Trong những nỗi hoài nghi

"Tổng thống sẽ thể hiện rằng ông lạc quan về tương lai đất nước như thế nào", Thư ký Báo chí Nhà trắng Karin Jean-Pierre hé lộ, trước khi Thông điệp Liên bang Hoa Kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đọc vào tối 7/2 (21 giờ Bờ Đông nước Mỹ, tức 9 giờ sáng 8/2 theo giờ Việt Nam). Song, bất cứ ai quan tâm đến tình hình chính trị nước Mỹ cũng hiểu: Mục đích quan trọng nhất của thông điệp này chính là việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là lần thứ hai ông Biden trình bày Thông điệp Liên bang trong nhiệm kỳ Tổng thống. (Ảnh: Reuters)
Đây là lần thứ hai ông Biden trình bày Thông điệp Liên bang trong nhiệm kỳ Tổng thống. (Ảnh: Reuters)

VỚI sự giúp đỡ của nhiều người trong căn phòng này, chính quyền của tôi đã tạo ra 12 triệu việc làm mới trong hai năm, nhiều hơn bất kỳ Tổng thống nào từng làm được trong nhiệm kỳ bốn năm", ông chủ Nhà trắng tự hào phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Và ông nhắn nhủ: "Gửi những người bạn thuộc đảng Cộng hòa: Nếu chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong Quốc hội nhiệm kỳ trước, thì không có lý do gì chúng ta không thể làm việc cùng nhau trong Quốc hội nhiệm kỳ mới này. Người dân đã gửi cho chúng ta thông điệp rõ ràng rằng tranh đấu vì lợi ích, quyền lực và xung đột sẽ chẳng đưa chúng ta đến đâu cả!".

Ông cũng đề cập kế hoạch của mình, là "đầu tư vào những nơi và những con người đã bị lãng quên", bởi trong những biến động kinh tế suốt 40 năm qua, "quá nhiều người đã bị bỏ lại phía sau, hoặc bị đối xử như thể họ vô hình". "Và đó luôn là tầm nhìn của tôi đối với đất nước: khôi phục linh hồn quốc gia, tái củng cố xương sống của nước Mỹ-tầng lớp trung lưu, và đoàn kết đất nước", ông nhấn mạnh.

HẦU như, tất cả những nội dung trong bản Thông điệp Liên bang lần này đều đã được giới quan sát quốc tế đoán trước. Nói cách khác, đối diện với một Quốc hội Mỹ bị chia rẽ (hay đúng hơn là đang tuột dần khỏi tay đảng Dân chủ) sau khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái, ông Joe Biden sẽ càng phải tận dụng mọi cơ hội để làm tăng sức thuyết phục và hấp dẫn của mình cũng như đảng Dân chủ, đối với các cử tri sẽ đi bỏ phiếu sau gần 24 tháng nữa.

Đúng như dự đoán của không ít nhà phân tích, Tổng thống Mỹ đã giành phần lớn thời gian để đưa ra các lời kêu gọi, tô đậm những nỗ lực cũng như thành quả trong hai năm qua, thay vì nói tới các định hướng cụ thể và kế hoạch chi tiết cho tương lai gần.

Bên ngoài Đồi Capitol, ngược lại với những âm vang rộn rã ấy, các chuyên gia kinh tế đã sớm chỉ ra những thách thức. Mới nhất, ngày 7/2, Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy: Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 12/2022 đã tăng 10,5% lên mức 67,4 tỷ USD (trong khi mới tháng 11/2022, thâm hụt thương mại của Mỹ giảm 21,1% xuống còn 61 tỷ USD).

Khi tính đến lạm phát, thâm hụt thương mại thực tế của Mỹ trong tháng 12/2022 là 98,6 tỷ USD, tăng từ 96,1 tỷ USD trong tháng 11/2022. Còn tính theo năm, thâm hụt thương mại năm 2022 của Mỹ chạm mức cao kỷ lục là 948,1 tỷ USD (chiếm 3,7% GDP), tăng so mức 845 tỷ USD (chiếm 3,6% GDP) của năm 2021.

Không chỉ vậy, chuỗi bốn lần liên tiếp tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tạo nên nguy cơ suy giảm chi tiêu đối với thị trường.

Song song, trần nợ công của Chính phủ Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ liên bang vào tháng 1/2023, buộc Bộ Tài chính phải bắt đầu áp dụng các biện pháp đặc biệt, nhằm tránh việc chính phủ vỡ nợ, gây những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Và cuối cùng, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong nhiều thập niên qua. Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng 5%.

TẤT cả những thách thức này đều có thể trở thành "cạm bẫy chết người", tại cuộc đua đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ kỳ tới. Và do đó, đảng Dân chủ cũng như Tổng thống Mỹ Joe Biden phải tìm mọi cách để xử lý chúng.

Song, đặc trưng của hệ thống chính trị Mỹ lại luôn tạo nên một bối cảnh "éo le" truyền thống: Mọi quyết định của đảng đang nắm quyền sẽ gần như chắc chắn bị ngáng trở bởi phe đối lập tại Quốc hội, để những quyết sách quan trọng nhất đều không thể dễ dàng được thông qua. Mà hiện tại, đảng Cộng hòa đã giành lại được quyền kiểm soát Hạ viện.

Thế nên, trước mắt ông chủ Nhà trắng chắc chắn không chỉ là những niềm lạc quan.