Tinh hoa trà hoàng mai Huế

Ở đó không có muộn phiền hay dáng vẻ gấp gáp, từng chén trà được rót mang theo nét nguyên sơ, mộc mạc của hương vị đất trời. Mùi thơm của trà sẽ bay phảng phất trong sự khiêm nhường của người pha trà. Thông qua vị hoa và hương trà, vợ chồng nghệ nhân Trần Thị Thanh Nhị đang kể những câu chuyện của vùng đất, đưa con người đến với miền an nhiên bất tận.
0:00 / 0:00
0:00
Trà Nhị Độ Mai ngát hương. Ảnh: NVCC
Trà Nhị Độ Mai ngát hương. Ảnh: NVCC

Rung cảm với hương trà

Một chút lạnh chớm đông đưa Huế vào tĩnh lặng. Dưới ánh nắng đầu ngày, “chiếc áo” u hoài được khoác lên những hàng cây cổ thụ. Nằm bên trong kinh thành Huế, con hẻm nhỏ dẫn vào không gian Hiên trà Nhị Độ Mai, phường Thuận Hòa, TP Huế hiện lên nét bình dị, thanh tao.

Hiên trà Nhị Độ Mai là không gian giao lưu, bảo tồn nghề làm trà hoa truyền thống của người Việt. Theo đó, tên gọi Nhị Độ Mai nghĩa là hoa mai nở lại lần thứ hai. Đây được xem là một điềm lành, sự may mắn dành cho những người có phẩm chất “Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa”. Hiện nay, Nhị Độ Mai chuyên về dòng trà Shan Tuyết đại cổ thụ hoang dã và dòng trà luyện hương, nổi bật với trà hoa mộc, trà hoa sen và trà hoa Hoàng mai xứ Huế.

Khói trà, hương trà như một sợi dây kết nối hiện tại với quá khứ. Nghệ nhân Thanh Nhị luôn nhớ về khu vườn của ngoại với nhiều kỷ niệm. “Đó là kỷ niệm được thưởng trà ngắm hoa quỳnh nở, những cuộc trà hoa cau trong khu vườn trăng, những chén trà hoa mai trong buổi sớm mùa xuân… và cả nụ cười móm mém của ngoại sau chòm râu bạc trắng phau phau. Vậy nên, chén trà này không đơn thuần là một thức uống mà còn là phương tiện để nuôi dưỡng Chân, Thiện, Mỹ; gắn kết tình yêu với gia đình, quê hương xứ sở”, nghệ nhân Thanh Nhị bày tỏ.

Xứ Huế vốn nổi tiếng với hoa hoàng mai mang sắc vàng rực. Với mùi hương thanh khiết, dịu nhẹ, hoàng mai là biểu tượng của mùa xuân. Nhẹ nâng chén trà trên tay, dường như phong vị mùa xuân xứ Huế đã được gói gọn một cách đầy tinh tế. Tên trà đã thể hiện rõ nét về nguyên liệu tạo nên sản phẩm, chính là việc sử dụng hoa hoàng mai – một tài nguyên bản địa quý giá của Huế. Ngoài ra, sự thú vị còn ở chỗ chữ “hoàng mai” không chỉ là mầu vàng đặc trưng mà còn thường được liên tưởng đến vương quyền, hoàng gia, vua. Khi kết hợp hoàng mai với trà Shan Tuyết đại cổ thụ tạo nên một sản phẩm quý giá. Tất cả dựa trên tinh thần Huế là nơi hội tụ tinh hoa và thăng hoa những giá trị.

Dưới góc nhìn của một nghệ nhân trà, chị Thanh Nhị hướng đến tính chi tiết, chuẩn xác trong mọi công đoạn. Để tạo nên hương trà hoàng mai Huế cần trải qua nhiều bước. Từ khâu chọn nguyên liệu, thu hái, vào hương hoa cho trà, ủ hương, thông hương đến tách nguyên liệu, sấy, ủ, kiểm tra… đều được thực hiện một cách công phu, cầu kỳ. Mỗi bước sẽ có vai trò quan trọng riêng. Bởi vậy, nếu không cẩn thận một khâu thì không thể tạo nên sản phẩm trà hoàn hảo.

Anh Trương Minh Hiếu (chồng nghệ nhân Thanh Nhị) là người trực tiếp chế biến trà. Trải qua những năm tháng “luyện tâm” cùng trà, anh Hiếu nhận ra rằng, đời trà chính là hiện thân của đức tính khiêm nhường. Khi thưởng trà Hoàn Khiết (ủ trà với hương bưởi), một chút đắng nhẹ ở đầu lưỡi, vị ngọt hậu lại trong cổ, hay đơn giản là cảm giác tê nhẹ từ tinh chất của hoa bưởi thanh trà (một giống bưởi cổ được trồng ở vùng Thủy Biều) lần lượt xuất hiện. Dĩ nhiên, những cảm giác đó chỉ xuất hiện khi tâm của người thưởng trà thật sự tĩnh lặng. “Con người, nhất là nghệ nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình này. Sản phẩm trà hoàng mai là tâm huyết nghiên cứu của bốn thế hệ trong gia đình chúng tôi. Từ tình yêu với trà, với hoàng mai và văn hóa Huế, gia đình chúng tôi đã không ngừng hoàn thiện sản phẩm để góp phần kiến tạo tinh hoa cho kinh đô ẩm thực của Việt Nam”, anh Hiếu chia sẻ.

