi dựng đứng như lời bài hát của đồng bào: “Ta ngã nghiêng trên núi/Mặt trời chia lửa cho suối/Em đi đâu mà bước thấp bước cao/Thôi ta bán gió trời để say”.
Thế mới biết, để đi tuần tra và kiểm tra cột mốc biên giới, bộ đội biên phòng Làng Ho phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Bất kể thời tiết mưa nắng, ngày hay đêm, mỗi quý các anh đi ít nhất 4 lần với lộ trình 3 ngày, 2 đêm. Con đường gập ghềnh, nhiều cheo leo, hiểm trở đòi hỏi tinh thần và ý chí bền bỉ cùng với sự cảnh giác cao độ. Các anh có thể đối mặt với những tình huống nguy hiểm như buôn lậu, vận chuyển hàng cấm hay các đối tượng vượt biên trái phép.
Trung tá Nguyễn Trung Hải, Đồn trưởng Biên phòng Làng Ho, chia sẻ: “Tuần tra và đi cột mốc biên giới không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Mỗi cột mốc, mỗi tấc đất của đất nước là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đồng bào là anh em
Trong hơn 5 năm qua, tình hình thời tiết có nhiều bất lợi, tình trạng sạt lở, lũ quét ở vùng biên giới Lâm Thủy diễn ra ngày càng phức tạp. Mỗi khi đến mùa đông, mưa rừng trút nước ào ạt. Gió to, mưa lớn liên tục khiến nước không kịp chảy xuống hạ nguồn gây ra lũ quét khiến nhiều quả đồi bị sập, đá rơi lấp đường 16 và đường 10. Nhiều đoạn đường xung yếu bị vỡ, bản Tân Ly có vết nứt sâu từ vách núi. Cứ mỗi lần như thế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho lại trở thành những người cứu hộ tuyến đầu.
Bà con xã Lâm Thủy không thể nào quên được trận đại hồng thủy năm 2020 và trận lũ năm 2024. Khi nước lũ dâng cao, hàng chục hộ dân ở bản Tân Ly, bản Bạch Đàn, bản Tăng Ký bị cô lập, nhiều ngôi nhà bị đe dọa nghiêm trọng. Bất chấp hiểm nguy, các chiến sĩ đồn Biên phòng Làng Ho đã vượt lũ, kịp thời sơ tán bà con vào trú ẩn nơi an toàn. Lãnh đạo đồn cử cán bộ, chiến sĩ vào các trường học đóng trên địa bàn tiếp sức cho các thầy, cô giáo để đưa học sinh về bản. Thiếu tá Trương Tấn Thắng bồi hồi: “Những lúc như thế, chúng tôi theo lệnh của chỉ huy không quản nguy hiểm, làm đúng theo quân lệnh và trái tim để xứng đáng là điểm tựa cho bà con dân bản cũng như các lực lượng đóng trên địa bàn”.
Khi mưa gió đã đi qua, bộ đội lại giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường. Các anh tiếp tục hỗ trợ bà con thu dọn nhà cửa, chằng lại mái nhà, khôi phục sản xuất. Hình ảnh những người lính biên phòng với đôi bàn tay lấm lem bùn đất, mồ hôi vã ra như tắm cùng bà con vận chuyển tài sản, dựng lại mái nhà luôn ở lại trong tâm trí mọi người.
![]() |
Bộ đội biên phòng giúp sửa nhà cho dân bản. |
Học sinh là niềm yêu thương
Trước đây, khi đường sá chưa thông thương, việc đi lại giữa vùng xuôi và vùng miền núi khó khăn, bộ đội biên phòng trở thành người thầy giáo có quân hàm xanh. Các anh thực sự là những giáo viên cắm bản, hết lòng tiếp sức cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Lâm Thủy.
