Áp lực thiếu vốn
Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt sau hai năm đại dịch với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 dự báo tăng 8%, vượt chỉ tiêu 6-6,5% mà Quốc hội giao, thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Tuy vậy, một số liệu đáng băn khoăn là 10 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có hơn 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” diễn ra ngày 11/8, ý kiến của một số doanh nghiệp tham dự cho thấy khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực tài chính để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatas) cho biết, các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vào cuối năm 2022. Cụ thể là đơn hàng giảm do lạm phát ở Mỹ và châu Âu tăng cao, giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng, thiếu hụt lao động, đặc biệt “tiềm lực về vốn, tài chính của nhiều doanh nghiệp cũng khá khó khăn sau thời gian dài chống dịch”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel trăn trở vì ngành du lịch đang trong giai đoạn “rã đông” nên “sức ép về tài chính rất lớn”. Như Vietravel hiện vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách. Trong khi đó, mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% quá ít; các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa thuận lợi trở lại nên tác dụng không nhiều; gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp du lịch không tiếp cận được vì nhiều rào cản.
Đặc biệt, kể từ tháng 3/2022 đến nay, để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất tổng cộng sáu lần, trong đó bốn lần gần nhất đều nâng với mức 0,75%. Hệ quả là sau một thời gian dài “ghìm cương” lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, trước sức ép lạm phát và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã buộc phải tăng lãi suất điều hành hai lần liên tiếp trong vòng một tháng (ngày 23/9 và 24/10), mỗi lần điều chỉnh có bước tăng 0,5-1% đối với mỗi loại lãi suất.
Hệ quả của động thái này là các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động trung bình 0,5-1%/năm; tăng lãi suất cho vay khoảng 2-3%/năm. Mức lãi suất huy động phổ biến hiện nay dao động từ 5% đến hơn 10%/năm, tùy kỳ hạn và tùy từng ngân hàng. Mức lãi suất cho vay là 9-13%/năm do ngân hàng phải duy trì biên lợi nhuận ròng (NIM) khoảng 3-4%/năm theo công thức cơ bản. Có thể thấy, các mức lãi suất đã tăng khoảng 2-2,5% so đầu năm và đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp vì chi phí vốn đồng loạt tăng, trong bối cảnh cần nguồn lực lớn để tăng tốc phục hồi.
Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp không huy động được vốn vì cả ba trụ cột của thị trường tài chính là thị trường tiền tệ, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đều có sự sụt giảm thanh khoản, do hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hạn chế, cổ phiếu sụt giảm mạnh, thị trường trái phiếu hầu như “đóng băng” sau hàng loạt vụ xử lý của cơ quan quản lý đối với một số doanh nghiệp vi phạm.
Vốn, tài chính của nhiều doanh nghiệp khá khó khăn sau thời gian dài chống dịch. Ảnh: SONG ANH |
Đề xuất giải pháp “chia lửa” với chính sách tiền tệ
Trước thời điểm tháng 9/2022, mọi sự hy vọng của doanh nghiệp đổ dồn vào chính sách nới “room” tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhưng cuối cùng, cơ quan này nới room cho một số ngân hàng thương mại 2-3%/năm trên cơ sở kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2022 không vượt quá 14%.
Mức nới “room” nói trên là còn khá ít so với nhu cầu vốn của doanh nghiệp, song theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ưu tiên kiểm soát lạm phát và giữ an toàn hệ thống, tránh để nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng.
Đến thời điểm này, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất là mở rộng chính sách tài khóa song song với khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu). Trong một cuộc trao đổi ý kiến với báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường cho rằng, chính sách tài khóa cần chung sức, chung vai nhiều hơn với chính sách tiền tệ. Hiện, sức ép lên hệ thống ngân hàng rất lớn, trong khi nhiều nguồn lực chưa được khơi thông như chính sách tài khóa và giải ngân đầu tư công của Việt Nam còn dư địa rất nhiều.
Theo ông Cường, chỉ vì chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả mà không phát huy được tác dụng của các chính sách tài khóa, từ đó dẫn đến áp lực dồn hết lên chính sách tiền tệ, tạo ra sự không lành mạnh trong hệ thống tài chính và rủi ro về chính sách.
Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 28/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) đề xuất, Chính phủ cần sớm có giải pháp tập trung triển khai có hiệu quả các gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt cần tiếp tục có giải pháp để đẩy nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%, giúp nguồn vốn từ chương trình này sớm phát huy hiệu quả trong việc giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế; song song với giải pháp phục hồi và phát triển thị trường chứng khoán.
Đồng tình với khuyến nghị mở rộng chính sách tài khóa, GS, TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho rằng, không chỉ đẩy mạnh các chính sách tài khóa đang áp dụng mà cần mở rộng thêm dư địa chính sách này. Theo vị đại biểu, hiện tại kinh tế vĩ mô ổn định, lợi thế nợ công ở mức 43-44% GDP so với trần nợ công cho phép là 60% GDP cho thấy chúng ta còn dư địa để thực hành các biện pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp.
Thông thường, các biện pháp tài khóa luôn hướng đến tăng thu thuế, phí vào ngân sách và tiết giảm chi tiêu của Chính phủ, gọi là “chính sách tài khóa thuận chiều”; song trong bối cảnh này, ông Cường khuyến nghị sử dụng “chính sách tài khóa ngược chiều”, nghĩa là giảm thuế, phí và tăng chi tiêu của Chính phủ (tăng đầu tư công, tăng hỗ trợ trực tiếp).
“Tôi cho rằng, chính sách tài khóa là cốt yếu cho điều hành nền kinh tế và ổn định vĩ mô hiện nay, cụ thể là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp, mà ngược lại dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Ngoài ra, thu ngân sách năm 2023 không nên đặt cao như thực hiện của năm 2022 để có dư địa thực hành các chính sách tài khóa”, ông Cường nói với PV báo Thời Nay, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ cần có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất tăng cao, các chính sách hỗ trợ cũ sắp hết hạn.
Mới đây, ngày 12/11/2022, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ (Ban IV) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để báo cáo về các thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Sau khi tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp hiện tại như sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, chi phí đầu vào tăng, xu hướng thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, khó khăn về dòng tiền, thậm chí là “doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn”…, Ban này cũng đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.