Triển vọng từ cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt

Trong hơn một tháng vừa qua, thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm. Chỉ số VN-Index là thước đo của thị trường đã giảm 12,7% trong tháng 10 và giảm 36,2% so với hồi đầu năm. Sự sụt giảm xảy ra trên diện rộng khi 348 trong số 413 cổ phiếu giảm giá trên mọi ngành. Áp lực bán lên mức cao nhất trong nhiều tháng nay trong bối cảnh lãi suất tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III/2022.
Các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III/2022.

Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra 5 nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh: Thứ nhất là thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, đi xuống sau hơn hai năm tăng khá nóng. Thứ hai là do rủi ro và thách thức gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu và cả ở trong nước. Thứ ba là dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh vì lãi suất tăng, các nhà đầu tư nước ngoài không còn tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ dễ dàng... Thứ tư là áp lực giải chấp do lãi suất tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư phải bán sớm để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng để thế chấp cho các khoản vay ký quỹ. Thứ năm là tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 10, khối lượng giao dịch trên ba sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM giảm 16,9% xuống chỉ còn 0,5 tỷ USD. Cho đến nay đây là mức thấp về thanh khoản trong năm. Trong khi đó, lãi suất huy động vốn tăng làm suy yếu sức mua của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời làm giảm sự quan tâm đến cổ phiếu. Thông thường, các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm 85-90% tổng khối lượng giao dịch. Nhưng hiện nay, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 80%. Khối nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán 57 triệu USD trong tháng 10, dẫn đến tổng giá trị bán ròng so với đầu năm là 46 triệu USD.

Vừa qua, các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III/2022. Dựa trên những con số sơ bộ, hầu hết các ngân hàng đều công bố lợi nhuận cao với mức tăng trưởng hai con số. Trong tương lai, mặc dù việc tăng lãi suất huy động sẽ làm giảm biên lãi ròng trong ngắn hạn, các ngân hàng có thể chuyển dần lãi suất cao hơn cho khách hàng nhờ lãi suất cho vay thả nổi trong năm tới. Nợ xấu dự kiến ​​sẽ tăng do lãi suất cao hơn và điều kiện thanh khoản thắt chặt hơn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đã có sự chuẩn bị tốt với mức vốn đệm đủ và tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay cao. Tổng thu nhập của ngành ngân hàng năm 2023 dự kiến ​​sẽ thấp hơn các năm trước, nhưng sẽ không xảy ra khủng hoảng ngân hàng như 10 năm trước, do kinh tế vĩ mô và nội lực của các ngân hàng đã khác trước đây rất nhiều.

Đối với các công ty bất động sản, doanh thu dao động khá nhiều do kế hoạch hạch toán doanh thu khác nhau. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của ngành bất động sản sẽ cao hơn do công ty bất động sản lớn nhất là Vinhomes đã đạt được lợi nhuận trong một quý cao nhất trong lịch sử. Các công ty bất động sản như Vinhomes và Nam Long Group cho biết, họ sẽ công bố lợi nhuận tốt trong các quý tới. Nhìn chung, lợi nhuận của các ngân hàng và công ty bất động sản vẫn ổn định trong ba quý vừa qua. Nhưng lợi nhuận của các ngân hàng dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong các quý tới do lãi suất tăng và thanh khoản đang được thắt chặt hơn trong hệ thống ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về tổng thể, kết quả kinh doanh trong chín tháng đầu năm cũng khả quan ở các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các công ty công nghiệp và vật liệu khá trái chiều do giá các mặt hàng công nghiệp giảm mạnh. Một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm, thí dụ như các công ty sản xuất ống nhựa. Nhưng một số doanh nghiệp khác lại bị giảm giá bán nhanh chóng như các công ty ngành thép. Đối với các mặt hàng tiêu dùng chủ lực, ngành dịch vụ kinh doanh thực phẩm F&B phục hồi mạnh mẽ trong quý III do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng trở lại ở tất cả các kênh phân phối, được hỗ trợ bởi các hoạt động bên ngoài và sự phục hồi nhanh chóng của thị trường du lịch nước ngoài.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong chín tháng đầu năm của Sabeco tăng 76,9% so với cùng kỳ (cao hơn mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19). Masan Consumer Holdings công bố lợi nhuận chín tháng đầu năm tăng 5,2%. Doanh thu chín tháng của Đường Quảng Ngãi tăng 9,3%, nhưng lợi nhuận ròng không đổi do giá nguyên liệu đầu vào cao hơn (đậu tương, đường...)…

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp ngành dược phẩm cũng ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc, do xảy ra hai đợt dịch sốt xuất huyết và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thuốc liên quan đến cúm, đồng thời nhu cầu điều trị bệnh không bị kìm hãm sau khi dỡ bỏ giãn cách do dịch Covid-19. Ngoài ra, trong quý III/2022, Dược Hậu Giang ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao lịch sử là 262 tỷ đồng (tăng 22,6%). Lợi nhuận ròng quý III/2022 của Dược Y tế Bình Định tăng 31,2% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chín tháng đầu năm tăng trưởng 21,8%.

Vào cuối tháng 10, 100 cổ phiếu hàng đầu của Việt Nam đang giao dịch với chỉ số P/E 2023F là 8,9 lần, P/B 1,4 lần và với mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu EPS 2023F là 15,2%. Trong ngắn hạn, điều kiện thanh khoản thắt chặt hơn và lãi suất tăng sẽ tiếp tục tạo ra áp lực bán trên thị trường chứng khoán. Do đó, rất khó để dự báo thời điểm chứng khoán chạm đáy và khi nào thì sự phục hồi sẽ bắt đầu.

Tuy nhiên, định giá thị trường hiện tại đã sai lệch nhiều so với mức định giá cổ phiếu hợp lý. Các nhà đầu tư sẽ dần lấy lại niềm tin sau giai đoạn bất ổn hiện tại. Nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động tốt đang giao dịch theo giá trị sổ sách nhưng vẫn tiếp tục có triển vọng thu nhập tốt.