Tín dụng khó tăng đột biến

Tín dụng nửa đầu năm nay vẫn tăng chậm dù lãi suất điều hành đã giảm bốn lần liên tiếp. Các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khá nhanh và hiện vẫn đang tiếp tục giảm thêm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm trong khi đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp tắc nghẽn khiến tín dụng khó tăng mạnh cuối năm nếu không có các chính sách hỗ trợ đi kèm.
0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất giảm nhưng nhu cầu vay vốn của khu vực sản xuất không cao. Ảnh: NGUYỆT ANH
Lãi suất giảm nhưng nhu cầu vay vốn của khu vực sản xuất không cao. Ảnh: NGUYỆT ANH

Các ngân hàng kỳ vọng, Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 đưa ra nhiều quy định khá chi tiết cho việc các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cho vay trực tuyến. Điều này đang mở ra cơ hội cho các ngân hàng mở rộng mảng tín dụng bán lẻ, giúp khách hàng dễ tiếp cận vốn vay, với chi phí thấp hơn trước.

Mặc dù lãi suất cho vay giảm nhanh, song các chuyên gia cho rằng, tín dụng khó tăng đột biến bởi doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn do thủ tục vay phức tạp.

Lãi suất cho vay giảm mạnh

Đơn cử, lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2-4 điểm % so với đầu năm.

Từ quý II/2023, Vietcombank tung gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng. Cá nhân vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn lãi suất cũng từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới sáu tháng…

BIDV vừa công bố triển khai gói tín dụng cho vay khách hàng cá nhân phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh với các khoản vay có kỳ hạn dưới sáu tháng lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm và mức lãi suất từ 7,8%/năm đối với các khoản vay từ sáu tháng đến 12 tháng. Đặc biệt, ngân hàng này còn áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ 6,5% đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xanh…

Trước đó, VPBank, Techcombank, MB... cũng đã công bố các mức giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm.

Các “ông lớn” giảm lãi suất cho vay cũng tạo áp lực cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ trong cuộc đua giảm lãi suất cho vay hiện nay. Bởi các ngân hàng sẽ phải tính toán kỹ hơn nữa chi phí hoạt động để giảm tiếp lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh được trong bối cảnh cầu tín dụng vẫn đang thấp.

Quan sát trên thị trường, hiện nhiều NHTM nhỏ đã tham gia cuộc đua giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. MSB vừa giảm thêm 1% lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Bên cạnh đó, MSB triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các DNNVV tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.

Tương tự, SHB dành 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông - lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất từ 8,97%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn dành riêng gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô-tô với thời gian vay từ 36 tháng trở lên; lãi suất cho vay từ 9%/năm trong sáu tháng đầu hoặc từ 10,8%/năm trong 12 tháng.

Tuy nhiên, một điểm khá đặc biệt trong đợt giảm lãi suất lần này là các NHTM còn phân nhóm khách hàng để thiết kế “may đo” những sản phẩm chuyên biệt, phù hợp nhất cho từng nhóm khách hàng, như quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực, phù hợp đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành như: Gói sản phẩm tài trợ doanh nghiệp ngành dược phẩm, ngành sản xuất thiết bị điện, ngành xây lắp, giáo dục, y tế, các dự án xanh...

Ông Nguyễn Thành Đô, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cũng chia sẻ, ngân hàng tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất, chủ động giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, dự kiến đến cuối năm số tiền giảm lãi suất đạt khoảng 350 tỷ đồng.

Còn đại diện Vietcombank cho biết, giảm lãi suất là việc giảm tự động trên hệ thống của Vietcombank và doanh nghiệp hay người dân không cần phải làm bất cứ đề nghị hay đề xuất nào, chỉ cần thỏa mãn điều kiện.

Giảm lãi suất nhưng cần thêm chính sách hỗ trợ

Một trong các nguyên nhân, theo các chuyên gia là các DNNVV không tiếp cận được vốn vay, vì không còn tài sản bảo đảm hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu do ngân hàng vẫn phải bảo đảm khả năng thanh toán tài sản thế chấp.

“Vì thế, NHNN cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Theo lãnh đạo BIDV, các ngân hàng đang cạnh tranh trong việc tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay. Do đó, nếu nói doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng là không đúng, bởi nếu không tiếp cận được ngân hàng này thì có thể chuyển sang ngân hàng khác. Hiện, thanh khoản toàn hệ thống dồi dào, ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn, nhưng không vì thế mà hạ chuẩn cho vay, bởi nợ xấu sẽ tăng.

Bên cạnh đó, đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, tín dụng tăng chậm do tổng cầu suy giảm, bên cạnh việc tác động vào cung tiền và giá vốn, các ngân hàng cho rằng, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác để kích cầu, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Khoảng 60-70% số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho biết, họ bị sụt giảm doanh thu năm nay. Vì vậy, dù NHNN liên tiếp hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, nên sức khỏe cũng yếu đi, không đủ đáp ứng điều kiện về tín dụng.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trước bối cảnh kinh tế khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, kéo theo nợ xấu tăng, mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cần quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận bán tài sản nếu cần để giải quyết đúng các cam kết trả nợ. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động có phương án, giải pháp cụ thể đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024, đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động, như xem xét tạm dừng các dự án không cấp bách, ưu tiên các dự án đã cam kết với nhà đầu tư…