Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Tôn vinh võ thuật dân tộc trong trường học

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đang bị che lấp bởi sự du nhập của các trào lưu văn hóa và thể thao từ nước ngoài. Điều này thể hiện rõ nét qua việc các môn võ nước ngoài như Taekwondo, Karate, Judo đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình giáo dục thể chất tại nhiều trường học, trung tâm giảng dạy. Trong khi võ thuật dân tộc của Việt Nam vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức…
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống trường FPT đã đưa Vovinam vào chương trình học.
Hệ thống trường FPT đã đưa Vovinam vào chương trình học.

Có định hướng, vẫn thờ ơ…

Sự thiếu vắng của võ thuật dân tộc trong môi trường giáo dục đã gây những tác động đáng kể. Võ thuật dân tộc không chỉ là những kỹ thuật chiến đấu mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc về đạo đức, lòng kiên nhẫn và sự tôn trọng lẫn nhau. Việc không đưa võ thuật dân tộc vào giảng dạy chính khóa làm mất đi cơ hội phát triển một nguồn nhân lực võ thuật chuyên nghiệp, tạo ra sự thụt lùi trong việc quảng bá văn hóa võ thuật của Việt Nam ra thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội phát huy một ngành nghề tiềm năng không chỉ về mặt thể thao mà còn cả về văn hóa, du lịch, kinh tế.

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam. Một trong những văn bản quan trọng là Nghị định 77/2021/NĐ-CP về hoạt động thể thao chuyên nghiệp, quy định rõ ràng về việc tổ chức và phát triển các môn võ thuật dân tộc. Quyết định 1450/QĐ-TTg về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng khẳng định võ thuật dân tộc là một yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nước đã đưa ra những kế hoạch dài hạn nhằm quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị của võ truyền thống không chỉ trong xã hội mà còn trong các chương trình giáo dục học đường.

Dù có nhiều văn bản và chỉ đạo khuyến khích nhưng thực tế cho thấy các môn võ cổ truyền của Việt Nam chưa thật sự có vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục học đường. Chỉ có số ít trường đưa Vovinam - một trong những môn võ dân tộc của Việt Nam vào chương trình giảng dạy. Thầy Hồ Quang Hòa, giáo viên dạy Vovinam cho biết, hệ thống trường FPT đã đưa Vovinam vào chương trình học được hơn 15 năm. Phần lớn các em đều rất thích học và luyện tập Vovinam. Thầy còn khẳng định: “Chương trình học Vovinam ở trường rất đa dạng khi được tích hợp vào chương trình giáo dục thể chất của trường, cùng với các môn học khác như STEM, ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Điều này giúp học sinh có một trải nghiệm học tập phong phú và toàn diện​”. Trong đó, nổi bật là hoạt động dự án Khơi nguồn võ Việt do nhà trường tổ chức hay trào lưu Vovinam + Dance của các bạn học sinh, sinh viên.

Sáng tạo để có đột phá

Để phát huy võ cổ truyền Việt Nam trong hệ thống giáo dục, cần có những giải pháp mang tính sáng tạo và đột phá. Thay vì chỉ dạy võ cổ truyền như một môn thể dục, chúng ta có thể tích hợp các kiến thức về võ cổ truyền vào các môn học khác như lịch sử, giáo dục công dân, hoặc thậm chí là văn học. Thí dụ, khi học về lịch sử chiến tranh Việt Nam, giáo viên có thể giới thiệu về những nhân vật anh hùng như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền đã sử dụng võ thuật như thế nào trong chiến đấu. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử mà còn tạo ra sự kết nối giữa võ thuật dân tộc và tinh thần yêu nước.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, nên tận dụng công nghệ hiện đại như thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giảng dạy võ thuật dân tộc. Các lớp học võ thuật có thể sử dụng công nghệ VR để mô phỏng các trận đấu lịch sử hoặc những thế võ phức tạp, giúp học sinh có cảm giác chân thực và hứng thú hơn. Đồng thời, AI có thể hỗ trợ học sinh tự luyện tập bằng cách đánh giá động tác và đưa ra phản hồi kịp thời.

Bên cạnh đó, nên phát triển, khuyến khích các cuộc thi, biểu diễn võ dân tộc trên các nền tảng mạng xã hội. Trong thời đại công nghệ số và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc tận dụng các nền tảng này để khơi dậy hứng thú và lan tỏa võ thuật dân tộc đến thế hệ trẻ là một hướng đi sáng tạo. Việc tổ chức các cuộc thi hay tạo các phong trào biểu diễn võ thuật dân tộc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như TikTok, Instagram, Facebook và YouTube không chỉ giúp thu hút sự chú ý của giới trẻ mà còn mở rộng khả năng tiếp cận đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Các đề xuất sáng tạo như trên đều có thể giúp võ cổ truyền trở nên hấp dẫn và thiết thực hơn với thế hệ trẻ. Điều này không chỉ giúp võ thuật dân tộc tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong lòng các thế hệ học sinh, góp phần giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.

Ngoài ra, các học sinh có thành tích xuất sắc trong học võ cổ truyền nên được chọn làm đại sứ văn hóa, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá võ cổ truyền trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giúp võ cổ truyền có thêm sức lan tỏa mà còn tạo động lực cho học sinh phấn đấu và tự hào khi được làm người truyền tải giá trị văn hóa dân tộc.