Cần thiết công khai lãi suất cho vay bình quân

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu phải công khai mức lãi suất cho vay bình quân nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng khiến nhiều ngân hàng “than” khó. Tuy nhiên, nhà điều hành cho rằng, động thái này là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có cơ sở so sánh, lựa chọn.
0:00 / 0:00
0:00
Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Ảnh: NGUYỆT ANH
Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Ảnh: NGUYỆT ANH

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã có Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, có chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên website của từng tổ chức tín dụng.

Ngày 23/2 vừa qua, là thời hạn cuối cùng để các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân. Các ngân hàng nêu chi tiết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ về công khai thông tin lãi suất cho vay.

Ngân hàng “than” khó

Trước đó, tại Thông báo số 527/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 18/12/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân có thể lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay tiền.

Trước đề nghị của NHNN, các ngân hàng đều cho biết, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng… lâu nay đều được công khai. Tuy nhiên, đối với khách hàng doanh nghiệp có đặc thù riêng, lãi suất phụ thuộc tổng thể vào lợi ích từ phía các tổ chức, nên mức lãi suất cũng sẽ không giống nhau, dẫn tới rất khó có mức bình quân.

Theo ông Hồ Việt Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank, thời gian qua, ngân hàng đã giảm lãi suất 1,5-2 %, thậm chí có khách hàng được giảm tới 3%. Tính đến hiện tại, có khách hàng vay lãi suất trung và dài hạn chỉ 10-

11 % nhưng vẫn phản ứng với ngân hàng do lãi suất huy động giảm sâu. Do đó, nếu áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân, sẽ dẫn đến tình trạng các khách hàng vay cũ, đã được hưởng ưu đãi tiếp tục đòi giảm lãi suất.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, ông Phạm Quang Thắng cho hay, hiện lãi suất đã giảm dần (cả với lãi suất cho vay). Lãi suất cho vay tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng và mức độ rủi ro. Việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Lê Quốc Long, Tổng Giám đốc SeABank cũng cho biết, việc công bố lãi suất cho vay bình quân với doanh nghiệp là một yêu cầu khó đối với các ngân hàng, bởi liên quan đến việc cơ chế cho từng doanh nghiệp, từng chính sách và mức độ rủi ro khác nhau.

Tương tự, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng cho rằng, riêng với hoạt động cho vay, lãi suất được quyết định bởi nhiều yếu tố, nên đưa một mức lãi suất chung là không hợp lý. “Việc công bố lãi suất bảo đảm công khai minh bạch, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu ngân hàng được công bố theo từng phân khúc, sản phẩm, loại hình rủi ro và theo thời hạn ngắn dài”, ông Hưng nhấn mạnh.

Không chỉ khối ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng quốc doanh như BIDV, Vietcombank cũng cho rằng, khối khách hàng doanh nghiệp có những đặc thù riêng nên sẽ khó công bố lãi suất cho vay bình quân.

Khó cũng phải làm

Mặc dù các ngân hàng đồng loạt than khó, nhưng Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú bày tỏ quan điểm dứt khoát của NHNN về vấn đề công khai lãi suất. Thực tế, thời gian qua, sau khi có các chỉ đạo quyết liệt, bên cạnh nhiều ngân hàng hạ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ, vẫn có ngân hàng, hay một số khoản vay còn neo ở lãi suất cao.

“NHNN chỉ yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống ngân hàng, nhằm tạo nên môi trường minh bạch, cạnh tranh bình đẳng”, ông Tú nhấn mạnh.

Quan điểm dứt khoát của nhà điều hành là hoàn toàn có cơ sở, bởi mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay đang có sự phân hóa khá rõ nét, tùy đối tượng vay. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng “than” lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, khó tiếp cận, dẫn đến tình trạng “ngân hàng thừa vốn”.

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Bên cạnh nguyên nhân mang yếu tố mùa vụ, việc tín dụng tăng trưởng âm đang cho thấy một thực trạng ngân hàng - doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.

“Điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ vốn của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước”, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank nhận định.

Trước đó, báo cáo từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng cho biết, dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất; doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản dù đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số vẫn ở mức tiêu cực.

Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, để ngân hàng và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung thì việc có một mức lãi suất cho vay hợp lý để phục vụ sản xuất, kinh doanh, hạn chế được chi phí lãi vay.

Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, đặc biệt là mảng tài chính - kế toán nhằm bảo đảm kiểm soát rủi ro, kết hợp áp dụng công nghệ vào quản trị. Chuẩn hóa được số liệu sổ sách, báo cáo tài chính minh bạch thông tin để cung cấp cho ban lãnh đạo cũng như các tổ chức cho vay cập nhật.

Dự báo về xu hướng lãi suất, các chuyên gia của Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa cho giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024.