Làng đáy vùng hạ lưu
Với nhiều cửa sông đổ ra biển cùng nguồn tài nguyên thủy hải sản vô cùng dồi dào, nghề đóng đáy ở những cửa sông vùng hạ lưu miền đồng bằng sông Cửu Long từng rất thịnh hành, phát triển. Thậm chí, trước kia ở ven các cửa Đại, cửa Tiểu (sông Tiền), cửa Hàm Luông, cửa Cung Hầu… còn có hẳn những làng chuyên nghề đáy, thu hút hàng trăm người tham gia.
Nằm ở nơi sông Hàm Luông rộng lớn đổ về Biển Đông, xóm đáy An Thủy của xã An Thủy (huyện Ba Tri, Bến Tre) những ngày chúng tôi đến buồn hiu hắt. Ông Đặng Văn Bảy, một ngư dân ở đây cho biết: “Vùng An Thủy này từng thu hút hàng trăm hộ dân nghề đóng đáy. Cách đây vài chục năm, dọc cửa sông Hàm Luông này có mấy chục hàng cọc đáy, mọc san sát từ cù lao Linh cho tới cù lao Đất, kéo dài ra tới tận biển. Hai bên bờ sông, ven các cù lao, cồn ở cửa sông, chỗ nào cũng có hàng đáy. Dài thì dăm chục mét, cụt thì năm mười mét… cũng được người dân dựng lên. Những khi mùa mưa như hiện nay, thủy sản dồi dào, mỗi lần gỡ đáy là túi nặng trĩu, khoang ghe đầy ắp cá tôm. Khi ấy, nhiều người còn dựng hẳn chòi canh trên cọc để canh đáy, sống cùng con nước nữa. Có thể nói, không nghề nào đặc trưng và thu hút nhiều người dân với sông nước như nghề đáy vùng hạ lưu”. Cũng theo ông Bảy, nghề đáy có hai loại riêng biệt, là đáy ven biển (cách đất liền chừng 10 hải lý, tức hai mươi cây số) và đáy cửa sông. Hiện nay, vì nhiều lý do, nghề đáy ven biển ít người tham gia, chỉ còn lại những người dân đóng đáy ven cửa sông đổ ra biển.
Nếu sông ở thượng lưu, ngay cả sông Tiền, sông Hậu cũng chỉ rộng chừng một cây số, hoặc hơn chút đỉnh thì khi chảy về hạ lưu, dù đã tách mình thành nhiều nhánh khác, mặt nước vùng cửa biển vẫn rộng mênh mang. Như cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên mà tôi thường đi qua, nhiều đoạn rộng đến bốn, năm cây số. Chưa kể sông chảy ra biển hình phễu, diện tích mặt nước dành cho nghề đáy còn tăng hơn nhiều lần. Đó là lý do mà hầu hết nghề đóng đáy thường chỉ xuất hiện những đoạn hạ lưu, nơi sông và biển gặp nhau. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa khiến nghề đáy thường xuất hiện ở những đoạn cuối của dòng sông, chính là do sự phân bổ của dòng cá. Nếu ngư dân thượng nguồn sử dụng các hàng cọc đáy thì chỉ ít thời gian sau, tất cả ngư dân vùng hạ lưu sinh sống bằng nghề khác khó còn nguồn lợi để đánh bắt nữa!
Nghề đáy, như đã nói là nghề đặc trưng ở vùng hạ lưu. Ngư dân dùng các hàng cọc lớn, thường là các cây tràm, cây cừ dài đóng thẳng xuống lòng sông. Mỗi cọc này cách nhau chừng 3-5 mét, tùy theo kích cỡ hàng đáy. Và ở giữa khoảng cách đó, người ta căng những tấm lưới rộng, có thiết kế túi lưới thuận theo chiều nước để cho cá đi qua thì chui vào túi. Mặc dù hàng cọc chắc chắn phải đóng từ đáy sông tới mặt nước nhưng nhiều lưới đáy lại chỉ chắn một phần mặt nước. Điều này, theo ngư dân là một hình thức đánh bắt có chọn lọc chứ không tận diệt, và cũng là để loại bỏ những thứ khác không phải cá tôm chui vào lưới. Đặc biệt, nghề đáy được hình thành dựa trên cơ chế dòng nước chuyển động khi các hàng cọc và lưới được cố định từ trước. Vì thế, những dịp thủy triều lên xuống hay như mùa nước về là thời điểm mà nghề đáy bội thu nhất vì dòng chảy mạnh, dòng thủy hải sản nhiều.
Nếu ai có dịp đi dọc những khu cửa sông đổ ra biển dọc miền biển phía tây của Tổ quốc, từ vùng Gò Công cho tới mũi Cà Mau, thì điểm chung kết nối những miền đất ấy chính là nghề đáy. Trong đó, nhiều làng đáy nổi tiếng như làng đáy Đèn Đỏ ngay cửa Tiểu (sông Tiền) ở xã Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang). Hay làng đáy Mỹ Long, xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), làng đáy ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), làng đáy Vàm Láng ở thị trấn Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang)… Đặc điểm chung của những làng đáy này không gì khác là lịch sử lâu đời của những cư dân đã gắn bó cùng nó. Ngày nay, do giao thông đường thủy ngày càng phát triển, các phương tiện ghe thuyền qua lại nhiều khiến nhiều hàng đáy phải dời sát ven bờ hoặc thậm chí phải đóng dọc ven mặt nước, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng thu hoạch.
