Phát triển hạ tầng số

Hạ tầng số là nhân tố quan trọng tạo đột phá về tăng trưởng của nền kinh tế số hướng tới mục tiêu đóng góp 30% GDP vào năm 2030. Giải pháp này cũng là quan điểm cơ bản trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Công nghệ đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của nhiều lĩnh vực. Ảnh: NGUYỆT ANH
Công nghệ đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của nhiều lĩnh vực. Ảnh: NGUYỆT ANH

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Tiếp cận những công nghệ hiện đại nhất

Phát triển số với tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động và khó dự báo trước. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.

Nhiều chuyên gia nhận định, làn sóng công nghệ mới đang thay đổi mạnh mẽ diện mạo của nền kinh tế số tại Việt Nam. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud)... đang có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của nhiều lĩnh vực.

Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam đánh giá, AI đang tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là sản xuất, chăm sóc sức khỏe và logistics. Công nghệ này không chỉ tự động hóa quy trình mà còn nâng cao khả năng ra quyết định và cải thiện tương tác với khách hàng. Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự ứng dụng của AI trong các nhà máy thông minh.

Nhìn lại giai đoạn 10 năm trước khi lần đầu ra mắt tại Việt Nam, đại diện Grab cho biết, đã có sự chuyển đổi nhanh chóng trong việc đón nhận và chấp nhận những công nghệ mới. Nếu nhớ lại khi Grab mới gia nhập thị trường, kiến thức về việc sử dụng điện thoại thông minh hoặc ứng dụng để đặt dịch vụ số còn rất thấp lúc đó. Nhưng người tiêu dùng Việt đã nhanh chóng đón nhận công nghệ mới rất tích cực.

Công nghệ đang phát triển rất nhanh và nền kinh tế số cũng đang đổi mới rất nhanh chóng. Nhiều công nghệ mới đã và đang xuất hiện ngày càng đa dạng tại Việt Nam.

5G - bước đột phá hạ tầng số

Tháng 3 năm nay, cơ quan quản lý đã đấu giá thành công hai khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và C2 (3.700-3.800 MHz), cấp giấy phép kinh doanh 5G cho hai nhà mạng trúng đấu giá là Viettel và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào tháng 4 và trong tháng 7 này đang đấu giá khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz). Việc cấp phép các băng tần cho 5G là một cột mốc quan trọng và là một bước thiết yếu để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Sau khi hoàn tất đấu giá, các nhà mạng đang tích cực chuẩn bị triển khai thương mại hóa 5G. Trong định hướng phát triển dịch vụ 5G, nhà mạng chọn hướng kinh doanh cho doanh nghiệp, các ngành kinh tế là chính; cũng như sẽ có sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G cung cấp cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Nếu như các công nghệ di động trước chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân thì mạng 5G được coi là nền tảng để phục vụ công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh và được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế số. Các quốc gia đang triển khai mạng 5G cũng là những nước thành công trong chiến lược chuyển đổi số các ngành công nghiệp.

Ông Hoàng Việt Tiến, Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, internet Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển, chuyển đổi số, kinh tế số, thị trường số, đặc biệt là sự phát triển của AI trong vài năm tới sẽ như vũ bão. Đồng hành với sự phát triển đấy, cần có nền tảng, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng số.

Thời gian gần đây, Việt Nam đang xóa sổ mạng 2G, tiến tới 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho ba nhà mạng để triển khai 5G, bước đầu thử nghiệm đã có những thành công nhất định.

Theo ông Tiến, trong giai đoạn tới, để triển khai chuyển đổi số và hạ tầng số thành công, cần ba nhà: nhà quản lý, nhà mạng, đơn vị cung cấp giải pháp và người dùng cuối.

Ông Hoàng Việt Tiến cho rằng: Chính sách phát triển hạ tầng số là một bài toán lớn, cần chiến lược chuyển đổi số tổng thể của cả nước. Bài toán lớn thì không thể giải quyết ngay được mà phải thực hiện từng bước, sao cho phù hợp với thị trường, phù hợp với từng bên liên quan.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của 5G trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, bà Rita Mokbel đánh giá, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam thúc đẩy hạ tầng số. 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Đặc biệt, hạ tầng mạng 5G dùng riêng sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời, mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông. “Nhìn chung, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025”, Chủ tịch Ericsson Việt Nam nhận định.