Thúc đẩy đối thoại về vấn đề nhân đạo
Phát biểu ý kiến trực tuyến tại HĐBA LHQ, Phó Cao ủy LHQ về người tị nạn Kelly T. Clements kêu gọi HĐBA bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Bà Clements cập nhật tình hình những người dân Ukraine đang tị nạn ở các nước láng giềng đã bắt đầu được tham gia các chương trình giáo dục, y tế của nước sở tại và hòa nhập dần với xã hội mới. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 13 triệu người đang mắc kẹt ở những khu vực chiến sự nguy hiểm, không thể thoát ly và cũng không tiếp cận được với viện trợ của cộng đồng quốc tế.
Theo báo cáo của Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khoảng 7,1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó gần năm triệu người tị nạn tới các nước láng giềng gần Ukraine. Gần 215.000 công dân nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Ukraine cũng đã sơ tán khỏi nước này. Bà Clements hoan nghênh các nước đã mở cửa biên giới tiếp nhận và giúp đỡ người di cư từ Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức những người Ukraine mất chỗ ở và vẫn ở trong nước. Bà kêu gọi HĐBA bảo đảm mở hành lang nhân đạo để các nhân viên LHQ tiếp cận an toàn và không bị cản trở tới các nơi người dân đang cần.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths cho biết, trong các chuyến thăm Nga và Ukraine mới đây, ông đã kêu gọi các quan chức hai nước nhóm họp để thảo luận về các vấn đề nhân đạo. Ông Griffiths dự kiến sẽ tiếp tục trở lại Nga để thảo luận về tình hình Ukraine sau khi ông có chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy thành lập một nhóm tiếp xúc nhân đạo, trong đó có sự tham gia của cả Moscow và Kiev. Ông Martin Griffiths nhận định khả năng các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn hiện vẫn còn xa, nhưng cũng có thể sẽ đạt được trong hai tuần tới.
Lập quỹ tái thiết Ukraine
Để hỗ trợ đất nước Ukraine bị tàn phá bởi chiến tranh, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch lập một quỹ đoàn kết để tài trợ cho việc tái thiết. Ủy ban châu Âu (EC) thông báo EU đang nghiên cứu một công cụ tập trung vào đáp ứng nhu cầu dài hạn của Kiev. Cơ chế mà EU đang thực hiện sẽ giống với cơ chế được sử dụng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 dành cho các quốc gia thành viên. Hiện tại, EU không muốn cố định ngân sách của quỹ vì cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, theo các đại sứ EU, số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ euro trong khoảng thời gian hàng thập kỷ.
Ngân quỹ chủ yếu sẽ được sử dụng để sửa chữa cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ công cộng ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã đề nghị với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen rằng, chính quyền Kiev cần từ 4,6 đến 6,5 tỷ euro mỗi tháng để trang trải lương và các chi phí khác.
Ngoài ra, EC cũng có kế hoạch giúp đỡ các doanh nghiệp Ukraine. Theo ước tính của Ukraine, khoảng một phần ba số công ty của nước này đã hoàn toàn ngừng hoạt động và 45% phải cắt giảm sản lượng. Xung đột quân sự cũng ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, một trong những hoạt động kinh tế quan trọng nhất ở Ukraine.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) ngày 19/4 kêu gọi cần khẩn cấp khoảng 115,4 triệu USD để hỗ trợ nông dân và các hộ gia đình ở khu vực nông thôn dễ bị tổn thương của Ukraine đến hết tháng 12/2022 nhằm ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực và gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm ở Ukraine. Dự kiến, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/4 sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng trong khuôn khổ cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington nhằm tìm giải pháp hỗ trợ người dân Ukraine.