Do đóng ở những vùng nước cố định nên nghề đáy thường có tính truyền đời. Nếu gặp đoạn sông nào thích hợp, ngư dân đóng cọc đáy mưu sinh, rồi có khi truyền lại cho con cho cháu. Nhiều hàng đáy bằng gỗ cừ tràm già ở vùng cửa biển mà tôi qua có tuổi đời vài chục năm. “Đáy chỉ thay lưới, thay dây nhợ chứ cọc tràm thì càng ngâm trong nước càng bền chắc. Như hàng đáy nhà tôi ở cửa sông Cổ Chiên này có từ thời ông nội còn trẻ. Lúc tôi chừng hơn mười tuổi đã chèo ghe đi thu đáy, đến giờ nó vẫn còn. Không biết nó còn ở đây được bao lâu nữa”, ngư dân Nguyễn Văn Thiều, 67 tuổi ở cồn Nghêu, ngay cửa sông Cổ Chiên (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) thổ lộ. Theo ông Thiều, do nhà ông chọn được vùng nước đẹp, hàng đáy tốt nên đến giờ vẫn còn sinh kế, chứ nhiều hàng đáy khác ở ngoài xa hơn một chút, nằm trong vùng nước giao thông đã phải giải tỏa. Người thì chuyển lên bờ, người thì đi tìm vùng nước hẹp hay thậm chí có người còn rong ruổi đi đóng đáy lưu động. Nghĩa là nương theo mùa nước, đóng đáy vài ba tháng lại nhổ lên, tìm sinh kế ở nơi khác. Có lẽ, không gì vất vả, nhọc nhằn hơn những người nghèo khi chấp nhận mưu sinh bằng thói quen và nỗi niềm của thời quá khứ.
Ngày một mai một
Tôi đã từng đi qua rất nhiều cửa sông, ngồi trên rất nhiều những hàng đáy cùng những ngư dân trên bập bềnh sóng nước. Hầu hết những người gắn bó với nghề đáy đều là người già và coi đây là cách mưu sinh. Ông Trần Văn Đạo ở xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết, ông làm nghề đáy này đã mấy chục năm. Trước còn khỏe, ra ngoài cửa biển đóng đáy. Nhưng không có gì cơ cực và vất vả bằng nghề đáy ngoài biển nên phải vào bờ. Rồi vì nhớ nghề, mua trăm cây tràm về đóng hàng đáy ở bên phía cồn Bần để mưu sinh. Không như ngoài biển, đáy ở ven sông ít cá tôm hơn do mặt nước hẹp, lại không được chắn ngang con nước vì phải dành cho các phương tiện đường thủy lưu thông. Tuy nhiên, cứ ngày hai bận, nương theo thủy triều, đi gỡ đáy cho đỡ nhớ nghề, nhớ con nước là đủ sống vui rồi!
Nói về việc hiện nay, nhiều người đã không còn gắn bó với nghề đáy, ông Đạo trầm buồn nhìn ra những hàng cọc gỗ phía xa xa: “Nghề đáy đánh bắt theo hình thức bị động, nghĩa là khi đã đóng cọc đáy thì không có chọn lựa nào khác, chỉ chờ đợi đàn cá di chuyển vào. Khác với nghề lưới, nghề câu, nghề giã cào… là chủ động tìm đàn cá, có thể đi từ vùng này qua vùng khác, tùy theo từng mùa, từng thời điểm. Nghề đáy chỉ trông chờ vào con nước “hên xui” mà thôi. Thế nhưng, nghề đáy ngày càng ít đi vì nguồn lợi thủy sản tự nhiên khan hiếm. Đó là chưa kể, ghe tàu lớn giờ cũng nhiều hơn, lâu lâu lại va quẹt, kéo cọc đáy của ngư dân trôi tuốt ra xa, nhất là khi đêm tối, mất cả vốn lẫn hy vọng. Thú thực, nếu không vì tiếc hàng cọc, tôi đã bỏ nghề đáy lâu rồi”. Thực ra, không riêng gì ông Đạo mà nhiều ngư dân vùng cửa sông miệt châu thổ cũng nhận thấy rằng, nghề đáy đang ngày càng mai một ở vùng các cửa sông.
Sông nước mênh mông, những đợt triều cường và triều kiệt từ phía biển muôn đời đều đặn vẫn thế, mang đến và mang đi những hy vọng. Cả rặng dừa nước xanh bạt ngàn nhìn từ xa như một bức tranh thủy mặc vẫn thế. Chỉ có những hàng đáy, ngư dân và cái nghề truyền thống từ trăm năm xưa là đang quay quắt, buồn bã như một vòng quay tất yếu của cuộc mưu sinh.