Tìm phương án cho hoạt động kinh doanh xăng, dầu

Giới chuyên gia cho rằng, việc áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu về giá thì sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận, khiến họ không còn mặn mà với mặt hàng này.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trên thị trường còn khoảng hơn 290 doanh nghiệp phân phối mặt hàng xăng, dầu. Ảnh: HẢI ANH
Hiện trên thị trường còn khoảng hơn 290 doanh nghiệp phân phối mặt hàng xăng, dầu. Ảnh: HẢI ANH

Trong thời gian qua, nhiều thương nhân phân phối xăng, dầu đã được Bộ Công thương ra quyết định thu hồi giấy phép. Gần nhất, tại Quyết định số 1891/QĐ-BCT ngày 17/7/2024 thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng, dầu đối với Công ty CP thương mại Nhiên liệu Cửu Long (TP Hồ Chí Minh).

Tương tự, tại Quyết định 1892/QĐ-BCT ngày 17/7/2024 thu hồi giấy phép đối với Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật (Ninh Bình); hay tại Quyết định 1775/QĐ-BCT ngày 4/7/2024 thu hồi giấy phép đối với Công ty CP Vận tải dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (Nghệ An)…

Lý giải nguyên nhân

Các quyết định này được ban hành xét theo đề nghị xin dừng hoạt động với tư cách là thương nhân phân phối xăng, dầu của các doanh nghiệp và đề nghị của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương).

Thực tế, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20 thương nhân phân phối xăng, dầu đã đề nghị trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh. Hiện, trên thị trường chỉ còn khoảng hơn 290 doanh nghiệp phân phối mặt hàng xăng, dầu.

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh, trước đây, kinh doanh xăng, dầu (cả khâu đầu mối, phân phối và bán lẻ) đều được cho là "màu mỡ". Tuy nhiên, do những bất cập của nghị định kinh doanh xăng, dầu, cùng với các biến động mạnh của thị trường thế giới và trong nước, nhiều doanh nghiệp phân phối xăng, dầu không còn mặn mà với thị trường.

Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có khâu phân phối, bán lẻ luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ và khó khăn về tài chính do thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng.

Trong khi đó, dự thảo lần 3 về kinh doanh xăng, dầu của Bộ Công thương nêu quan điểm không cho phép đơn vị phân phối mua bán xăng, dầu lẫn nhau, nhưng lại cho đơn vị đầu mối được mua từ nhiều nguồn. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khi các đầu mối không nhập khẩu, dẫn đến đứt gãy nguồn cung.

Một thương nhân phân phối xăng ở Đồng Nai cho biết, sau giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp muốn “lấy lại sức” cũng cần thêm vài năm. Trong khi đầu tư một cây xăng tốn tiền tỷ trở lên, nhưng nếu “không bảo đảm được lợi nhuận thì cũng đành đóng cửa, chuyển hướng kinh doanh”.

Còn về phía đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối về việc duy trì điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, qua báo cáo, rà soát, một số đơn vị không duy trì được điều kiện nên đã chủ động trả lại giấy phép.

Cũng theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, nếu các đơn vị này muốn tiếp tục kinh doanh xăng, dầu thì có thể lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ xăng, dầu, khi đó các cửa hàng của họ vẫn hoạt động bình thường.

Bộ Công thương cũng cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng, dầu từ trung ương đến địa phương đã nắm bắt sâu sát hơn với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, những khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp quản lý, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp hơn với bối cảnh, tình hình.

Tìm phương án cho hoạt động kinh doanh xăng, dầu ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp phân phối xăng, dầu không còn mặn mà với thị trường. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cách tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất

Cho ý kiến tại Tọa đàm “Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả” sáng 30/7, đại biểu QH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng vẫn phải theo thế giới.

Ông Hoàng Văn Cường phân tích thêm, hiện Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu về giá thì sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua có những thời kỳ, có nơi người ta thông báo hết xăng, dầu, không bán được”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nhận định, nếu để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp đó sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí người ta có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt thì sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt.

Đại diện cho doanh nghiệp xăng, dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, xăng, dầu không hoàn toàn tuân thủ theo quy luật cung cầu thuần túy mà từ lâu đã thoát ly ra khỏi quy luật cung cầu và phụ thuộc nhiều vào rủi ro địa - chính trị.

Bàn về “nút thắt” trong tất cả các nghị định về xăng, dầu trong thời gian vừa qua, ông Bảo phân tích, cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. Việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất và chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định.

“Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng như Nghị định 95, Nghị định 80 là vẫn 7 ngày phải xác định giá, như vậy cơ quan quản lý nhà nước làm thay cho doanh nghiệp, kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/lít cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến giai đoạn giá lên đến 33.000 đồng/lít năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành”, ông Bảo dẫn chứng.

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đưa ra kiến nghị: “Quản lý nhà nước với xăng, dầu là bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm lượng cung ứng cho nền kinh tế. Bảo đảm quản lý giá chung không có tác động mạnh. Nếu giá xăng tăng mạnh, Nhà nước có thể sử dụng chính sách tài khóa thông qua thuế, bình ổn còn lại để thị trường bình ổn. Quy định kèm theo như sử dụng công cụ phái sinh (nghiệp vụ phòng vệ, bảo hiểm giá xăng, dầu)”.

Tương tự, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã phân tích những nguyên nhân tác động giá xăng, dầu. Hiện có nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Bình, một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi giá là do thay đổi giá xăng, dầu thế giới.

Khi “mổ xẻ” các yếu tố cấu thành giá, ông Bình cho rằng, giá xăng, dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65 - 77% so với giá xăng, dầu trong nước, tùy theo mặt hàng; về yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12 - 29% trong giá xăng, dầu; chi phí định mức dao động từ 7,5 - 11% của giá xăng, dầu.

Một số yếu tố cấu thành giá nữa là về lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ… cũng ảnh hưởng tới giá xăng, dầu. Ông Bình khẳng định, giá thế giới là nhóm tác động lớn nhất tới giá xăng, dầu.

“Bộ Công thương đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng một nghị định để thay thế cho nghị định xăng, dầu hiện nay, nội dung đang nghiên cứu và chúng tôi hy vọng sẽ có những bước chuyển biến trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu, hướng tới hoạt động kinh doanh xăng, dầu phù hợp điều kiện thực tế hiện nay”, ông Phạm Văn Bình nhấn mạnh.