Con chữ như được mọc lên từ lòng đất bởi vùng biên giới xa xôi như Lâm Thủy, việc học hành của trẻ em là một hành trình đầy thử thách. Địa hình cách trở, mùa mưa lũ kéo dài, nhiều em nhỏ phải băng rừng, lội suối đến trường. Hồi trước, đường vào bản Bạch Đàn phải lội qua 9 con suối với vô vàn hiểm nguy. Thấu hiểu điều đó, các chiến sĩ đồn biên phòng Làng Ho đã không ngại nguy hiểm làm công việc, đón, đưa học sinh đến lớp an toàn.
Câu chuyện về những người lính biên phòng cõng học sinh qua suối đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Mỗi mùa mưa đến, những con suối vốn hiền hòa bỗng trở nên dữ dội. Nếu không có sự hỗ trợ của các chiến sĩ, nhiều em sẽ phải nghỉ học. Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Lâm Thủy đã phối hợp Đồn Biên phòng Làng Ho để duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần của học sinh. “Cứ đến những ngày mưa to, gió lớn, các chiến sĩ lại hướng dẫn, tổ chức và cõng các em qua suối về nhà an toàn. Có khi đường bị sập, các anh phải cõng các em băng đường rừng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh”. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh xúc động kể.
Ngoài ra, khi học sinh nghỉ học không có lý do hoặc có nguy cơ bỏ học, các thầy cô giáo phối hợp Đồn Biên phòng Làng Ho làm tốt công tác vận động học sinh đến trường. Các anh cùng giáo viên đến từng nóc nhà, từng bản, kiên trì thuyết phục bà con để con em được đến trường. Nhờ đó, tình trạng học sinh bỏ học đã được chấm dứt.
Đồn Biên phòng Làng Ho còn thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng”, chăm lo cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện tại, đồn đã nhận 20 học sinh làm “con nuôi” và nâng bước em đến trường có 34 học sinh. Các anh còn trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Em Hồ Văn Khánh, một trong những “con nuôi” của đồn, xúc động chia sẻ: “Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia đình 4 anh em nên ông bà không có điều kiện chăm sóc và cho đi học. Nhưng nhờ có các chú bộ đội, em được ăn no, mặc ấm, được đến trường mỗi ngày. Các chú còn kèm cặp em học vào ban đêm, tập cho em biết gấp chăn, tập thể dục buổi sáng, lao động vệ sinh…”.
Để chăm sóc các em, ngoài thời gian làm nhiệm vụ, các chiến sĩ còn kiêm luôn vai trò của những người cha, người anh. Từ việc dạy chữ, hướng dẫn kỹ năng sống đến việc nấu ăn, giặt giũ… đều được các anh tận tình chỉ bảo. Chính những điều giản dị ấy đã giúp những đứa trẻ vùng cao có thêm niềm tin vào cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ vươn xa.
Bài ca biên giới
Nơi vùng biên giới xa xôi của huyện Lệ Thủy, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho kể cho tôi nghe những câu chuyện các anh tham gia giúp đỡ bà con Bru - Vân Kiều như thu hoạch lúa nước, dựng lán, dựng nhà, tổ chức khám chữa bệnh. Nó cũng như lẽ sống của các anh khi coi: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Chính tình yêu ấy đã tạo nên một bản tình ca, nhiều câu chuyện đẹp về tình quân dân keo sơn, gắn bó. Vì thế, mỗi lần nhắc đến Đồn biên phòng Làng Ho, người dân Lâm Thủy đều bày tỏ sự biết ơn sâu sắc. Những người lính biên phòng nơi đây không chỉ là những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc mà còn là những người con, người anh em ruột thịt của bà con. Họ sống và cống hiến với một tình yêu vô điều kiện dành cho mảnh đất này.
Mặt trời tỏa xuống dịu dàng trên vùng biên giới Lâm Thủy, những người lính lại tiếp tục công việc thường ngày. Dẫu còn biết bao khó khăn do xa nhà, điều kiện công tác còn nhiều gian khổ song ánh mắt họ vẫn ánh lên niềm tin và sự kiên định của người lính Cụ Hồ. Và có lẽ, những đóng góp thầm lặng ấy mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn cảm hứng để lớp lớp thế hệ sau tiếp tục nối bước, viết tiếp bản tình ca nơi biên giới Tổ quốc.