Đời trà, đời ta

Tương truyền, Cao Bá Quát đã từng nói: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có nghĩa là ông đã chọn cho riêng mình một lẽ sống trọng nghĩa khinh tài, một lý tưởng thiêng liêng cao cả, suốt đời dốc lòng hiến dâng cho cái đẹp, cho điều thiện. Trong ý nghĩa biểu tượng văn hóa thì hoa mai tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ, kiên cường, không khuất phục trước khó khăn; thể hiện đức tính tốt đẹp, phẩm chất cao thượng, tính cách thẳng thắn, cao khiết của người quân tử.

Trong không gian Hiên trà Nhị Độ Mai, vợ chồng nghệ nhân Thanh Nhị duy trì việc kể chuyện cuộc đời của trà bằng cách trong khi làm trà, pha trà và thưởng trà đều giữ trạng thái tập trung, chánh niệm. Nhiều khi, mọi thứ trở nên im lặng để cho trà tự lên tiếng kể câu chuyện của chính nó. Đến nay, điều đó không ngừng được hoàn thiện hơn. Bài học quan trọng mà chị Nhị rút ra là không chỉ thừa hưởng di sản cha ông để lại mà phải thúc đẩy phát triển phù hợp với bối cảnh đương đại.

Giữa đất cố đô, Nhị Độ Mai tập trung giữ lại những mảnh ghép như sự công phu, tỉ mẩn đậm chất cung đình Huế trong mỗi chén trà. Trước tiên, cách chọn nguyên liệu và chế tác phải theo công thức cung đình xưa. Thí dụ, để làm trà sen thì buổi chiều, người làm trà chèo thuyền ra giữa hồ chọn những bông hoa hàm tiếu và cho trà vào. Sáng sớm hôm sau sẽ trở lại hồ thu hoạch. Thứ hai là cách lựa chọn, kết hợp các nguyên liệu và chọn thời điểm thưởng trà thuận âm dương nhằm tăng cường sức khỏe. Vào mùa mưa lạnh, nếu thưởng hồng trà hoa cúc, hoa mộc sẽ làm ấm cơ thể. Ngược lại, khi trời nóng thì uống trà sen, trà nhài làm mát cơ thể. Điều quan trọng thứ ba là cách pha trà, dâng trà, thưởng trà cần thực hiện đầy tinh tế. Dĩ nhiên, không gian uống trà cũng đậm mầu sắc cung đình nhằm tôn vinh giá trị vốn có của thức uống này.

Quay lại vài thập kỷ trước, chị Nhị vẫn nhớ những buổi sáng sớm, bóng dáng ngoại chậm rãi ra vườn chọn những bông hoa mai vừa hé nở. Người để hoa ngay ngắn, cẩn thận trên những chiếc đĩa sứ trắng nhỏ mỏng manh. Sau đó, từng chiếc chén được tráng nóng rồi úp lên chiếc đĩa sứ sao cho bông hoa được lọt gọn vào bên trong. Bọn trẻ trong nhà hồi hộp, hiếu kỳ chờ đợi hương của bông hoa xông thơm cho chiếc chén. Bởi khi đó thì chúng sẽ được rót trà. Mãi sau này, lớp thế hệ chị Nhị mới nhận ra chính mình cũng đang được xông một thứ hương kỳ diệu nào đó vào tâm hồn từ lúc còn tấm bé.

Như vậy, vốn sống từ thế hệ trước đã được tiếp truyền. Trong gia đình nghệ nhân Thanh Nhị, những đứa trẻ từ thuở nhỏ đã được người lớn cho cùng thưởng hoa, thưởng trà, ngắm trăng, cắm hoa, làm bánh. Lớn hơn chút nữa thì học pha trà, làm trà… “Tất cả những điều đó đã rèn cho chúng tôi thói quen tập quan sát, cảm nhận sự vật, nuôi dưỡng lòng kiên trì, nhẫn nại, hướng đến tình yêu với cái đẹp, cảm xúc đối với thiên nhiên, gia đình và rộng hơn là văn hóa dân tộc. Hơn hết, đó là hành trang để chúng tôi lớn lên, sống một cuộc đời bình dị mà đầy ý nghĩa”, chị Nhị bộc bạch.

Hiên trà Nhị Độ Mai thường tổ chức gặp mặt các bạn trà nương, bạn bè, trà khách. Việc truyền nghề làm trà hoa diễn ra thuận lợi khi mọi người cùng tham gia nhiều khâu từ đi thu hái nguyên liệu, vào hương, sao trà và cả lọc nguyên liệu. Thông qua những buổi giao lưu, người yêu trà dễ dàng tự thực hành làm một số loại trà ngay tại nhà.

Mới đây, dự án “Nghiên cứu, sáng tạo trà hoàng mai Huế - Góp phần kiến tạo tinh hoa trà cho Kinh đô ẩm thực Việt Nam” của nhóm tác giả Trần Thị Thanh Nhị và Trương Minh Hiếu đã đoạt giải nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Cuộc thi kết thúc cũng là lúc Nhị Độ Mai có thêm nhiều người thầy, bạn bè, khách hàng và cơ hội mới. Uống một ngụm trà truyền thống thường có cảm giác “tiền chát, hậu ngọt”. Điều đó gợi ra sự suy nghiệm về cuộc đời của mỗi người. Hôm nay khởi đầu có thể gặp nhiều khó khăn nhưng ai cũng mong về sau gặt hái nhiều trái ngọt, thành công.

Nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị hiện là TS, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế. Vốn sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Bình, tuy nhiên, chị lại có tình cảm sâu đậm với mảnh đất cố đô. Năm 2019, nghệ nhân Thanh Nhị đã đoạt giải nhất phần thi “Trà và đồ ăn kèm”, giải nhì phần thi “Thử nếm trà” tại Cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam do Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức. Năm 2020, chị là một trong ba nghệ nhân của Việt Nam được chọn để tham gia Cuộc thi Pha chế trà thế giới được tổ chức tại

Trung Quốc.